Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII - Tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội

° Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường
Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII - Tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội

° Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường
(SGGP).- Ngày 21-6, sau một tháng làm việc, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc tại Hà Nội. Trước đó, Quốc hội đã thông qua một số luật và nghị quyết quan trọng.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp thứ 3. Từ kết quả kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết, tập trung mọi nguồn lực của cả nước, toàn dân, toàn quân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn rất khó khăn, đòi hỏi cần sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện có kết quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Khẩn trương triển khai tái cơ cấu đầu tư công; đẩy nhanh việc giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo đảm tăng tổng mức đầu tư vào lĩnh vực này từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý để quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt, từng bước hạ lãi suất tín dụng; cơ cấu lại nợ và tập trung giải quyết nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ xử lý những bất cập trong quản lý đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chính sách giá cả trong đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, tình trạng sử dụng đất lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường…, bảo đảm đến cuối năm 2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Từ nay đến 31-12-2012, tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm, trước hết là các vụ việc về đền bù, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người có đất bị thu hồi, cải thiện môi trường ở các khu công nghiệp và làng nghề.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các ngành, các cấp cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012.

BẢO MINH 

Việc giám sát thực hiện lời hứa sẽ hiệu quả hơn

Cuối buổi chiều 21-6, ngay sau khi phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế để thông báo về kết quả của kỳ họp.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông báo, sau 25 ngày làm việc khẩn trương (trong đó có 42 phiên thảo luận tại hội trường, 7 phiên thảo luận tại tổ), với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đề ra; trong đó có nhiều nội dung quan trọng được đông đảo nhân dân quan tâm.

Về Luật Biển Việt Nam, Chủ nhiệm VPQH cho biết, luật đã được xây dựng, thẩm tra, cân nhắc kỹ lưỡng đúng theo quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với sự đồng thuận cao. Là một quốc gia với hơn 3.000km bờ biển, việc Việt Nam thông qua Luật Biển là một việc làm bình thường, nhằm xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để phát triển kinh tế, đảm bảo hòa bình trong khu vực… Ông khẳng định, Luật Biển Việt Nam được thông qua “không hề làm thay đổi bản đồ biển hiện nay của Việt Nam” và cho rằng, mối quan hệ lâu đời, hữu hảo giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ không vì vậy mà bị ảnh hưởng.

Liên quan đến câu hỏi về việc giám sát thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành; ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, theo đó, trong kỳ họp tới, các vị bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm báo cáo cụ thể về việc thực hiện lời hứa trước nhân dân và cử tri cả nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, theo đó UBTVQH sẽ xây dựng, trình Quốc hội thông qua quy chế bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Qua đó, uy tín của các vị bộ trưởng, trưởng ngành cũng sẽ được Quốc hội xem xét, nhìn nhận một cách khách quan. Để thực hiện được lời hứa với cử tri cả nước, không chỉ riêng các bộ trưởng, trưởng ngành có thể làm được mà các địa phương, các cấp ngành cũng phải tích cực vào cuộc.

A.THƯ


Khẳng định chủ quyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo

Hôm qua 21-6, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Luật Biển Việt Nam.

Giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nhưng không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng

Với đa số phiếu tán thành, hôm qua, Luật Biển Việt Nam chính thức được thông qua. Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Theo Luật Biển, Nhà nước sẽ giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hiệp quốc, Hiến chương ASEAN; Điều 279 Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển. Biện pháp hòa bình đề cập trong các văn bản này bao gồm nhiều loại với các mức độ khác nhau từ thương lượng, đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án quốc tế cho đến việc sử dụng những tổ chức hoặc những định chế khu vực hoặc các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của các bên.

Việc ghi nhận nguyên tắc này hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng, bởi Hiến chương Liên hiệp quốc cũng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng của cá nhân hay tập thể khi thành viên của Liên hiệp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an áp dụng những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Cùng với đó, khoản 1 Điều 5 cũng quy định chính sách của nước ta trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo.

Một nội dung quan trọng trong luật là việc Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản…

Việc xây dựng và phát triển kinh tế biển được thực hiện bằng việc Nhà nước sẽ có chính sách đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh tế, cụm công nghiệp ven biển, kinh tế các huyện đảo theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững; khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần biển, phát triển kinh tế các huyện đảo; khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển trên các đảo; ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tăng cường hoạt động ngư nghiệp và các hoạt động khác trên biển, đảo, bảo vệ hoạt động của nhân dân trên biển, đảo.

Chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trong Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhấn mạnh các mục tiêu ưu tiên đầu tư gồm: đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp (nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến sau thu hoạch…); sớm hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ; xây dựng và củng cố hệ thống đê sông, đê biển, đê bao... thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng… 

Điểm đáng chú ý trong Luật Quảng cáo được thông qua là việc quản lý nhà nước về quảng cáo là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Luật quy định việc cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo; chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

HÀ MY

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nhấn mạnh việc phải rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo…); các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao; khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp...

Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững; bảo đảm vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xác định rõ mục tiêu cần hỗ trợ, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng. Có chính sách đặc biệt ưu đãi đối với khu vực biên giới, hải đảo để người dân yên tâm sinh sống, giữ gìn đất đai vùng biên cương của Tổ quốc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các Đại biểu Quốc hội TPHCM tại phiên bế mạc. Ảnh: MINH ĐIỀN

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các Đại biểu Quốc hội TPHCM tại phiên bế mạc. Ảnh: MINH ĐIỀN

Tin cùng chuyên mục