Bị cáo Đinh La Thăng: “Tôi thấy có lỗi với ĐBSCL, muốn hoàn thành cao tốc TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ”

Bị cáo Đinh La Thăng cũng nói thêm, với trách nhiệm của Bộ GT-VT về phát triển hạ tầng giao thông cả nước, đặc biệt với ĐBSCL là vựa lúa cả nước nhưng chỉ đầu tư được 54km đường cao tốc, bị cáo thấy rất có lỗi với đồng bào ĐBSCL.

Chiều 16-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương tiếp tục với phần xét hỏi.

Bị cáo Đinh La Thăng được dẫn giải tại tòa ngày 16-12
Ai chỉ đạo thanh toán trái quy định?

Đại diện VKS đặt câu hỏi làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong việc đề xuất cho Công ty Yên Khánh – đơn vị trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương thanh toán làm 3 lần, trái với quy định tại Thông tư liên tịch số 05 của Bộ GT-VT và Bộ Tài chính.

Bị cáo Dương Thị Trâm Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cửu Long khai tiếp nhận đề án chuyển giao quyền thu phí khi đề án đã trình đến lần thứ 4 rồi. Khi đó bị cáo Trâm Anh có thắc mắc vì sao thanh toán làm 3 lần. Bị cáo Trâm Anh được một người trong Công ty cho biết đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Bị cáo Dương Thị Trâm Anh nói thêm, quá trình xây dựng đề án rất gấp gáp, phía Công ty Cửu Long chỉ tham mưu lần đầu tiên, rồi sau này chỉ là hoàn thiện đề án theo các tiêu chí mà Bộ đã thống nhất.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Hồng Trường khẳng định lời khai của các bị cáo khác cho rằng ông chỉ đạo thanh toán làm 3 lần là không đúng. Bị cáo Trường chỉ tiếp nhận đề án này khi mà Tổng Cục đường bộ đã có văn bản hướng dẫn Công ty Cửu Long xây dựng đề án bán đấu giá. Còn trước đó như thế nào bị cáo này không được biết.

Bị cáo Nguyễn Hồng Trường nói: “Tôi không chịu áp lực nào. Tôi làm theo trách nhiệm của Thứ trưởng, và làm theo quy định của nhà nước. Nhưng thời điểm này công việc quá nhiều, lại tin tưởng vào các cấp tham mưu nên…”.

Ông Đinh La Thăng có gọi điện giới thiệu Đinh Ngọc Hệ?

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long – đơn vị được Bộ GT-VT giao xây dựng đề án đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương khẳng định việc Bộ trưởng Bộ GT-VT khi đó là ông Đinh La Thăng đã gọi điện giới thiệu ông Đinh Ngọc Hệ là người của Công ty Thái Sơn có quan tâm đến một số dự án mà Cửu Long đang thực hiện. Chứ ông Thăng không giới thiệu ông Hệ tham gia đấu giá quyền thu phí.

Bị cáo Minh khai chi tiết việc này: “Tôi nhớ rõ đó là tháng 2-2012, vì gần với thời gian mà Thủ tướng có văn bản số 217. Sau cuộc điện thoại này, tôi có nhận được cuộc gọi xưng là “Út ở Công ty Thái Sơn” hẹn sang làm việc. Tôi hẹn là sang tuần sau".

Mấy hôm sau là chủ nhật, ông Đinh La Thăng gọi điện bảo tôi làm việc quan cách lắm, yêu cầu tôi phải bố trí thời gian làm việc cụ thể chứ nói chung chung “sang tuần sau” là không được. Tôi nói muốn sang tuần xem lịch họp như thế nào vì có những cuộc họp phải cấp trưởng dự, không được cử cấp phó đi thay”.

Trong khi đó, bị cáo Dương Thị Trâm Anh thì khai có người xưng tên Ảnh, xưng là thư ký của Bộ trưởng Thăng gọi điện nói rằng có Công ty Yên Khánh muốn tham gia đấu giá mua quyền thu phí. Lúc đó, bị cáo Trâm Anh nói đấu giá công khai, cứ theo quy định mà làm.

Bộ trưởng phải biết và chịu trách nhiệm?

Trả lời luật sư, bị cáo Đinh La Thăng nói, thời điểm làm văn bản gửi Thủ tướng về đề án chuyển giao quyền thu phí, bị cáo mới về làm Bộ trưởng Bộ GT-VT được 3 tháng. Tình hình lạm phát lúc đó rất căng thẳng, vốn của Bộ GT-VT đã bị ứng trước mấy năm không còn, nên phải huy động các nguồn lực khác từ trong dân, doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư. Theo bị cáo Thăng, việc bán quyền thu phí là để có vốn thực hiện dự án.

Bị cáo Đinh La Thăng cũng nói thêm, với trách nhiệm của Bộ GT-VT với phát triển hạ tầng giao thông cả nước, đặc biệt với ĐBSCL là vựa lúa cả nước nhưng chỉ đầu tư được 54km đường cao tốc, bị cáo thấy rất có lỗi với đồng bào ĐBSCL. “Do đó, anh em chuẩn bị cho tôi báo cáo Thủ tướng là đồng ý tiếp nhận lại dự án này để tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ngoài ra, không có động cơ mục đích nào khác”, bị cáo Thăng nói.

Liên quan đến nội dung cáo buộc cho rằng tất cả văn bản Thứ trưởng ký đều gửi Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải biết và chịu trách nhiệm việc đó, bị cáo Thăng nói không có quy định nào như vậy. Tại Bộ GT-VT mỗi ngày có 500-700 văn bản đến và đi. Công việc rất nhiều nên phải phân công cho các Thứ trưởng nhân danh Bộ trưởng giải quyết; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng.

Bị cáo Thăng còn nói thêm, ở tất cả các bộ ngành đơn vị địa phương, văn bản cấp phó ký đều có nơi nhận là cấp trưởng. Nhưng không phải tất cả văn bản mà Thứ trưởng ký đều gửi đến tay Bộ trưởng. Bị cáo chỉ xem những văn bản cần chỉ đạo, cho ý kiến, còn những cái báo cáo công việc thông thường thì không cần xem.

Ngày mai (17-12), phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

Tin cùng chuyên mục