Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo chống ngập khẩn cấp ở đô thị biển Quy Nhơn

“Khu dân cư ở ngay mặt biển mà cứ mưa là ngập đường, ngập nhà thì không thể chấp nhận được. Sở Xây dựng cùng với UBND TP Quy Nhơn phải có giải pháp khẩn cấp”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo.

Ngày 10-12, tại kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu bắt đầu chất vấn các lãnh đạo sở, ban ngành, UBND tỉnh để tập trung làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.

Đặc biệt, tại kỳ họp, cử tri tỉnh Bình Định đề nghị các ngành chức năng cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt ở đô thị TP Quy Nhơn, đặc biệt là tại phường Ghềnh Ráng, vấn đề Báo SGGP đã phản ánh.

Người dân phường Ghềnh Ráng dùng dây thừng cứu người bị cuốn trôi trong trận ngập lịch sử 20-11-2022
Cử tri khu vực 3, phường Ghềnh Ráng phản ánh, khoảng 2-3 năm trở lại đây địa bàn thường xuyên bị ngập lụt, mức độ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong tháng 10 và 11-2022 vừa qua liên tiếp xảy ra 2 trận ngập lụt lớn cuốn trôi phương tiện, tài sản gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở đây.
Lực lượng chức năng vào sâu vùng ngập ứng cứu người dân phường Ghềnh Ráng trong trận ngập 20-11-2022
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo chống ngập khẩn cấp ở đô thị biển Quy Nhơn ảnh 3 Nhiều tài sản người dân, tiểu thương bị cuốn trôi, ướt và hư hại sau trận ngập 20-11

Về nội dung trên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định Trần Viết Bảo cho biết, nhiều nguyên nhân khiến phường Ghềnh Ráng bị ngập nặng. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất là do cường độ mưa quá lớn, 200-270mm vào các ngày 11-10 và 20-11-2022. Lượng mưa lớn diễn ra trong thời gian ngắn 2-3 giờ khiến cho khả năng thoát nước đô thị vượt quá sức, không tiêu thoát kịp gây ngập nặng.

Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Trần Viết Bảo trả lời cử tri
Nguyên nhân thứ 2 do hệ thống thoát nước ở phường Ghềnh Ráng đầu tư trong nhiều giai đoạn không có sự đồng bộ về tiết diện thoát nước. Ngoài ra, nhiều kênh mương chính đang bị bồi lấp, không được nạo vét duy tu thường xuyên khiến dòng chảy bị hẹp, tắc nghẽn.
Trong đó, 1 số kênh mương chính, như: tuyến mương Bông Hồng, mương dọc đèo Quy Hòa và mương dọc đường Lê Công Miễn bị người dân lấn chiếm xây dựng công trình, kiến trúc làm dòng chảy bị thu hẹp…

Đặc biệt, tại cống thoát nước duy nhất thoát ra biển ở đường Hàn Mặc Tử rất hẹp, chỉ 4 cống D2000, khả năng thoát nước đáp ứng với lượng mưa 30mm/h trong 3 giờ, còn với lượng mưa đến trên 200mm/h thì không thể đáp ứng được.

Ngoài ra, ông Trần Viết Bảo cũng đề cập đến nguyên nhân do khả năng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trước mùa mưa lũ không được quan tâm. Nhiều hệ thống thoát nước đầu mùa mưa không được nạo vét, khơi thông, gây ngập nặng đô thị Ghềnh Ráng.

Một góc đô thị phường Ghềnh Ráng 
Về giải pháp chống ngập, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết, cần đầu tư mới cống trên đường Chế Lan Viên nối dài, trong đó thay thế 4 cống D2000 đoạn cửa thoát qua đường Hàn Mặc Tử. Vận động người dân tháo dỡ công trình, vật kiến trúc vi phạm hành lang kênh mương Bông Hồng và cải tạo, duy tu lại kênh mương thoát nước quan trọng này.

Ông Trần Viết Bảo đề xuất cần rà soát lại tổng thể các kênh mương thoát nước ở địa bàn phường Ghềnh Ráng và khu vực TP Quy Nhơn để có lộ trình quản lý, vận hành chống ngập. Trong đó, sớm cải tạo nâng cấp 1 số tuyến kênh quan trọng, đặc biệt khu vực phường Ghềnh Ráng.

Ngoài ra, tại phường Ghềnh Ráng cần bổ sung thêm 1 đường thoát nước để chia lũ, mở thêm đường thoát ra hướng biển thông qua đường Võ Liệu - Tây Sơn…

Tuy nhiên, theo dõi phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, cách trả lời trên còn nặng tính lý thuyết, cần có sự cam kết chắc chắn với cử tri trước mùa mưa lũ năm 2023.

“Khu dân cư ở ngay mặt biển mà cứ mưa là ngập đường, ngập nhà thì không thể chấp nhận được. Sở Xây dựng cùng với UBND TP Quy Nhơn phải có giải pháp khẩn cấp”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại kỳ họp
Qua đây, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị Sở Xây dựng, UBND TP Quy Nhơn cần tăng cường trách nhiệm quản lý, làm không đúng quy định phải thanh tra, kiểm tra xử lý. “Không có chuyện ở trên đổ xuống thành phố, thành phố chỉ xuống phường rồi phường lại đổ cho tổ dân phố. Cuối cùng là người dân chịu khổ!”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Sở Xây dựng, TP Quy Nhơn cần có trách nhiệm khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm có giải pháp tổng thể, căn cơ để xử lý ngập lụt dứt điểm trước mùa mưa lũ 2023.

Tin cùng chuyên mục