Bãi rác tập trung của huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) rộng 4,2ha với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng nhưng xây dựng quá gần khu dân cư nên nhiều năm nay người dân phải sống chung với ô nhiễm.
Bãi rác tập trung của huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) xây dựng tại xã Hồng Sơn từ năm 2009, rộng 4,2ha, với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Do quy mô không đáp ứng được lượng rác thải của 33 xã, thị trấn nên hiện nay chỉ tập kết, xử lý cho 14 đơn vị xã, thị trấn và rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương. Điều đáng nói, bãi rác này xây dựng quá gần khu dân cư, nên nhiều năm nay người dân phải sống chung với ô nhiễm.
Bãi rác nằm sau đồi cây thuộc xóm 9 (xã Hồng Sơn). Rác tập kết về được chôn lấp sơ sài, thủ công. Ông Bùi Văn Hà (trú xóm 9), cho biết mấy năm nay gia đình ông và các hộ dân khác phải sống chung với ruồi nhặng, mùi hôi và nguồn nước bẩn. Gia đình ông ở đây từ đầu những năm 90, đến năm 2003, bên kia sườn đồi hình thành một bãi rác tạm của người dân xã Hồng Sơn. Năm 2014, UBND huyện Đô Lương tiến hành xây dựng thành bãi rác tập trung của huyện.
Ông Hà bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri về nỗi khổ của chúng tôi. Không thể tả hết cảnh môi trường ở đây bị ô nhiễm như thế nào. Chỉ biết, nhiều lúc muốn mà không dám mời khách đến chơi nhà vì sợ họ không dám uống cả nước nhà mình nấu”.
Nhà anh Thái Văn Thảo, chỉ cách bãi rác 50m, nhiều hôm cả gia đình phải “sơ tán” đến nhà người thân vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác.
Anh Thảo cho hay: “Ban ngày mùi thối nồng nặc, nhất là sau khi mưa giông. Ban đêm nếu trời dày sương thì mùi hôi thối bao trùm cả khu vực. Nhà tôi ở gần suối ngầm chảy xuyên qua chân đồi nên mỗi lần mưa to, nước ngấm ra từ bãi rác chảy tràn vườn”.
Không những sống chung với không khí ô nhiễm, ruồi nhặng, người dân ở đây còn phải sống chung với nguồn nước bẩn chảy ra từ bãi rác. Để đối phó với tình trạng này, người dân đã phải chung tiền đào mương để “nắn dòng” nước bẩn không cho chảy vào vườn nhà. Tất cả các hộ dân ở đây phải trữ nước mưa để dùng trong nhiều tháng. Một người dân cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 10 lượt xe chở rác đến đổ. Bãi rác nằm trên địa bàn xã Hồng Sơn nhưng đường vào bãi rác lại chạy qua xã Bồi Sơn. Nhiều lần dân muốn ra ngăn không cho xe rác vào đổ...
Trước thực trạng bãi rác gây ô nhiễm, huyện Đô Lương đang tìm giải pháp để giải quyết những tồn tại phát sinh từ bãi rác này. Chia sẻ khó khăn với các hộ dân, năm 2017 UBND huyện đã tặng 10 máy lọc nước trị giá 45 triệu đồng cho 10 hộ dân nằm cận kề bãi rác.
Ông Đậu Văn Chinh, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đô Lương, cho biết việc xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường đối với khu vực cạnh bãi rác thải đã được người dân phản ánh nhiều. Vừa qua, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu đơn vị vận chuyển chôn lấp đúng theo nội dung đã ký kết trong hợp đồng. Do đó, thời gian gần đây đã giảm được một phần ô nhiễm, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, UBND huyện đang tiến hành các bước để khẩn trương di dời 10 hộ dân ra khỏi khu vực này.
DUY CƯỜNG