Trong khi vụ bác sĩ tắc trách, cắt 2 quả thận của bệnh nhân chưa có kết luận chính thức, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ lại vừa nhận được đơn khiếu nại về việc đặt nhầm ống niệu quản.
Bệnh nhân nói “nhầm”
Như Báo SGGP đã thông tin, anh Lâm Ngọc Giàu (SN 1967, ngụ đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vừa gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và lãnh đạo BVĐK TP Cần Thơ phản ánh việc vợ anh là chị Nguyễn Minh Hiếu (33 tuổi) được đưa đi thay ống niệu quản vào thận trái nhưng bị đặt nhầm vào thận phải.
Theo tường trình của anh Giàu, khoảng 15 giờ ngày 7-12, chị Hiếu được đưa vào phẫu thuật để thay ống dẫn niệu quản mới bên thận trái. Người thực hiện ca phẫu thuật trên là bác sĩ Nguyễn Phương Thùy và bác sĩ Trần Văn Nguyên, Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu (người cắt thận của chị Hứa Cẩm Tú). Đến ngày 9-12, hai bác sĩ trên thông báo chị Hiếu được xuất viện.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại hồ sơ bệnh án, các bác sĩ mới phát hiện đã đặt nhầm ống niệu quản vào bên phải thay vì bên trái rồi nói với gia đình anh Giàu là thận phải sắp hư nên cũng cần đặt ống. Sau đó, chị Hiếu không xuất viện mà tiếp tục ở lại điều trị tại khoa Ngoại thận tiết niệu cho đến nay.
Chị Hiếu cho biết: “Đến hôm nay, ống dẫn vào thận phải vẫn còn nguyên, còn bên thận trái chưa đặt lại. Bác sĩ Nguyên bảo ông sẽ chịu 700.000 đồng tiền đặt ống và 306.000 đồng mũi thuốc tê, phần còn lại chúng tôi phải chịu”. Hiện chị Hiếu đi lại khá khó khăn, bụng còn đau nhức.
Bác sĩ bảo “không”
Trao đổi với báo chí vào sáng 13-12, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của BVĐK TP Cần Thơ, giải thích: Bệnh nhân Nguyễn Minh Hiếu thận trái bị ứ nước do ung thư cổ tử cung xâm lấn làm hẹp lỗ niệu quản trái và có dấu hiệu hẹp cả lỗ niệu quản phải.
Ngày 7-12, chị Hiếu được nhập viện để thay ống định kỳ. Tuy nhiên, khi rút ống thông thận niệu quản trái, lỗ niệu quản trái của chị Hiếu đã bị hẹp, viêm đỏ, phù nề nên không thể đặt ống lại được. Các bác sĩ đã phải đặt ống niệu quản qua bên phải để tránh thận phải ứ nước, gây suy thận. Còn thận bên trái, các bác sĩ dự định sẽ điều trị nội chống viêm, phù nề, sau đó đặt ống lại bên trái dù việc này rất khó.
Cũng theo bác sĩ Nghĩa, vụ việc trên đã được các bác sĩ nhiều lần giải thích cho bệnh nhân và người nhà nhưng người nhà không đồng ý, nhất quyết cho rằng bác sĩ đặt lộn ống và đòi bồi thường.
Bác sĩ Nghĩa khẳng định: “Trong trường hợp trên, các bác sĩ đã làm đúng chỉ định chứ không phải đặt nhầm. Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung nên sau khi đặt ống nước tiểu có hơi đỏ không phải bất thường”.
Cũng như vụ việc cắt 2 quả thận của chị Hứa Cẩm Tú, để có thông tin chính xác về việc đặt nhầm ống niệu quản hay không, có lẽ sẽ lại cần một cuộc họp hội đồng chuyên môn của bệnh viện.
Tuy nhiên, rõ ràng, ê-kíp mổ thay ống niệu quản cho bệnh nhân Nguyễn Minh Hiếu một lần nữa lại “tự ý” đặt ống bên trái sang bên phải mà không giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhân, gây hoang mang cho bệnh nhân và gia đình họ.
| |
Đình Tuyển
| |
|