Bình Dương đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Là một trong những địa phương có nhu cầu rất lớn trong tuyển dụng lao động, nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương đã đầu tư nguồn lực lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhất là hệ thống trường cao đẳng, đại học chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút học viên, nhiều trường đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, trường đại học nước ngoài.

Sinh viên trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng An trong giờ học thực hành
Sinh viên trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng An trong giờ học thực hành

Tập trung phát triển trường nghề

Để nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Bình Dương đã đặt ra mục tiêu phát triển mạng lưới GDNN theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động. Nếu giai đoạn 2000-2005, tỉnh Bình Dương chỉ có 6 trường trung cấp, 2 trường cao đẳng, 3 trường đại học, thì đến nay đã có 86 cơ sở GDNN, gồm 6 trường cao đẳng, 1 phân hiệu Cao đẳng đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 51 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN. Năm 2022, các cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tuyển sinh được 56.590 người tham gia học nghề (cao đẳng: 1.525 sinh viên; trung cấp: 4.755 học sinh; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 50.310 học viên), vượt chỉ tiêu 39.000 người; số người học tốt nghiệp là 40.268 người (cao đẳng: 1.422 sinh viên; trung cấp: 2.990 học sinh; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 35.856 học viên). Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 của tỉnh Bình Dương đạt 82%.

Mạng lưới các cơ sở GDNN được quy hoạch rộng ra thị xã Bến Cát (Trường Đại học Việt Đức) và việc phát triển GDNN không chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước, mà trong khoảng 5 năm gần đây còn có sự tham gia của nguồn lực xã hội với nhiều trường tư thục, cơ sở giáo dục, dạy nghề vốn có đầu tư nước ngoài. Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức cạnh tranh giữa các đơn vị nhằm thu hút học viên là công nhân các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN). Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương… Thông qua các đơn vị này, UBND tỉnh Bình Dương đã đặt hàng bồi dưỡng, chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm nghề cho 112 giáo viên từ nguồn ngân sách tỉnh và phối hợp với Trường Korea Polytechnics (KOPO) đào tạo một số lớp cho giáo viên giảng dạy các nghề hàn, công nghệ ô tô, cơ điện tử, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp (thực hiện theo dự án ODA của Hàn Quốc với UBND tỉnh).

Để thực hiện hiệu quả quy hoạch mạng lưới GDNN trên địa bàn, tỉnh đã duyệt kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó nguồn lực xã hội hóa chiếm khá cao (86%), như Trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng An đã đầu tư trang thiết bị thực hành, giảng dạy là hơn 650 tỷ đồng. Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng An, cho rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của tỉnh rất lớn, người học phải giỏi nghề mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Do đó, trường đã chi đầu tư nguồn lực lớn để nâng cao chất lượng đào tạo; 100% học viên của trường tốt nghiệp có việc làm, nhiều em làm đúng chuyên môn ở các ngành nghề như: công nghệ thông tin, cơ khí, kinh tế - tài chính, xuất nhập khẩu, du lịch.

Gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp

Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong triển khai “Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị, thông minh, văn minh, hiện đại” đến năm 2025. Do đó, ngành chức năng của tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tuyên truyền chính sách, pháp luật về GDNN; nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN… Đặc biệt, giải pháp về liên kết đào tạo, gắn kết giữa trường học với nhu cầu của doanh nghiệp được xem là giải pháp trọng tâm, nhằm đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng và đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của từng đơn vị.

1-7864.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An thực hành tại doanh nghiệp

Cụ thể, để đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương cho Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore hợp tác với Công ty TNHH Esuhai (TPHCM) đào tạo, huấn luyện kỹ năng mềm, tác phong 5S theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đào tạo tiếng Nhật cho học viên tham gia thực tập sinh tại Nhật Bản; đào tạo nghề bảo trì thiết bị cơ điện theo đơn đặt hàng cho Công ty TNHH Camso Việt Nam, nghề cắt gọt kim loại cho Công ty Cơ khí công nghệ môi trường PST…

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, trên cơ sở kế hoạch hàng năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn đều có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh sẽ đạt 85%, hàng năm giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động và đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, hàng năm giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 40.000 lao động.

Tin cùng chuyên mục