Đầu năm 1948, giặc Pháp đánh phá ác liệt trên toàn chiến trường Đông Dương. Nước Lào gặp rất nhiều khó khăn. Hoàng thân Xuphanuvông gửi thư yêu cầu Việt Nam giúp đỡ. Bác Hồ đáp lời khẩn cầu ấy, đã bàn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng - lúc này đang là đại diện của Chính phủ ở miền Nam Trung bộ, lập khu đặc biệt giúp Lào và Campuchia tại Quảng Ngãi, thuộc Liên khu 5. Không lâu sau, toàn Liên khu 5 đã chọn ra 19 người, để lập đội quân đầu tiên đi giúp Lào.
Lên phía Tây
19 chiến sĩ quân tình nguyện của Liên khu 5, gồm có 4 người Phú Yên, 6 người Bình Định, 3 người Quảng Nam và 6 người Quảng Ngãi tập trung tại làng Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành và đúng ngày 19-8-1948 đã làm lễ xuất quân lên miền Tây Tổ quốc, đi chiến đấu đánh giặc Pháp giúp Lào. Ngày đó, đồng bào các xã trong huyện Nghĩa Hành đã đến tiễn rất đông. Giữa rừng băng cờ đỏ thắm rực trời, trước mặt người yêu và gia đình bà con ra tiễn, các chàng trai lắng nghe lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc lại lời Bác Hồ nói: “Đi giúp bạn Lào đánh Pháp, là tự giúp mình. Bởi vậy, tôi thay mặt Đảng và Chính phủ nhắc các đồng chí khi chiến đấu ở xa Tổ quốc, các đồng chí phải thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Lào như thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ Việt Nam ta vậy. Chúc các đồng chí lên đường chân cứng, đá mềm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang” …
Sau hàng tháng trời mang nặng hành trang, súng đạn lương thực, vượt qua biết bao suối sâu, đèo cao… các chiến sĩ tình nguyện đã đặt chân lên vùng Áttãpư, Xalãvăn, Bôlavên của mảnh đất Hạ Lào.
Đến chiến trường mới lạ, khác phong tục tập quán, ngôn ngữ. Các chiến sĩ lấy hành động của mình thay ngôn ngữ: Dũng cảm trong chiến đấu, hăng hái trong lao động sản xuất, giúp dân xây dựng cơ sở cách mạng; xây dựng các đội dân quân du kích, phát triển lực lượng vũ trang. Cùng chịu đựng ốm đau, gian khổ thiếu thốn với quân dân Lào. Các chiến sĩ ngày đêm bám địch mà đánh, bám nhân dân mà tuyên truyền cách mạng, động viên tăng gia sản xuất. Có nhiều đồng chí không ngại hy sinh đã lọt vào hoạt động trong vùng địch đóng. Đến cả những nơi hẻo lánh, xa xôi trong rừng sâu để giúp đỡ đồng bào các dân tộc ít người. Như đồng chí Lê Viết Muồng đã chịu đau đớn cà răng, căng tai, đóng khố, mình trần, chân đất, phơi nắng cho người đen nhẻm rồi học tiếng Khạ. Muồng đã sống trong dân, đưa dân vào đấu tranh tận trong đồn giặc mà Pháp cũng không thể phát hiện ra người chiến sĩ Việt Nam ấy …
Suốt 7 năm trời chiến đấu, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Hạ Lào. Hết lớp này đến lớp khác, người này ngã xuống, người khác xông lên. Các lớp tình nguyện quân trên khắp đất nước Việt Nam tiếp bước đến sát cánh cùng đánh Pháp khắp trên hai nước bạn Lào và Campuchia cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.
Về biển Đông
Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp nghị Genève được ký kết. Hòa bình lập lại trên bán đảo Đông Dương. Quân tình nguyện ở Lào và Campuchia rút về nước. Chỉ trừ vài người do bạn yêu cầu ở lại tiếp tục giúp bạn, còn tất cả đều về bên bờ biển Đông. Một số lên tàu tập kết ra Bắc, số khác ở lại đấu tranh trong vùng ngụy quyền kiểm soát. Có người được bổ sung về hải quân, sau này đã trở thành thủy thủ trên các con tàu không số, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực theo đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện miền Nam đánh Mỹ…
Ít lâu sau, các đồng chí Lưu Đức Tài, Tống Viết Tiềm, Lê Cội, Trần Như Tiếp, Trần Kim Trân tiếp tục trở lại chiến trường đánh Mỹ. Có những người theo yêu cầu của bạn Lào, lại vượt Trường Sơn đi giúp Lào, như Lưu Đức Tài - sau này là đại tá, đó là một tình nguyện quân lăn lộn trên chiến trường Lào từ ngày tuổi xanh cho đến lúc bạc đầu. Không chỉ riêng Tài, mà hàng chục ngàn quân nhân Việt Nam đã hết lòng vì nước bạn. Nhiều người đã chịu thương vong nhưng cũng có người trở thành những vị tướng nổi tiếng của quân đội ta như Chu Huy Mân, Lê Chưởng, Huỳnh Đắc Hương, Nguyễn Bình Sơn…
Hàng chục năm sau, khi những người lính tình nguyện già yếu đã về hưu nhưng họ không bao giờ quên nhân dân ở chiến trường xưa và nơi họ đã xuất phát ra đi giúp bạn Lào, Campuchia. Trong số quân tình nguyện của cả nước, có đến 40 người trở thành công dân cư trú tại thành phố mang tên Bác. Nhiều người đã trở lại Đề An. Nhân dân Đề An, Hành Phước kể cho họ nghe những bà má, những ông bố trước khi già yếu qua đời vẫn nhắc “tụi nó sao đi mãi không thấy về”. Kỷ niệm về họ chỉ là những câu hát của các thanh niên:
Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi biết bao giờ trở lại?
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong…
Những trai gái vẫn chờ mong ấy đã qua đời. Con cháu họ tha thiết muốn có kỷ niệm của những người lính đã ra đi hơn 60 năm về trước. Họ bàn nhau phải lập ra một tấm bia đá hoài niệm. Những người lính tình nguyện cũ ở TPHCM đã xúc động vì ý tưởng đó, rủ nhau đóng góp kinh phí cùng đồng bào thôn Đề An, xã Hành Phước, đã dựng lên tấm bia hoài niệm ngay trên cánh đồng đầu làng Đề An. Tấm bia đã khánh thành đúng dịp 30 năm ngày giải phóng Quảng Ngãi.
Bên tấm bia hoài niệm
Khánh thành tấm bia hoài niệm, đánh dấu một di tích lịch sử, nơi xuất phát của một trong những đơn vị tình nguyện quân Việt Nam đầu tiên đi giúp Lào đúng vào 30 năm ngày giải phóng Quảng Ngãi. Ngày đó, chúng tôi đã được Tỉnh ủy, Ủy ban Quảng Ngãi mời ra dự lễ kỷ niệm đồng thời dự lễ khánh thành tấm bia. Thành ủy TPHCM đã cho tiền ăn đường, tàu xe tiễn chúng tôi đi Quảng Ngãi.
Đến Quảng Ngãi, chúng tôi được đón tiếp như người ruột thịt đi xa trở về. Được ngồi trên lễ đài xem quân đội duyệt binh, nhân dân diễu hành và đã thấy rõ sự lớn mạnh mọi mặt của Quảng Ngãi. Xúc động biết bao khi chúng tôi được trở lại thôn Đề An sau 60 năm xa cách. Được đứng bên tấm bia hoài niệm mà đọc lại trên bia lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được bà con Đề An, Hành Phước, Nghĩa Hành tay bắt mặt mừng và những giọt nước mắt chào đón giống hệt như sự mến thương bịn rịn lúc tiễn chúng tôi ra đi.
Chúng tôi vô cùng mãn nguyện vì có được tấm bia ghi nhận lịch sử của quân tình nguyện. Chắc chắn hàng ngàn đồng đội chúng tôi ngã xuống trên đất Lào cũng ngậm cười nơi chín suối.
Ra về, chúng tôi cảm thấy còn áy náy trong lòng vì tấm bia trơ trọi đầu làng trên cánh đồng Đề An. Mai đây lụt bão đến, tấm bia có chịu đựng được với thời tiết khắc nghiệt ở Quảng Ngãi không. Bất ngờ cho chúng tôi: vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh năm nay, Quảng Ngãi lại làm lễ kỷ niệm 63 năm ngày tình nguyện quân Liên khu 5 xuất phát. Không chỉ tấm bia được gia cố mà chính quyền Quảng Ngãi, Ngân hàng Đầu tư phát triển đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng làm một con đường bê tông dài 20km, dẫn đến nơi đặt tấm bia, cùng hoàn thành một ngôi nhà lưu niệm như một bảo tàng nhỏ bao cả tấm bia, trở thành một vùng di tích lịch sử khang trang có đủ cây cảnh hoa lá trông thật uy nghiêm và xinh đẹp.
Lần này được Quảng Ngãi mời gọi và Thành ủy TPHCM hỗ trợ kinh phí, chúng tôi lại được lên đường đến Quảng Ngãi, lại được nhân dân Đề An, Hành Phước ân cần tiếp đón, được cùng nhau đứng xúm xít bên tấm bia. Lần trước trở về 30 người, lần này chỉ được 19 người. Giống như 19 người ra đi lần đầu tiên. Một số người có mặt năm 2009 thì nay đã qua đời hoặc già yếu không đi được. Thiếu tướng Võ Quang Hồ và ông Đặng Khế trên 90 tuổi không đi được, đã nhắn đồng đội chụp cho một bức ảnh mang về để mừng cho đồng đội và nhìn vào ảnh mà biết ơn làng Đề An nơi xuất quân, biết ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi luôn luôn quan tâm và nhớ đến những chiến sĩ tình nguyện quân dù còn sống hay đã mất. Tình nghĩa sâu sắc đó để lại muôn đời trong lòng những người lính chúng tôi.
Nhà văn Trần Công Tấn
(Nguyên chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam ở Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia)