Sản phẩm OCOP Tây Ninh góp phần xây dựng nông thôn mới

Sau khi sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới có thêm lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều sản phẩm đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khoẻ của cộng đồng. Tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng gắn liền với văn hoá, lịch sử để thu hút khách du lịch và ổn định nguồn thu nhập của người dân.

Sản phẩm OCOP Tây Ninh góp phần xây dựng nông thôn mới

Xây dựng thương hiệu OCOP đặc trưng

Long An (cũ) có ngành sản xuất nông nghiệp lâu đời với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như thanh long (Châu Thành), khoai mỡ (Thạnh Hóa), khóm, chanh (Bến Lức), rau (Cần Giuộc), gạo Nàng thơm Chợ Đào (Cần Đước), nếp (Thủ Thừa). Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tính đến tháng 7- 2025, địa phương có 262 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 51 sản phẩm đạt 4 sao, 211 sản phẩm đạt 3 sao thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ. Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan (xã Vĩnh Hưng) chế biến 9 loại sản phẩm từ trái cà na như: cà na ngâm đường, sấy dẻo, đập giập trộn muối ớt. Hiện các sản phẩm hữu cơ chế biến từ cà na đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Long An. Chủ cơ sở cho biết, trái cà na vừa chua vừa chát, vừa túi tiền nên được du khách mua nhiều, nhất là các kiều bào đặt làm quà tặng dịp tết.

Tiến.jpg
Lãnh đạo Bộ NN-MT đánh giá cao các sản phẩm OCOP Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh (cũ) có 139 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm 97 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và mang đậm nét văn hoám bản sắc của người dân địa phương. Trong đó, mãng cầu Bà Đen vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng của vùng đất quanh chân núi Bà Đen; bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tỷ mỉ trong khâu chọn gạo đến phơi sương đêm, tạo nên lớp bánh dẻo mềm, thơm nhẹ và muối tôm có vị mặn của muối hột, ngọt của tôm, cay nồng của ớt, thơm dịu của sả… tạo nên món ăn đậm đà.

rải nghiệm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP tại Tây Ninh.jpg
Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP tại Tây Ninh

Năm 2022, Bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm nên được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tân Nhiên có 4 nhà máy sản xuất bánh tráng đạt chuẩn với quy trình hiện đại, khép kín, nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc, không sử dụng hóa chất và xuất khẩu đến thị trường khó tính. Anh Trần Đức Trung (người dân tỉnh Đồng Nai) đến tỉnh Tây Ninh công tác 3 năm nay và được thưởng thức nhiều món ăn ngon, bày tỏ: “Mỗi sản phẩm đều gắn với bản sắc văn hoá của vùng đất và phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Có nhiều món mới nghe tưởng giản đơn, nhưng khi thưởng thức lại thấy mùi vị riêng biệt, khó tả từ cách làm công phu, tinh xảo”.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Long An (cũ) triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Điều đó giúp nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế của người dân và thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Hưng cũ) làm 1.150ha lúa ứng dụng công nghệ cao, mỗi vụ cung cấp khoảng 1.000 tấn lúa sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu, thu về lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa truyền thống hơn 4 triệu đồng/ha. Từ thành công đó, đơn vị đã đàm phán giá ký kết thêm hợp đồng với doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập của bà con nông dân.

Du ịch.jpg
Tây Ninh gắn chương trình OCOP với phát triển du lịch,

Tây Ninh (cũ) xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng nên ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn 4 sao, tiềm năng 5 sao nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước.

Siêu thị.jpg
Sản phẩm OCOP Tây Ninh được người tiêu dùng ưa chuộng

Để đạt mục tiêu, địa phương gắn chương trình OCOP với phát triển du lịch, lập các điểm bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch nổi tiếng là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, khu vực ngoại ô Toà thánh Cao Đài, Trung tâm thương mại Long Hoa, chùa Gò Kén hay các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại và du lịch. Tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí (tối đa 50 triệu đồng) xây dựng điểm bán OCOP tại các khu vực đông khách như điểm du lịch, chợ, nơi công cộng; xây dựng đưa vào khai thác 29 mô hình gắn với 10 nhóm sản phẩm đặc trưng.

Theo lãnh đạo Sở NN- MT tỉnh Tây Ninh mới, để xây dựng thương hiệu OCOP cần gắn với với phát triển du lịch, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm đang được chuẩn hóa theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện sản xuất, yếu tố văn hóa đặc trưng và yêu cầu của thị trường. Qua đó khơi dậy tiềm năng của vùng đất, sự sáng tạo của bà con nông dân, hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP bền vững.

Tin cùng chuyên mục