Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Luôn năng động, sáng tạo tìm ra cơ hội phát triển

“Thành quả phát triển KT-XH của TPHCM năm 2011 đạt được khá toàn diện, trong đó các chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong khó khăn, người dân TPHCM luôn luôn phát huy tính năng động, sáng tạo để tìm ra cơ hội phát triển. Tin dân, dựa vào dân, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã nỗ lực cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, phát huy thế mạnh lòng dân, làm cho dân tin, tạo điều kiện cho dân bàn và dân làm. Với sự đồng thuận, đồng lòng và chung sức, TPHCM từng bước vượt qua khó khăn, thách thức”. Nhân dịp tết đến-xuân về, đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với Báo SGGP về một năm đã qua - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Luôn năng động, sáng tạo tìm ra cơ hội phát triển

“Thành quả phát triển KT-XH của TPHCM năm 2011 đạt được khá toàn diện, trong đó các chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong khó khăn, người dân TPHCM luôn luôn phát huy tính năng động, sáng tạo để tìm ra cơ hội phát triển. Tin dân, dựa vào dân, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã nỗ lực cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, phát huy thế mạnh lòng dân, làm cho dân tin, tạo điều kiện cho dân bàn và dân làm. Với sự đồng thuận, đồng lòng và chung sức, TPHCM từng bước vượt qua khó khăn, thách thức”. Nhân dịp tết đến-xuân về, đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với Báo SGGP về một năm đã qua - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM.

  • Tái cấu trúc kinh tế để phát triển bền vững

* PV: Thưa đồng chí, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, TPHCM với nhiều nỗ lực và cách làm sáng tạo, linh hoạt nên đã vượt qua, phải chăng có một nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nhiều năm trước và đến nay ngày càng phát huy tác dụng?

* Đồng chí LÊ THANH HẢI: Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998, TPHCM đã có chủ trương điều chỉnh cơ cấu kinh tế, điều chỉnh quy hoạch theo hướng trọng tâm phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ; thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, tỷ trọng dịch vụ chiếm gần 54% và tăng dần qua các năm, công nghiệp - xây dựng chiếm 45%, qua đó từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. TPHCM kiên trì thực hiện mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở quan tâm thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Các nhân tố này liên quan chặt chẽ với nhau và tích hợp tác động, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Nhìn toàn cục, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là định hướng chủ đạo để phát triển nhanh và bền vững. Với Chương trình kích cầu đầu tư áp dụng từng giai đoạn 2001 - 2005 và Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010, thực chất TPHCM đã chủ động trong việc thực hiện các biện pháp để từng bước tái cấu trúc kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn của môi trường kinh tế vĩ mô trong 3 năm qua, nên kết quả đạt được còn hạn chế. Nhưng với kinh nghiệm có được, TPHCM sẽ thuận lợi hơn để cùng cả nước thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt được thắng lợi.

TP Hồ Chí Minh về đêm. Ảnh: TRỌNG NGHI

TP Hồ Chí Minh về đêm. Ảnh: TRỌNG NGHI

* Còn nhớ năm 1997, TPHCM cùng cả nước vượt qua cơn khủng hoảng tài chính khu vực. Trong 3 năm qua, TPHCM tiếp tục thành công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy trong thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Đảng bộ, chính quyền TPHCM có những kinh nghiệm gì cần rút ra, thưa đồng chí?

* Kinh nghiệm thực tiễn ở TPHCM cho thấy, để góp phần vượt qua những tác động xấu của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, một mặt thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, mặt khác phải hết sức nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn, phát hiện kịp thời và mạnh dạn giải quyết những vấn đề mới phát sinh; đồng thời phải luôn ý thức vai trò, vị trí của TPHCM đối với khu vực phía Nam và cả nước. Trong quá trình thực hiện, TPHCM luôn chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc kiến nghị Trung ương cho phép TPHCM thí điểm những cơ chế, chính sách mới để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. TPHCM luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp với cuộc sống. Chẳng hạn, khi thực hiện Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ, hàng tháng Ngân hàng Nhà nước đã cùng với TPHCM nắm bắt tình hình, triển khai kịp thời các giải pháp điều hành phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TPHCM; Bộ Tài chính luôn sát cánh hỗ trợ TPHCM giải quyết vướng mắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý ngân sách. Từ đề xuất của thành phố, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh miễn, giãn, giảm thuế suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Công thương luôn hỗ trợ TPHCM trong việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường. Nói chung, TPHCM trong quá trình xây dựng, phát triển và giữ vững ổn định chính trị luôn được các ban - bộ - ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ và có sự phối hợp tốt.

* Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và cắt giảm đầu tư qua thực hiện Kết luận 02 và Nghị quyết 11, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Vậy TPHCM có cách làm thế nào để giúp doanh nghiệp và giúp dân vượt qua khó khăn?

* TPHCM đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng hoặc từng quý, lãnh đạo TP và các quận - huyện, sở - ngành thành phố đã gặp gỡ, đối thoại, trực tiếp tháo gỡ vướng mắc, nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất Trung ương. TPHCM có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư công nghệ hiện đại để thay thế sản phẩm nhập khẩu, giảm giá thành hoặc các dự án chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng năng suất cao và phát triển bền vững. Đồng thời, TP hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối, thực hiện quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước; xây dựng cổng thông tin thương mại xuất - nhập khẩu; xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa,…

Việc chia sẻ khó khăn trong nhân dân sớm được phát hiện và kịp thời nhân rộng. Chẳng hạn như, xuất phát từ quận Thủ Đức vận động chủ nhà trọ hỗ trợ người thu nhập thấp và học sinh, sinh viên bằng việc không tăng giá thuê phòng, thu đúng giá điện nước, từ đó phong trào phát triển đến tất cả 24 quận, huyện; MTTQ TP phát động phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”; Hội LHPN TP có phong trào tiết kiệm điện của gia đình hội viên; Thành đoàn TPHCM có chương trình Tiếp sức mùa thi... Những chương trình, việc làm thiết thực đó đã mang lại hiệu quả rõ nét, đặc biệt góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong lúc khó khăn, nhất là đồng bào nghèo, tạo nên sự đồng thuận, tin tưởng, an dân.

  • Dân tin, dân mới nói!

"Dân đồng thuận, tin tưởng là cơ sở giúp cho chính quyền mạnh lên - đó được coi như “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc…"

Bí thư Thành ủy TPHCM LÊ THANH HẢI

* Việc mở rộng dân chủ trong Đảng đã góp phần mở rộng dân chủ ngoài xã hội và nhờ đó, người dân ngày càng góp ý nhiều hơn với cấp ủy về công tác lãnh đạo, quản lý cán bộ trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Vậy làm thế nào để nhân dân tham gia xây dựng Đảng nhiều hơn?

* Trước hết, tôi hoan nghênh những người dân nói thẳng, nói thật! Đối với ý kiến, thông tin về tham nhũng, tiêu cực thì chỉ đạo xác minh, thẩm định, kết luận, xử lý vi phạm, công khai việc xử lý. Cấp ủy chọn chuyên đề nghe chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ góp ý, hiến kế giải pháp phát triển thành phố, có thêm cơ sở để lãnh đạo TP lựa chọn, quyết định các phương án tối ưu. Thành ủy TPHCM có truyền thống dựa vào dân để xây dựng Đảng; nhân dân thành phố có truyền thống cách mạng kiên cường, tin vào Đảng. Cán bộ, đảng viên đặt mình trong sự giám sát của nhân dân nơi cư trú, nơi làm việc. Qua phong trào hành động cách mạng, những người ưu tú được bồi dưỡng, kết nạp vào hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị - xã hội, kết nạp vào Đảng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em Tam Bình trong dịp tết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em Tam Bình trong dịp tết. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Vậy khi tiếp nhận những ý kiến của dân, có ý kiến đúng, có ý kiến sai, hoặc chưa hiểu rõ về nghị quyết, chủ trương của Đảng thì thái độ của chúng ta như thế nào, thưa đồng chí?

* Cần phải hiểu rằng: Dân tin, dân mới nói! Có trường hợp chính sách đúng nhưng lúc đầu có thể chưa được một bộ phận người dân đồng tình, do chưa được thông tin, phân tích thấu đáo, thậm chí vì chưa có thực tiễn, do đó phải thực hiện tốt “dân biết, dân bàn”, kiên trì giải thích để người dân hiểu, đồng thuận, “dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời lắng nghe, thấu hiểu ý dân, cầu thị, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những nội dung, chính sách chưa sát hợp. Thực hiện chính sách là một quá trình, trong đó luôn cần có thông tin phản hồi kịp thời và chính xác để điều chỉnh. Chính sách đúng thường được rộng rãi dư luận hoan nghênh do hợp lòng dân. Thông tin phản hồi càng chính xác, sự điều chỉnh càng kịp thời thì hiệu quả hoàn thiện chính sách càng cao. Đó chính là ý nghĩa, yêu cầu của việc khuyến khích mọi người không chỉ đánh giá, nhận xét chủ trương, chính sách mà rất cần tham gia đóng góp, hiến kế để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tôi lưu ý, cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải hết sức lắng nghe, cầu thị, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến kế để xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM.

  • Công khai để Đảng mạnh

Trong đánh giá cán bộ cần chống thái độ nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, đề cao tự phê bình và phê bình, lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Vấn đề cần lưu ý là không được lợi dụng dân chủ, phê bình để nói xấu đồng chí, đồng nghiệp; sử dụng phê bình để thực hiện ý đồ cá nhân"

Bí thư Thành ủy TPHCM LÊ THANH HẢI

* Việc công khai hoạt động tổ chức Đảng và tài sản của cán bộ, đảng viên được dư luận hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Rõ ràng đây là kênh giám sát hiệu quả.

* Công khai là điều kiện để phát huy dân chủ, được hàm nghĩa sâu sắc trong từng nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Không công khai thì không thể nói đến hiệu quả giám sát, phân biệt đúng sai, sửa chữa khuyết điểm... Đó cũng là nội dung quan trọng để thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Tất nhiên, mỗi vấn đề đều có phạm vi công khai. Đối với những việc ban hành và thực hiện chính sách, về thi hành công vụ, về đạo đức lối sống, về tài sản của cán bộ, đều cần công khai theo quy định của pháp luật và của Đảng. Thông qua công khai, đảng viên và nhân dân được thông tin đầy đủ, chính xác, thúc đẩy tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng thực chất, qua đó giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên.

* Vậy trong công tác quản lý cán bộ, nhân dân đóng vai trò thế nào, thưa đồng chí?

* Rất quan trọng! Như chúng ta biết, phẩm chất, tài năng, sự cống hiến của cán bộ đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn trong phong trào hành động cách mạng và được nhân dân thừa nhận, vì cán bộ, đảng viên hoạt động nhằm phục vụ nhân dân. Vì vậy, việc nhận xét, đánh giá cán bộ phải dựa vào nhân dân, tổ chức đảng ở nơi cán bộ công tác và nơi cán bộ cư trú; đồng thời không chỉ xem xét cá nhân cán bộ, mà còn phải xem xét cả gia đình cán bộ để hiểu rõ về cán bộ, trên cơ sở đó mới chọn lựa và rèn luyện, giáo dục được cán bộ để bố trí phù hợp.

* Để công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, đề bạt và luân chuyển cán bộ đúng với yêu cầu và sở trường, sở đoản của từng người, đồng chí rút ra những bài học, kinh nghiệm gì trong công tác này?

* Muốn bố trí đúng cán bộ, mấu chốt là phải đánh giá đúng cán bộ. Việc đánh giá từng cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cán bộ, vào kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị; phải hiểu được mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển của cán bộ đó. Đánh giá cán bộ còn nhằm phát hiện các đồng chí tiên phong, gương mẫu, có sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán, có tác phong, lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân; đề cao sự nghiệp chung, đề cao lợi ích của Đảng, của dân, được tập thể và nhân dân tín nhiệm, tin tưởng. Phải đề cao tính Đảng trong đánh giá cán bộ, nhất là phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Nơi nào người đứng đầu tâm huyết, đề cao trách nhiệm và sáng tạo để đầu tư cho công tác cán bộ thì nơi đó có nhiều cán bộ tốt, cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi giỏi, trưởng thành nhanh chóng. Cái tâm tốt thì mọi việc cũng sẽ tốt.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Tuấn Sơn thực hiện

Tin cùng chuyên mục