Ông Hoàng Trung Hải nhận định, qua vụ việc này đã rút ra nhiều kinh nghiệm. “Chúng ta thường hay nói đến an ninh về chính trị, chứ ít nói về an ninh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn nguồn nước, sau vụ việc này phải quan tâm hơn, từng khu vực, thậm chí từng hộ dân đều phải quan tâm đến bể nước gia đình mình”.
Về vụ việc này, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cần phải làm rõ trách nhiệm, trước hết là doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.
Trách nhiệm bảo vệ vòng ngoài là công an. Còn hồ thủy điện, chủ đầu tư nào làm thì phải giám sát, cả từ ô nhiễm, sạt lở… Kể cả an ninh bảo vệ đầy đủ vẫn có thể xảy ra mất an ninh an toàn nguồn nước, do đó phải củng cố hệ thống quan trắc nước sạch và chia trách nhiệm từng công đoạn. Ở khâu phân phối cũng phải có quan trắc thường xuyên để phát hiện kịp thời sự cố.
Thừa nhận chính quyền Hà Nội phải rút kinh nghiệm về việc phản ứng chậm trước sự cố nước sạch vừa qua, ông Hải cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại quy định về điều kiện đầu tư cung cấp nước sạch, không để sự cố tương tự lặp lại.
“Thành phố 10 triệu dân, sự cố vừa rồi là rất đáng tiếc”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Vẫn theo Bí thư Hoàng Trung Hải, thành phố Hà Nội đã có quy định về ứng phó với thảm họa từ năm 2008, nhưng đã chưa thực hiện rốt ráo. Đã có vấn đề trong phân công, phân nhiệm trong xử lý công việc và thông tin cũng như phối hợp hành động giữa các cơ quan có liên quan. Ông Hải cho rằng, những yêu cầu của người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua nước sạch là chính đáng.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, chiều 22-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố xảy ra đối với nước sạch sông Đà vừa một "cảnh báo đỏ cho việc quản lý an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước dùng cấp cho sinh hoạt". Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn chiều 22-10 Ông nói: "Tôi cho rằng phải xem lại ba khía cạnh. Thứ nhất là thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Thứ hai là việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp. Thứ ba là việc chuyển từ việc Nhà nước đảm bảo nguồn nước sạch sang tư nhân thì có những mặt tích cực, nhưng bên cạnh đó sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm cho ai". Về vấn đề lo ngại khả năng đổ trộm các chất độc hại hơn rất nhiều xuống nước, người đứng đầu ngành TNMT cho rằng nếu tình trạng quản lý lỏng lẻo và trách nhiệm của nhà cung cấp nước kém ý thức như thế này vẫn tiếp diễn thì nhiều kịch bản tồi tệ hơn hoàn toàn có thể xảy ra. “Công tác kiểm soát an ninh nguồn nước là vấn đề lớn”, ông Hà nhấn mạnh. Cho biết ông cũng đã phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng này đến 3 ngày, Bộ trưởng Hà tỏ ra bức xúc khi nhà đầu tư “đã không đưa ra giải pháp đúng đắn, kịp thời và không chú ý đến sức khỏe, không lường được hết các tác hại có thể gây cho mọi người. Có thể nói, họ đã hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”. Theo Bộ trưởng, các cơ quan thi hành pháp luật sẽ thực hiện các biện pháp chế tài cần thiết và hiện nay đã có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý họ. Đối với một doanh nghiệp đưa các sản phẩm bẩn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trong trường hợp này là thương mại về nước, kinh doanh nước, cung cấp dịch vụ sản phẩm là nước mà biết nước ô nhiễm nhưng vẫn cũng cấp thì đối với các hộ sử dụng nước là một bên hợp đồng, có những thỏa thuận và họ có thể kiện. "Về góc độ sức khỏe của người dân, khi cung cấp sản phẩm ra thị trường mà sản phẩm đó bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có thể xem xét xử lý. Chẳng hạn, thuốc giả thì đi tù và với nước bẩn cung cấp cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể”, ông nói. |