Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu thành phố tương lai của Đức

Đoàn đại biểu TPHCM đã đến thăm, làm việc tại Darmstadt. Darmstadt được xem là thành phố tương lai của Đức, thành phố khoa học, thành phố kỹ thuật số với vai trò dẫn đầu trong phát triển công nghiệp 4.0.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đức, ngày 23-5 (theo giờ Đức), đoàn đại biểu cấp cao TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc với các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Darmstadt - thành phố tương lai của Đức.

Tham gia cùng đoàn có Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Huỳnh Thành Đạt; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Đoàn đã đến thăm, làm việc tại Khoa Thiết kế tích hợp máy tính (DiK - Đại học Darmstadt). Việc tích hợp công nghệ thông tin là một phần không thể thiếu của kỹ thuật cơ khí hiện đại và sự liên kết của nghiên cứu và giáo dục với các nhu cầu công nghiệp là mục tiêu cơ bản của khoa. Ngoài ra, DiK được định vị là trung tâm năng lực của các vấn đề công nghệ thông tin trong khoa.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu thành phố tương lai của Đức ảnh 1  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trải nghiệm một sản phẩm trí tuệ nhân tạo Khoa Kỹ thuật cơ khí, Đại học Darmstadt
Tại đây, GS Reiner Anderl, Trưởng Khoa Thiết kế tích hợp máy tính giới thiệu về vấn đề nóng bỏng của Đức, là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nhấn mạnh đến sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ này sẽ tạo quá trình chuyển đổi số, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực. Xu hướng về sự thay đổi tập trung vào việc hình thành các mô hình kinh doanh mới, kinh tế dựa trên kỹ thuật số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tạo ra sự thay đổi lớn trong quá trình lao động, việc làm.
“Nhưng đâu là thách thức?”, GS Reiner Anderl đặt vấn đề và cho biết, đó chính là sự cạnh tranh về kinh tế, sự đảm bảo chủ quyền quốc gia và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu thành phố tương lai của Đức ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với GS Reiner Anderl về trí tuệ nhân tạo
GS Reiner Anderl cũng nhấn mạnh đến việc tích cực tập trung phát triển mạng di động thế hệ 5, trí tuệ nhân tạo. Trong đó, trí tuệ nhân tạo coi trọng đến hoạt động của công nghệ thông tin dựa trên tri thức với nhiều nội dung quan trọng như nhận dạng mẫu hình ảnh, ngôn ngữ, dữ kiện…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu thành phố tương lai của Đức ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hứng thú với phần giới thiệu của GS Reiner Anderl về trí tuệ nhân tạo
Đoàn cũng nghe giới thiệu, tham quan thực tế nhà máy mô phỏng với hệ thống máy móc quan trọng. Trong đó, nhà máy được thiết kế hệ thống tối ưu hóa năng lượng, thu hồi lượng nhiệt thừa để tái sử dụng (thay vì để phát thải tự động ra môi trường).

Nhà máy cũng có hệ thống lưu trữ, xử lý hàng ngàn thông tin và điều khiển máy móc, đảm bảo hoạt động của nhà máy được vận hành an toàn, hiệu quả tối ưu…

Không những vậy, những tấm vách của nhà máy được sản xuất công nghệ tiêu tốn ít nhất nguyên liệu (cát, xi măng) nhưng vẫn đảm bảo an toàn và khi phá dỡ thì có thể tái sử dụng chúng. Trong những tấm vách này là hệ thống xử lý để mùa đông sẽ sưởi ấm và mùa hè sẽ làm dịu mát không khí của nhà máy. Bằng cách này, nhà máy cũng tiết kiệm được 40% năng lượng tiêu thụ.

Trưa cùng ngày, đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty Đô thị Thông minh Darmstadt.

Tại buổi làm việc, đoàn đại biểu TPHCM giới thiệu khái quát về việc TPHCM đang triển khi đề án đô thị thông minh. TPHCM cũng nhận ra vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển AI. Trong đó, AI đang thu hút sự quan tâm lớn từ cả ba phía, gồm các trường đại học và viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

TPHCM đang tích cực thành lập Ban điều hành chương trình hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM. Ngoài ra, TPHCM cũng tổ chức các hội thảo quốc tế đi sâu vào các chuyên đề AI để lắng nghe ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề này.

Tuy nhiên, TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế về nghiên cứu, đào tạo vì thiếu nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách. Cùng đó, môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng. Vì vậy, đoàn đề nghị công ty chia sẻ kinh nghiệm, cách thức, công nghệ để xây dựng đô thị thông minh Darmstadt.

Đại diện Công ty Đô thị Thông minh Darmsadt đã giới thiệu một số mô hình về trí tuệ nhân tạo, trong đó có dịch vụ hành chính kỹ thuật số, về công tác phòng cháy, chữa cháy… Một trong những ứng dụng cụ thể là tạo tiện lợi cho việc đi lại cho người dân. Theo đó, người dân chỉ cần sử dụng ứng dụng nêu điểm xuất phát và điểm đến thì lập tức hệ thống sẽ “tư vấn” cho từng quãng đường với từng loại phương tiện cụ thể, từ đó, người dân có quyết định phù hợp.

Đại diện Công ty Đô thị Thông minh Darmstadt cũng giới thiệu xu hướng internet vạn vật, mô hình thành phố kỹ thuật số. Song, đơn vị này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì, bảo tồn văn hóa, trong đó tạo công trình văn hóa ảo trên không gian mạng để giới thiệu các công trình văn hóa của Darmstadt và ghi nhận sự phản hồi, góp ý của người dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu thành phố tương lai của Đức ảnh 4 Đoàn cán bộ cấp cao TPHCM nghe đại diện Công ty Đô thị Thông minh Darmstadt chia sẻ về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo
Đại diện công ty này lưu ý, mô hình đô thị thông minh không phải là đâu đâu cũng có camera giám sát, biển quảng cáo mà phải có sự thay đổi về công nghệ; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia. 

Công ty Đô thị Thông minh Darmstadt nêu khái niệm “đạo đức về công nghệ”, như việc giới hạn thu thập dữ liệu của người dân, không được phép bán thông tin liên quan đến nhân thân của  người dân.

Mục tiêu lớn nhất của việc này là nhằm tạo được sự hấp dẫn ở thành phố và chất lượng sống của người dân ngày càng cao hơn.

Darmstadt - thành phố tương lai của Đức

Darmstadt phát triển về nhiều mặt, từ khoa học, văn hóa, đến tinh thần kinh doanh và các ngành công nghiệp đa năng. Đổi mới từ lâu đã là một truyền thống ở Darmstadt. Sự phát triển của kỹ thuật điện ở Darmstadt cũng là cái nôi của số hóa.

Thành phố Darmstadt có khoảng 160.000 người sống trên 12.200ha. Tuổi trung bình là 40,3 tuổi, 42,3% dân cư Darmstadt là từ 18 đến 45 tuổi.

Darmstadt được xem là thành phố tương lai của Đức, với vai trò dẫn đầu trong phát triển công nghiệp 4.0. Darmstadt cũng ở vị trí hàng đầu trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học trong các ngành toán học, khoa học máy tính, khoa học tự nhiên và công nghệ.

Ngoài ra, Darmstadt cũng là thành phố khoa học đầu tiên của Đức. Các cơ sở nghiên cứu lớn của thành phố bao gồm viện Fraunhofer (trung tâm hàng đầu về bảo mật kỹ thuật số CRISP), Trung tâm nghiên cứu ion nặng Helmholtz (nơi phát hiện ra nguyên tố hóa học“Darmstadtium”).

Darmstadt được trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến. Thành phố cung cấp wifi miễn phí cho người dân, du khách cũng như tại trung tâm thành phố, tại các nhà ga trung tâm. Trung tâm dữ liệu DARZ của Darmstadt nổi tiếng về tiết kiệm năng lượng và hiện đại, được kết nối trực tiếp với trung tâm Internet lớn nhất thế giới “De-CIX”.

Điểm nổi bật khác, tại Darmstadt có khoảng 10.400 công ty, lớn nhất là: Merck, Deutsche Telekom, Evonik Industries, Entega và Döhler. Hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, mỹ phẩm tóc, công nghệ thông tin và truyền thông, cơ khí, kỹ thuật điện, cơ điện tử và công nghệ vũ trụ là những ngành hàng đầu.

Darmstadt được hưởng lợi từ sự tích hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, phát triển, công nghiệp và toàn bộ khu vực kinh tế sông Main-Neckar.

Tin cùng chuyên mục