
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; nguyên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang; đại diện các sở, ban ngành cùng đông đảo nhân dân và con cháu dòng họ Phạm Đăng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy phường Sơn Qui Giản Bá Huỳnh, nhấn mạnh: “Ngày giỗ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng không chỉ là dịp tri ân công đức bậc tiền nhân, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần hiếu nghĩa cho thế hệ trẻ. Đây là sự kiện văn hóa tiêu biểu, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam”.

Theo sử liệu, ông Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại Gò Rùa (Gò Công). Ông thi đỗ Tam trường năm 1784 và giữ chức Lễ bộ Thượng thư, sau đó là Quốc Sử Quán Tổng tài dưới triều Minh Mạng. Là người văn võ song toàn, nổi tiếng thanh liêm và đức độ, ông từng là công thần phò tá vua Gia Long từ thuở lập quốc, có nhiều đóng góp trong việc hoạch định chính sách và ổn định đất nước sau thời kỳ chiến tranh với quân Tây Sơn Triều Nguyễn.
Ông mất tại Huế năm 1825, nhằm ngày 14-6 âm lịch, được vua Minh Mạng truy phong “Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc Hiệp - Biện Đại học Sĩ Thụy Trung Nhã” và đưa về an táng tại Sơn Qui. Đến năm 1849, vua Tự Đức, cháu ngoại của ông, đã truy phong tước hiệu “Đức Quốc Công”.

Theo Ban quản lý khu di tích lăng Hoàng Gia, Lễ giỗ Đức Quốc Công được tổ chức hằng năm theo nghi thức truyền thống, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, tại khu di tích Lăng Hoàng Gia. Đây cũng là nơi an nghỉ của ông và dòng họ Phạm Đăng.
Di tích này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993 và đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên; là điểm sinh hoạt chính trị về nguồn của nhiều tổ chức Đoàn trong và ngoài tỉnh.
Việc tổ chức lễ giỗ dưới hình thức xã hội hóa là cách để phát huy tinh thần cộng đồng, đồng thời gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa lịch sử quý báu đến thế hệ mai sau. Đây cũng là dịp để người dân Gò Công và Đồng Tháp cùng nhau tưởng nhớ vị danh thần đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.