“Bí mật” dưới phiến đá trắng

“Bí mật” dưới phiến đá trắng

Thật may mắn, khi lần này tôi về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bình Phước cũng là lúc thượng tá Lê Hoàng Yến, Chính trị viên đội K.72 vừa chân ướt chân ráo trở về, sau những tháng ngày ròng rã cùng anh em đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ từ các vùng rừng núi ở Campuchia. Tôi đã nghe kể nhiều về anh nhưng chưa lần nào gặp mặt, vì hơn 5 năm nay, anh xa nhà biền biệt. Mỗi lần về đơn vị, anh chỉ dành mấy ngày thăm gia đình, rồi lại lặn lội cùng anh em vượt núi, băng ngàn đi tìm đồng đội.

"…Khi đến nơi quan sát, anh bàng hoàng nhận ra, giữa vùng rừng núi âm u, việc xuất hiện phiến đá trắng này không phải là điều bình thường…"

Thượng tá Hoàng Yến là một trong những người có tuổi quân, tuổi đời cao nhất ở Bộ CHQS tỉnh Bình Phước này. Trước khi về đây, anh đã có gần 20 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, giải phóng Sài Gòn và sau đó là chiến trường Campuchia. Mặc dù là thương binh hạng 1/4, nhưng khi có chủ trương thành lập đội công tác đi tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia, anh đã tình nguyện tham gia. Anh nói với cấp trên: “Tôi đã nhiều năm chiến đấu, công tác trên đất bạn nên thông thạo địa hình, lại nói được tiếng Campuchia. Hãy cho tôi thực hiện việc ân nghĩa với đồng đội đã khuất”.

5 năm, 17 cuộc đợt tìm kiếm trên đất khách, mỗi cuộc ra đi từ 2 - 3 tháng, bước chân anh đã đặt đến mọi vùng rừng sâu, vực thẳm giữa đại ngàn thuộc các tỉnh: Munđunkyry, Karatía, Kôngpôngthơm, để cùng anh em trong đội K.72 đưa về nước an táng được gần 1.500 bộ hài cốt đồng đội.

Anh kể, đợt công tác vừa rồi, anh và đội K.72 xuất quân đi tìm hài cốt đồng đội trên địa bàn rừng núi 2 tỉnh: Munđunkyry và Karatía. Bước vào mùa khô, đại ngàn Lâyphông của tỉnh Karatía nắng nóng, cây rừng héo quắt. Các khe, suối phơi ra những hòn đá cuội bỏng rát chân người. Dù là vùng rừng có nhiều đầm lầy, nhưng Lâyphông vẫn rất hiếm nước ngọt. Nhiều năm đi tìm mộ đồng đội, đi qua nhiều mùa khô, anh đã tích lũy được chút kinh nghiệm, để bây giờ truyền lại cho anh em: để tìm được nguồn nước ngọt, hãy chờ đêm đến, lắng nghe ở hướng nào có tiếng voi gầm, hổ thét vì tranh nhau uống nước, thì sáng sớm mai tìm đến đó, vừa đi vừa lấy xoong, nồi khua vang để đuổi thú dữ. Cũng nhiều năm, đi qua nhiều mùa khô, anh không thể nào quên được những lần ra đi, lội rừng cả tuần lễ, đào nát cả những khoảnh rừng mà chẳng thấy gì.

“Bí mật” dưới phiến đá trắng ảnh 1

Đưa các anh về lòng đất mẹ. Ảnh: PHẠM VĂN MẤY

Sau gần 10 ngày vạch cây rừng, đào bới hàng trăm hố, tìm kiếm đến bật máu đôi bàn tay, mà đồng đội của anh vẫn biệt tăm. Nhiều anh em trong đội bị sốt rét. Chiều hôm đó anh và người đội trưởng bàn bạc, thống nhất cho cả đội rút quân, chuyển hướng đi tìm kiếm ở vùng rừng khác. Anh em lại vạch cây rừng mở lối tìm đường trở ra. Trời nắng như đổ lửa, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi, vừa đói, vừa khát.

Khoảng 2 giờ chiều, khi mọi người đang nghỉ giải lao ở một triền đồi, anh và một vài anh em mở lối đi xuống một dòng khe cạn tìm nước. Được một đoạn, anh chợt nhìn thấy giữa những tán cây um tùm có một phiến đá màu trắng hình chữ “L”. Khi đến gần quan sát, anh bàng hoàng nhận ra, giữa vùng rừng núi âm u, việc xuất hiện phiến đá trắng này không phải là điều bình thường, nó phải ẩn chứa một bí mật nào đó. Có thể đây là dấu hiệu để lại của đồng đội năm xưa. Nghĩ vậy, anh động viên anh em đào thử xung quanh phiến đá. Cái hố đã được đào sâu 1 mét, rồi 1,5 mét, xung quanh phiến đá được đào rộng ra nhưng chỉ có đất với đá, thỉnh thoảng có thêm nhánh rễ cây mục.

– “Ra thôi chú ạ. Chẳng có gì đâu. Đây chỉ là một phiến đá do tự nhiên sinh ra vậy thôi” – một chiến sĩ nói.

Nghe vậy, anh cũng hơi hoang mang. Nhưng càng ngắm kỹ phiến đá thì anh lại càng tin vào sự cảm nhận của mình. Rõ ràng đây là một sự sắp đặt có chủ định chứ không phải ngẫu nhiên. Anh tiếp tục động viên anh em mở rộng hướng đào ra xung quanh. Khi mặt trời sắp lặn xuống cánh rừng già thì bỗng chàng thiếu úy trẻ reo lên:

– Chú Yến ơi! Cháu đào được cái lược đây này.

Mọi người đổ xô đến. Rất thận trọng và tỉ mỉ, anh em gạt từng mẩu đất sâu xuống dưới thì phát hiện thêm một chiếc gương và một chiến khăn tay có thêu chữ TTB. Đó là những di vật được chôn theo bộ hài cốt. Với những gì tìm được thì đây là hài cốt của một nữ liệt sĩ có tên (viết tắt) là TTB. Cả đội ai cũng trào nước mắt, vừa vui mừng, vừa cảm động. Anh em gói ghém cẩn thận hài cốt của người liệt sĩ rồi tìm lối trở ra điểm tập kết khi màn đêm đã bắt đầu buông. Lại thêm một đêm ngồi trệu trạo nhai mì khô giữa rừng.

Tại điểm tập kết, thượng tá Yến ngồi đăm chiêu suy nghĩ về mảnh đạn được tìm thấy trong hài cốt của người liệt sĩ. Quá trình đi tìm mộ, các anh đã gặp nhiều trường hợp mộ nằm đơn lẻ giữa rừng, do đồng đội lúc bấy giờ hy sinh khi  đang trên đường làm nhiệm vụ hoặc bị sốt rét. Sự xuất hiện của mảnh đạn này chứng tỏ nữ liệt sĩ nằm xuống trong một trận chiến đấu. Và như vậy, chắc chắn xung quanh khu vực mộ liệt sĩ còn có nhiều đồng đội khác đang yên nghỉ. Từ suy luận đó, anh bàn bạc với người đội trưởng, sáng hôm sau cho toàn đội trở lại cánh rừng có phiến đá hình chữ “L”. Anh em khoanh vùng lại rồi tiến hành đào bới và tìm kiếm.

Thật bất ngờ, đây là khu nghĩa trang chôn cất đến trên 140 hài cốt liệt sĩ, trong đó có nhiều nữ liệt sĩ cùng nhiều di vật chứng tỏ đây là nơi hy sinh của một đơn vị quân y dã chiến. Có lẽ, đơn vị đã bị địch tập kích, và các chàng trai, cô gái giữa cánh rừng này đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Sau khi chôn cất các liệt sĩ, ai đó đã đặt phiến đá hình chữ “L” để làm dấu. Chứng kiến những di vật được chôn cất theo cùng hài cốt liệt sĩ, anh em trong đội đã bật khóc… Phần lớn mộ đều không có tên của người đã khuất.

“Bí mật” dưới phiến đá trắng ảnh 2

Thượng tá Lê Hoàng Yến soạn tài liệu tìm kiếm hài cốt đồng đội. Ảnh: P.T.S.

Đợt đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đó, đội K.72 đã đưa về nước 141 bộ hài cốt liệt sĩ. Lễ hồi hương, an táng các liệt sĩ được tổ chức trọng thể trên đất mẹ…

Tâm sự với chúng tôi, anh nói rất ít về mình. Với anh, việc đi tìm hài cốt là công việc của lương tri, tình nghĩa. Dọc hành trình đi tìm, mỗi khi đào được một bộ hài cốt, anh như được gặp lại một người đồng đội giữa rừng sâu. Địa bàn đội K.72 tìm đến phần lớn đều là rừng nguyên sinh, điều kiện địa hình và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô nhiệt độ lên đến 42 độ, có khi đi cả ngày chẳng tìm thấy nước. Mùa mưa thì phải sống chung với sình lầy, muỗi vắt, rắn, rết...

Căn nhà của gia đình anh ở gần biên giới Campuchia thuộc huyện Lộc Ninh từ lâu đã trở thành trung tâm tiếp nhận và cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ. Điện thoại nhà riêng của anh giống như một “đường dây nóng” về tìm kiếm, tiếp nhận thông tin. Mỗi lần có thông tin về mộ liệt sĩ, dù đang làm gì, anh cũng gác mọi việc lại để tìm đến tận nơi cất bốc, đem về. Anh tâm sự: “Nhiều người cho rằng việc đem hài cốt về nhà là điều kiêng kỵ, nhưng tôi không nghĩ vậy. Rất nhiều lần tôi cùng anh em trong đội đi cất bốc hài cốt liệt sĩ đem về tập kết tại nhà tôi trước khi làm lễ an táng. Gia đình tôi quan niệm, đưa hài cốt liệt sĩ về nhà mình cũng giống như đồng đội đang đến chơi nhà mình vậy”.

Mỗi lần tìm thấy mộ liệt sĩ, anh đều ghi chép cẩn thận mọi chi tiết ngay tại hiện trường để làm tư liệu cho việc tìm kiếm, xác định nhân thân của liệt sĩ về sau. Hiểu được ý nghĩa của việc làm tình nghĩa này, người vợ và 3 người con của anh đều tích cực tham gia, phụ giúp anh. Công việc vất vả, thường xuyên sống trong vùng rừng thiêng, nước độc, nhưng anh vẫn rất khỏe mạnh. Vết thương trên cơ thể cũng không còn hành hạ anh mỗi khi trái gió, trở trời như trước nữa.

Anh nói, mình được đồng đội phù hộ, tiếp sức nên mới được như vậy. Còn khỏe ngày nào, anh còn đi tìm và đưa đồng đội trở về quê hương... Nghe được điều này, có lẽ đâu đó bên những cánh rừng hoang vu, người ngã xuống sẽ mách bảo cho anh tìm được họ dưới lòng đất.

Phan Tùng Sơn

Tin cùng chuyên mục