Bí đường là... ra album nhạc xưa

Bí đường là... ra album nhạc xưa

(SGGP thứ bảy).- Đều đặn mỗi tuần, thị trường băng đĩa lại có thêm vài album nhạc xưa. Gần đây nhất là Vết thương cuối cùng (Hồng Ngọc), trước đó là Nhạc xưa (Tuấn Hưng), Ngày hôm qua là thế (Ngọc Ánh Idol), Thoáng mây bay (Hoàng Bách)... Trào lưu, hay chính xác hơn là phong trào hát nhạc xưa đang là cách tự cứu của ca sĩ, trong tình thế “chờ được cứu”.

Trên trang mp3.zing.vn, các fan bắt đầu than về chuyện “bội thực”: “Gần đây sao thấy nhiều ca sĩ hát nhạc xưa quá, hết Tuấn Hưng lại Hồng Ngọc, cả ca sĩ chuyên trị nhạc sến cũng muốn làm sang với nhạc xưa như Quách Tuấn Du với Tình hờ. Thiết nghĩ, mỗi ca sĩ nên có một lối đi riêng, không nên đua theo ca sĩ khác, thấy người khác hát gì là hát theo. Quanh đi quẩn lại vẫn là những bài Khúc thụy du, Niệm khúc cuối, Rồi mai tôi đưa em, Vết thương cuối cùng… Người hát sau chưa chắc đã hay hoặc độc đáo hơn những tên tuổi đã đóng dấu với những ca khúc này. Khổ nhất là nghe ca sĩ hát rõ lời, đúng nhịp mà không thấy hồn vía của ca khúc đâu…”.

Tuy nhiên, những người trong cuộc đều có vẻ rất tâm đắc về đứa con tinh thần của mình. Tuấn Hưng tâm sự: “Album này đánh dấu thời điểm tôi đã đủ chín chắn và trải nghiệm để có thể hát đúng chất của những tác phẩm xưa. Trước đây, tôi cũng từng hát nhạc của những tác giả này rồi nhưng để làm CD thì phải rất cẩn thận và đầu tư kỹ lưỡng. Cái gì nhiều người cùng yêu thích và cùng làm thì nó sẽ trở thành trào lưu”.

Các album nhạc xưa

Các album nhạc xưa

Hồng Ngọc phân trần: “Album nhạc xưa gồm những ca khúc mà cách đây hơn 10 năm tôi đã từng hát khi mới vào nghề: Xóm đêm, Mắt lệ cho người, Mưa hồng, Phút cuối… Nó như một kỷ niệm cho riêng mình sau từng ấy năm bước chân vào nghề ca hát. Giọng hát của tôi cũng hợp hơn với những ca khúc mang nhiều chất tự sự, tâm trạng một chút, có lẽ phải có một chút day dứt, chia ly gì đó mới thấm được”.

Nhưng tâm sự của Ngọc Ánh Idol khiến người ta ngạc nhiên: “Thật sự thì mãi tới khi chuyển vào TPHCM đi hát, tôi mới biết đến những ca khúc như Buồn ơi chào mi, Bâng khuâng chiều nội trú, Cô đơn, Dấu tình sầu, Lá đổ muôn chiều… Cho dù khán giả nhận xét chất giọng tôi khá thích hợp với dòng nhạc xưa, nhưng tôi chỉ ra album để nhắm đến đối tượng khán giả trung niên, chứ không quyết định theo hẳn dòng nhạc này”.

Dòng nhạc xưa vốn dĩ thường gắn liền với định kiến từ phía người nghe, chẳng hạn, không ai hát Diễm xưa hay bằng Khánh Ly; Vũ Khanh ca Bâng khuâng chiều nội trú, Khúc thụy du là nhất; Xin còn gọi tên nhau chỉ có Lệ Thu hát là “thấm nhất”… Do vậy, nhạc xưa là thể loại “kén người thể hiện”.

Những ca sĩ ra album nhạc xưa gần đây cho thấy họ chạy theo phong trào như một cách chứng tỏ mình cũng có gu và “biết hát nhạc xưa”. Nhưng không phải ai cũng được khán giả công nhận hát nhạc xưa có chất riêng như Đức Tuấn, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng. Khán giả rất tinh ý, cho dù có hâm mộ thần tượng đến mấy nhưng thấy ca sĩ hát không hay, không lọt lỗ tai thì đành nói mấy lời lịch sự: “Dù sao cũng phải công nhận là ca sĩ đã có cố gắng! Cố gắng nhưng đừng để hoài công vì đã hát với sở đoản”.

Sự trở lại với nhạc xưa thêm một lần nữa khẳng định, giá trị của những ca khúc đó không hề bị mai một theo thời gian. Nhưng mặt khác, trào lưu này còn cho thấy các ca sĩ đang loay hoay trong môi trường âm nhạc đầy rẫy các sáng tác mới nhạt nhòa và nhốn nháo, với hằng hà ca khúc có ca từ nghe như cãi nhau hoặc… nói nhảm. Ca sĩ muốn kiếm được đủ bài nghe được để ra album thì phải sàng lọc hơi lâu, bí quá đành gom đại những ca khúc nhạc xưa. Album phát hành thì lại cầu may rằng nó sẽ được đón nhận, giúp mình khẳng định “đẳng cấp nhạc sang”.

Người người hát nhạc xưa, nhà nhà hát nhạc xưa, nên chuyện album ra xong là lọt thỏm trên kệ băng đĩa. Khán giả có tò mò muốn biết Quách Tuấn Du hát nhạc xưa cỡ nào cũng chỉ lên mạng nghe thử. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy từng nhận định: “Một ca sĩ muốn làm mới được nhạc xưa thì cần phải có một tâm hồn sâu sắc như người xưa và một “nội công thâm hậu” của người nay.

Tiếc rằng, tìm một người “nội công thâm hậu” trong giới ca sĩ hiện nay quả không dễ”. Một album nhạc xưa không thích hợp với giọng hát sẽ dẫn đến "ép phê" ngược. Thay vì thu hút khán giả, album nhạc xưa chỉ khiến khán giả nghĩ ca sĩ bày đặt và bắt chước.

SƠN BÙI

Tin cùng chuyên mục