Cái Mép – Thị Vải và cửa ngõ vươn ra biển lớn

Với tầm nhìn chiến lược của Trung ương, cộng thêm sự quyết tâm của chính quyền địa phương, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải đã được hình thành từ vùng đất sình lầy, um tùm lau sậy của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ). Qua hơn 15 năm đi vào hoạt động, Cái Mép – Thị Vải đã từng bước phát triển và vươn mình để lọt vào top cảng container lớn nhất thế giới.

Hiện đại hóa hệ thống cảng biển, kho bãi container tại khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải
Hiện đại hóa hệ thống cảng biển, kho bãi container tại khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải

Những mốc son đáng nhớ

Đầu những năm 1990, khi những cảng trong khu vực Đông Nam bộ đã bộc lộ những hạn chế về khả năng tiếp nhận tàu biển lớn và hệ thống kết nối quá tải, Trung ương đã bắt tay vào việc nghiên cứu các cảng nước sâu, trong đó có Cái Mép – Thị Vải. Sông Cái Mép sâu và rộng, lại ít bị bồi lắng, gần với tuyến hàng hải trên biển Đông là những lợi thế vượt trội về địa hình để hình thành cụm cảng. Năm 2009, cụm cảng đi vào hoạt động và được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế phía Nam theo Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cũng trong năm đó, cụm cảng lần đầu đón tàu container trọng tải 80.000 DWT đến từ châu Âu và châu Mỹ, trở thành cụm cảng đầu tiên của cả nước khai thác chuyến tàu quốc tế đi thẳng không qua trung chuyển. Năm 2023, cụm cảng lọt vào top 30 cảng container lớn nhất thế giới và cũng đón được siêu tàu OOCL Spain, một trong những tàu chở container lớn nhất thế giới.

Sự kiện đón siêu tàu container OOCL Spain cập cụm cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải.jpg
Sự kiện đón siêu tàu container OOCL Spain cập cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải

Hiện Cái Mép – Thị Vải có 24 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án bến tàu container công suất hơn 8,3 triệu TEU/năm. Theo tính toán, khoảng 70% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước được thông quan tại đây. Nếu như trước đây, hầu hết hàng hóa đi Mỹ, châu Âu đều phải qua cảng trung chuyển ở Singapore thì khi xuất hiện Cái Mép – Thị Vải, nơi có khả năng tiếp nhận tàu container lên đến hơn 200.000 DWT thì hàng hóa không cần phải qua cảng trung chuyển nữa. Cộng với chi phí khai thác, bốc xếp hàng hóa chỉ hơn một nửa so với các cảng trong khu vực, Cái Mép – Thị Vải đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hãng tàu chọn là nơi dừng chân. Theo thống kê, hiện cụm cảng có 22 tuyến vận tải biển đi Mỹ, 2 tuyến đi châu Âu, 10 tuyến nội Á, tăng gần 3 lần so với năm 2018. Những dấu mốc quan trọng đã giúp Cái Mép – Thị Vải khẳng định vị thế trong chuỗi logistics toàn cầu và qua đó góp phần đưa cảng biển trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Năm 2024, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng đạt khoảng 152 triệu tấn, chiếm khoảng 34% tổng lượng container cả nước.

Cái Mép Hạ - khu thương mại tự do

Ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, khu vực Cái Mép Hạ được định hướng phát triển thành khu thương mại tự do (FTZ) gắn liền với phát triển của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Cụ thể, tại FTZ Cái Mép Hạ sẽ hình thành các trung tâm logistics xanh, cảng trung chuyển quốc tế có cầu tàu dài, có khả năng tiếp nhận tàu container siêu lớn, hình thành các khu vực sản xuất xuất khẩu giá trị cao và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Khu vực này cũng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tích hợp hạ tầng số thông minh và thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đến từ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực logistics, thương mại quốc tế. Sắp tới, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, sẽ mở ra nhiều cơ hội để cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cũng như FTZ Cái Mép Hạ phát triển mạnh hơn nữa qua các tuyến giao thông kết nối đang được xây dựng.

Tàu chở khách du lịch quốc tế cập cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tháng 2-2023.jpg
Tàu chở khách du lịch quốc tế cập cảng Cái Mép - Thị Vải ngày càng nhiều

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, ngành logistics và hậu cần cảng cũng đang được xây dựng để vận hành đồng bộ và thông suốt. Trong đó, xây dựng logistics cấp quốc gia gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép Hạ là nhiệm vụ trọng tâm để hình thành nên chuỗi cung ứng hiệu quả, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và tăng tính cạnh tranh cho hệ thống cảng biển. Đối với mạng lưới hậu cần sẽ được mở rộng từ cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, liên kết với các khu công nghiệp, khu chế xuất và hành lang kinh tế Đông Nam bộ. Hình thành các trung tâm cung cấp dịch vụ gom, chia hàng, đóng gói, làm lạnh, gia công sơ bộ và lưu kho. Nhờ đó, thời gian lưu tàu ngắn, giảm ùn tắc cảng và tăng hiệu quả vận hành chuỗi logistics.

Theo các chuyên gia, để khai thác tốt hơn nữa cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cũng như phát huy các lợi thế khi hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, ngay từ giờ cần phải tính toán xây dựng các tuyến giao thông kết nối đến cảng. Trong đó, để tránh ùn ứ, tắc nghẽn như đường bộ thì cần xây dựng thêm các tuyến đường sắt kết nối cảng với hệ thống đường sắt quốc gia.

Nhận thấy tiềm năng và dư địa của Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) khi sáp nhập với TPHCM và Bình Dương (cũ) là rất lớn nên gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đến đầu tư nhiều dự án tầm cỡ, trong đó, với nhóm cảng biển nhận được sự quan tâm của rất nhiều tập đoàn trong nước và quốc tế có tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục