Bình Dương nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông

Tỉnh Bình Dương đang cùng lúc triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính kết nối vùng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập dự án để sớm triển khai các dự án có quy mô lớn hơn. Đi kèm với đó là việc huy động nhiều nguồn lực từ Trung ương và địa phương, doanh nghiệp để đáp ứng nguồn vốn lớn cho các dự án nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông.

Các tuyến huyết mạch đều quá tải

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh, thuộc tốp đầu của cả nước, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang gặp những khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là tình trạng ùn tắc và đường sá ngày càng xuống cấp.

Một trong những tuyến kết nối giao thông chính giữa tỉnh Bình Dương với TPHCM là tuyến quốc lộ 13, từ nhiều năm qua đã đối mặt tình trạng ùn ứ, nhất là tại khu vực gần cầu vượt Bình Phước, nơi tiếp giáp với phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức, TPHCM) khiến người dân qua đây luôn cảm thấy ngao ngán.

Ở hướng tỉnh lộ 43 (giáp ranh phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức và phường Bình Hòa, TP Thuận An), được xem như cửa ngõ thứ 2 đi từ Bình Dương về TPHCM cũng liên tục ùn tắc, do người tham gia giao thông rất đông, trong khi lòng đường chỉ rộng khoảng 8m.

Đặc biệt, nhiều tuyến vừa đưa vào sử dụng đã quá tải, nhiều vị trí xuống cấp. Trong khi đó, các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy chậm được đầu tư khi nhu cầu và khối lượng hàng hóa vận chuyển của tỉnh cũng như các tỉnh, thành lân cận đi qua địa bàn ngày càng gia tăng trên các tuyến huyết mạch này.

Tuyến HL 502 nối huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại

Tuyến HL 502 nối huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại

Không chỉ vậy, việc đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là các trục giao thông huyết mạch có tính liên kết vùng, như: Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM, đường Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đã kéo giảm lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng

Ngày 2-8-2021, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp đó, ngày 17-10-2022, UBND tỉnh cũng có Kế hoạch số 2585/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trên với mục tiêu cụ thể là: tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của vùng Đông Nam bộ; tiếp tục kiến nghị Trung ương, phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc... nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh và kết nối đến cảng biển, sân bay quốc tế.

Bình Dương đang tập trung nguồn lực đầu tư hàng loạt tuyến đường bộ quan trọng, tăng cường khả năng kết nối vùng, nâng cao năng lực vận tải như: Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cùng lúc mở rộng, chỉnh trang các tuyến hiện hữu, từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, điển hình như: nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.746, ĐT.747B, ĐT.743, đường từ cầu vượt Sóng Thần nối đường Phạm Văn Đồng. Tỉnh cũng triển khai đầu tư, khai thác thế mạnh về giao thông thủy tại các khu vực cảng An Tây, cảng Thanh An, cảng Thới Hòa…

duong-thong-nhat-ket-noi-binh-duong-va-q-thu-duc-tphcm-da-duoc-hoan-thanh-mo-rong-len-32-m-7562.jpg
Đường Thống Nhất kết nối Bình Dương và TP Thủ Đức (TPHCM) đã được hoàn thành mở rộng lên 32m

Đối với đường sắt, tỉnh hướng tới xây dựng và đưa vào vận hành dự án kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 từ ga Suối Tiên (TP Thủ Đức) đến phường Bình Thắng (TP Dĩ An), phối hợp với Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Bàu Bàng đến Cái Mép - Thị Vải.​

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đối với các dự án giao thông lớn đang triển khai, tỉnh quyết tâm, hoàn thành công tác bồi thường giải tỏa vào quý 4-2023, cùng lúc thực hiện đúng tiến độ tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, giúp nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của TPHCM, đặc biệt là quốc lộ 1A, quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn…

UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh áp dụng trần mức dư nợ vay của ngân sách địa phương như TPHCM và Hà Nội (không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong khi các địa phương khác không được vượt quá 30%) - dự kiến mức trần dư nợ của tỉnh khoảng 12.000 tỷ đồng để tỉnh thực hiện các thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và cho phép tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư của tỉnh (dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng) để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.

Tin cùng chuyên mục