* Bình Định: 8 người chết, thiệt hại hơn 500 tỷ đồng
(SGGPO).- Sáng 9-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to, nước lũ vùng hạ lưu sông Hà Thanh, sông Kôn tiếp tục dâng cao. Khu vực đồng bằng các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn vẫn bị ngập nước. Hệ thống đê bảo vệ tuyến đê ngăn mặn khu Đông thuộc huyện Tuy Phước đã bị sóng đánh vỡ nhiều đoạn, nước mặn tràn vào các khu dân cư.
UBND tỉnh Bình Định đã cử 2 đoàn công tác xuống các địa phương để kiểm tra và triển khai công tác phòng chống lũ lụt. Đoàn do Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện dẫn đầu đi triển khai công tác phòng chống lũ tại huyện Tuy Phước. Đoàn do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đi đến huyện Phù Cát, An Nhơn.
Tại thành phố Quy Nhơn, các tuyến đường Đường Trần Cao Vân, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định… bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Phường Đống Đa có 2 nhà bị sập do sạt lở núi, khu vực 9 (đảo 1B Bắc sông Hà Thanh) bị ngập hoàn toàn. Phường Nhơn Bình, Bùi Thị Xuân có hơn 110 hộ dân bị lũ cô lập. Chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp 5 hộ dân và vận động những hộ ở sát chân núi, ven sông di dời đến nơi an toàn. Đặc biệt, xã đảo Nhơn Châu tiếp tục bị cô lập do tàu thuyền không thể ra vào được, gạo, thực phẩm tươi sống, rau xanh… đang cạn kiệt dần. UBND xã đang lên phương án di dời 17 hộ dân, với 81 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do triều cường đến nơi an toàn.
Tại huyện Tuy Phước, các xã xã khu Đông nằm ven đầm Thị Nại: Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng đã bị lũ cô lập. Hai tuyến tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) và tuyến tỉnh lộ 636B từ Gò Bồi (huyện Tuy Phước) đi Lai Nghi (huyện Tây Sơn) nhiều đoạn đường bị ngập sâu từ 0,5-1 m, người và phương tiện qua lại đều phải đi đò. Tuyến xe buýt từ Quy Nhơn đi Cát Tiến hiện đã ngừng hoạt động, gần 50.000 học sinh các địa phương trên tiếp tục nghỉ học. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy Phước, hiện có 1378 hộ/7781 nhân khẩu đang cần cứu trợ.
|
Huyện Phù Cát có 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 58 nhà bị tốc mái, 475 hộ dân nước lũ tràn vào nhà ngập từ 0,5-1m, chủ yếu ở các xã: Cát Tiến, Cát Chánh và Cát Thắng. Hiện Phù Cát có hơn 1.700 hộ dân bị cô lập, 1.450 ha lúa và hoa màu bị ngập trong nhiều ngày, hệ thống giao thông nông thôn bị sạt lở nhiều đoạn. Tràn Tân Tiến (xã Cát Tiến) bị sạt lở nặng, dài gần 150m.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến 9 giờ sáng nay, mưa lũ đã làm 8 người bị chết và mất tích, 2 người bị thương; 32 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 107 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng.
Mưa lũ còn làm chìm và cuốn trôi 8 tàu cá, 940 hecta ao nuôi tôm bị hư hỏng, 70 mét đê sông bị vỡ đứt và 11,445 km đê sông, đê kè bị sạt lở nghiêm trọng, 15.580m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp và hơn 2.000 m bị lũ cuốn trôi…
Nhiều tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ bị lũ phá hoại nặng, có 54.952 m³ đất bị sạt lở, 23 cầu, 6 cống hư hỏng, 242.243 m² mặt đường bị xói lở, nhiều công trình phụ trợ bị hư hỏng…. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 500 tỉ đồng.
- Phú Yên: Sơ tán dân cư vùng ven sông, suối, trũng thấp
Do mưa lớn, các hồ thủy điện trên địa bàn Phú Yên đã xả lũ với lưu lượng: Sông Ba Hạ xã với lưu lượng: 1.986m³ một giây từ 14 giờ ngày 8-11 và tăng dần lên 4.468m³/giây đến sáng nay 9-11; Krông H’Năng (bậc trên của thủy điện Sông Ba Hạ) xả 500m³ một giây từ 14 giờ ngày 8-11 và tăng dần lên 1.000m³/giây; hồ Sông Hinh xả 1.200 m³/giây 14 giờ ngày 8-11 và tăng dần lên 2.500m³ một giây, đến 22 giờ ngày 8-11 duy trì lưu lượng xả 2.000m³/ giây.
14 giờ chiều nay 9-11, Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đã có văn bản thông báo mực nước hồ Thủy điện Sông Ba Hạ: 104,47m trên mực nước dâng bình thường 105m (công trình này vẫn còn 3m cao trình được thiết kế dành cho việc cắt lũ, tức cao trình mực nước tối đa của hồ là 108m) và xả lũ với lưu lượng 3.904m³/giây. Công ty đề nghị các ngành chức năng cho phép xả lũ với lưu lượng tối đa 6.000m³/giây từ 9 giờ đến 12 giờ và xả 4.000m³/giây từ 12 giờ đến 24 giờ cùng ngày.
Trong khi đó, hồ Thủy điện Sông Hinh cũng đạt cao trình mực nước 208,04m trên mực nước dâng bình thường 209m và xả lũ với lưu lượng 1.000m³/giây từ 14 giờ chiều 9-11; hồ Thủy điện Krông H’Năng có mực nước đạt 254,25m trên mực nước dâng bình thường là 255m và xả lũ với lưu lượng 250m³/giây.
Do ảnh hưởng của rìa phía Nam áp cao lạnh lục địa tăng cường yếu, kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, trường gió Đông Bắc nên trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa rất to. Lượng mưa từ 19 giờ chiều ngày 7-11 đến 13 giờ chiều nay 9-11 tại các nơi phổ biến từ 155,7 – 495 mm. Cụ thể tại Hà Bằng: 264,5mm; Củng Sơn: 262,6; Phú Lâm: 495,2mm; Tuy Hòa: 468,9mm; Hòa Mỹ Tây: 419mm; Sông Hinh: 236,8mm; Sông Cầu: 245,9mmm. Đa Lộc: 155.7mm Làm cho mực nước các sông lên trở lại.
|
Vào 13 giờ chiều nay, mực nước trên các sông tại Phú Yên như sau: sông Lỳ Lộ tại Hà Bằng 8,39m, dưới báo động cấp II là 0,11m; sông Ba tại Củng Sơn 32,63m, trên báo động cấp III là 0,63m, sông Ba tại Phú Lâm 3,49m, dưới báo động cấp 3 là 0,21m; sông Bánh Lái tại Hòa Mỹ Tây đạt 10,12m.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn miền Trung, chiều và tối nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to, mực nước các sông tiếp tục duy trì ở mức mức báo động cấp II – III.
Mưa lớn trong 2 ngày 7 và 8-11 đã gây sạt lở núi Chóp Chài và Cổ Bông làm sập 3 nhà dân ở 2 thôn Thạnh Đức và Minh Đức xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa.
Trước diễn biến phức tạp của tỉnh hình mưa, lũ, chính quyền các địa phương tại Phú Yên đã tổ chức sơ tán dân cư ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng cửa sông với 1.082hộ/2928 khẩu; trong đó huyện Phú Hòa di dời 133hộ với 393khẩu; thị xã Sông Cầu di dời 269 hộ (806 khẩu); huyện Đồng Xuân di dời 638 hộ với 1.597 khẩu; Thành phố Tuy Hòa sơ tán 15 hộ với 61 khẩu; huyện Đông Hòa 27 hộ với 71 khẩu.
Mưa lớn mấy ngày qua làm đá lăn gây ách tắc tuyến đường sắt Bắc – Nam tại điểm sạt lở cũ (ngày 2-11) ở Km1320+700 vào 20 giờ ngày 8-11-2010. Ngành đường sắt đã khắc phục xong và thông tàu lúc 7 giờ ngày 9-11-2010.
Trên đèo Cả cũng đã bị sạt lở taluy dương làm tắc 1 làn đường tại Km1362+700 và Km1360+800; từ Km1294-Km1301, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, sình lún, mất an toàn giao thông. Sáng nay, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên cho biết đã xử lý xong điểm sạt lở này.
Toàn bộ các tuyến tỉnh lộ trên địa phận tỉnh Phú Yên từ ĐT641 – ĐT650 đều bị ngập, hưu hỏng tại nhiều nơi gây ách tắc giao thông.
Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua đèo Cả tại km1230+490 (đoạn thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị tắc do đá làm vừa mới thông lúc 6 giờ 30 phút sáng nay đã bị tắc trở lại. Đây là lần thứ ba trong một tháng, đường sắt Bắc – Nam đoạn qua đèo Cả bị sạt lở, gây tắc đường.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ, hiện nay Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã tổ chức lực lượng của Bộ chỉ huy và các đơn vị trực thuộc sẵn sàng cơ động 185 chiến sĩ; Cơ quan quân sự các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai tại các xã, phường, thị trấn mỗi đơn vị duy trì 1 trung đội dân quân (25-30 chiến sĩ), đồng thời lực lượng dân quân của huyện từ 2-3 trung đội dân quân cơ động sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
|
Nhóm PV SGGP
>> Khắc phục xong sự cố sạt lở đèo Cả
>> TP Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu trong nước