Vụ bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Ông Đinh La Thăng phủ nhận hành vi phạm tội

Ngày 16-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương bước sang ngày làm việc thứ ba.

Cuối phiên xử buổi sáng, hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn hai bị cáo nguyên là lãnh đạo Bộ GTVT để làm rõ hành vi vi phạm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong việc triển khai thực hiện bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Vụ bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Ông Đinh La Thăng phủ nhận hành vi phạm tội ảnh 1 Bị cáo Nguyễn Hồng Trường bày tỏ ân hận vì đã thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả

Ân hận vì thiếu trách nhiệm

Bị cáo Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) trình bày rằng bị cáo ý thức được tính quan trọng của Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương nên thực hiện rất kỹ. Bị cáo đã tổ chức nhiều cuộc họp, tại các cuộc họp đều lắng nghe ý kiến của các tổ tham mưu; cũng như đã ký nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án.

“Theo quy định thì phải thành lập Hội đồng định giá, bị cáo có chỉ đạo thành lập không?”, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi. Bị cáo Trường thừa nhận không chỉ đạo thành lập.

Bị cáo Trường cũng thừa nhận những hành vi làm trái quy định như cáo trạng nêu. Cụ thể: ký Quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương mà không thành lập Hội đồng định giá tài sản; ký văn bản thông báo 2 công ty của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia bán đấu giá tài sản dù 2 công ty này không đủ năng lực tài chính; ký quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá dù chỉ có 1 công ty tham gia đấu giá. “Vì những việc như vậy đã dẫn đến những lỗ hổng lớn, bị cáo có biết hay không?”, chủ tọa phiên tòa hỏi. Bị cáo trả lời: “Bị cáo biết”.

Trình bày về việc không chỉ đạo đình chỉ giao quyền thu phí, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi Công ty Yên Khánh không thanh toán đúng hạn như cam kết trong hợp đồng, bị cáo nói: “Nếu Tổng Công ty Cửu Long đề xuất dừng hợp đồng thì Bộ GTVT mới có cơ sở dừng hợp đồng”. Bị cáo cũng cho biết, quá trình thực hiện Đề án, tất cả mọi việc đều có văn bản báo cáo Bộ trưởng.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo suy nghĩ gì về những việc mình làm, bị cáo Trường nói: “Bị cáo rất xót xa, vì thiếu trách nhiệm nên đã để xảy ra hậu quả”.

Ông Đinh La Thăng phủ nhận hành vi phạm tội

Trình bày tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) cho rằng lời khai của nhiều bị cáo khác liên quan đến bị cáo là không đúng. Chẳng hạn, bị cáo không nhận được tất cả các văn bản về thực hiện Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Ví dụ như bị cáo không nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ với nội dung “Đồng ý Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) không tiếp tục đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương và dự án BOT đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và chuyển giao nguyên trạng cho Bộ GTVT”; Hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương; một số văn bản bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký nhưng không gửi cho bị cáo…

Theo bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo làm Bộ trưởng Bộ GTVT, có rất nhiều công việc. Đề án này bị cáo không trực tiếp chỉ đạo, mà là do các Thứ trưởng Bộ GTVT lần lượt chỉ đạo thực hiện.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về chỉ đạo của bị cáo sau khi biết Công ty Yên Khánh không thanh toán đúng theo Hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, bị cáo Thăng trình bày: Tháng 6-2015 anh Thể (ông Nguyễn Văn Thể, vào thời điểm đó là Thứ trưởng Bộ GTVT) có trình văn bản về việc Công ty Yên Khánh vi phạm điều khoản thanh toán. Tôi bút phê trên tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng đã hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đẩu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước”.

Sau lời trình bày này, chủ tọa phiên tòa phân tích: “Lời khai của bị cáo mâu thuẫn. Ban đầu bị cáo nói không trực tiếp chỉ đạo thực hiện Đề án, không nắm cụ thể. Nhưng sau đó bị cáo lại có bút phê làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu bị cáo không biết rõ hợp đồng thì sao lại yêu cầu làm rõ trách nhiệm các bên?”.

Vụ bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Ông Đinh La Thăng phủ nhận hành vi phạm tội ảnh 2 Bị cáo Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử

Đối với câu hỏi về mối quan hệ với Đinh Ngọc Hệ cũng như về việc tác động để công ty do bị cáo Hệ thành lập tham gia đấu thầu mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định: “Bị cáo và bị cáo Hệ không có quan hệ dòng họ, không có quan hệ kinh tế mà chỉ có quan hệ quen biết bình thường. Bị cáo không tác động, không giới thiệu bị cáo Hệ hay Công ty Yên Khánh tham gia đấu thầu. Đây chỉ là suy luận mang tính quy chụp của viện kiểm sát”.

Bị cáo Thăng cũng nói rằng chỉ biết Công ty Yên Khánh trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương khi đi trên đường cao tốc, thấy ghi tên của công ty này.

Về lời khai của bị cáo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) về việc bị cáo gọi điện thoại giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tham gia mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận việc này. Theo bị cáo Thăng, bị cáo Minh khai tại tòa rằng tháng 8-2012 mới được giao dự án thì không có lý do gì tháng 2-2012 bị cáo gọi điện thoại giới thiệu Đinh Ngọc Hệ như cáo trạng quy kết.

Từ những lý lẽ trình bày, bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Theo bị cáo, trong cáo trạng có 6 nội dung thì chỉ có 1 nội dung là đúng 1 phần. Về nội dung đúng 1 phần, bị cáo trình bày: “Cáo trạng nêu “với trách nhiệm bộ trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm toàn bộ”. Tôi chỉ chịu trách nhiệm về chính trị, về hành chính chứ không thể bắt tôi chịu trách nhiệm hình sự”.

Các nội dung thiếu căn cứ, theo bị cáo là: bị cáo không tác động để Công ty Yên Khánh tham gia đấu thầu; số tiền hơn 725 tỷ đồng là số tiền Công ty Yên Khánh trốn doanh thu thu phí, bị cáo không chịu trách nhiệm; không thể áp dụng quy định về đấu thầu áp dụng vào đấu giá vì hai lĩnh vực này khác nhau…

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Trình bày tại phiên tòa, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh đề nghị HĐXX xác định số tiền hơn 725 tỷ đồng trong vụ án là tài sản của Công ty Yên Khánh chứ không phải là tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt; đồng thời đề nghị xem xét hủy các lệnh kê biên, phong tỏa tài sản của Công ty Yên Khánh.

Tin cùng chuyên mục