Biến đổi khí hậu và chính trị

Tại cuộc hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm 9-3, các diễn giả đã chỉ ra rằng, những năm gần đây, thế giới rúng động bởi những bất ổn triền miên: bạo lực ở Trung Đông, nội chiến ở châu Phi, giá cả lương thực, nhiên liệu tăng phi mã và nền kinh tế toàn cầu tuy đã bắt đầu phục hồi nhưng vẫn chưa thể coi là “mạnh khỏe”.

Và một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những bất ổn đó chính là biến đổi khí hậu. Những dòng sông đang cạn kiệt đã góp phần quan trọng làm cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông bế tắc; hạn hán, mất mùa làm châu Phi thêm bất ổn chính trị. Ở những khu vực khác, những trận lụt làm giá lương thực và hàng hóa tiêu dùng leo thang, còn những cơn bão bất thường đang đe dọa số phận chính trị của nhiều quan chức và đảng phái. Mới đây nhất, hôm 6-3, Chính phủ Chile đã cách chức người đứng đầu cơ quan Hải dương học vì đã không cảnh báo kịp thời thảm họa sóng thần sau động đất.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, trong một bài viết cho tạp chí Time, từng đánh giá: “Phát triển bền vững, nâng cao khả năng đối phó với biến đổi khí hậu là chìa khóa cho mọi cuộc chiến, mọi cuộc khủng hoảng”. Ở một mức độ tương đối, có thể nói khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu khác nhau đã dẫn tới sự khác nhau rất lớn về mức độ thiệt hại và sự ổn định xã hội.

Tại Việt Nam, trong vòng 50 năm qua (1958 – 2007), nhiệt độ trung bình năm đã tăng lên từ 0,5 – 0,7°C. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè, nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam. Sự “trái tính trái nết” và mức độ khắc nghiệt của các hiện tượng thời tiết là không có gì phải bàn cãi. Khi thiên tai xảy ra, hàng trăm tỷ đồng được đổ ra để xoa dịu nỗi đau, chắp vá cơ sở hạ tầng vốn đã rất nhiều khiếm khuyết của Việt Nam. Những khoản tiền khổng lồ khác được đầu tư chủ động hơn để nâng công suất trạm bơm thoát nước cho Hà Nội, đắp đê ngăn triều cường cho TPHCM hay kiên cố hóa thêm nhiều trường học cho miền Trung… Đó là những khoản tiền được đầu tư đúng đắn, nhưng dẫu sao vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Ứng phó với biến đổi khí hậu để từ đó giải quyết tận gốc những thách thức này bắt nguồn từ việc thay đổi những thói quen hàng ngày – không mấy liên quan đến tiền bạc.

Đơn cử, người dân TPHCM có thể đi xe đạp và xe buýt nhiều hơn (để giảm lượng khí thải của xe máy, xe hơi), giữ gìn tầng ôzôn, sẽ hạn chế khả năng triều cường dâng cao hơn nữa trong tương lai. Nhân viên công sở và người dân Hà Nội có thể sử dụng điện tiết kiệm hơn, họ sẽ hạn chế khả năng phải xây thêm nhà máy điện, cứu thoát những cánh rừng đầu nguồn và góp phần làm cho những cơn mưa dễ chịu hơn, lũ lụt bớt hung dữ hơn…

Giá cả biến động là việc vẫn phải lo, nhưng đừng để những cái lo ngắn hạn đó làm mờ đi tất cả những điều quan trọng khác, những điều đang buộc cả nhân loại phải trả giá đắt, thậm chí rất đắt. Đó là thông điệp rõ ràng được gửi đi từ cuộc hội thảo này.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục