Bitcoin: Nơi cấm, chỗ dùng

Bất chấp thực tế bitcoin đang trở thành đề tài nóng của giới tài chính thế giới, các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đã kiên quyết “nói không” với tiền ảo. 
Sử dụng máy ATM dành cho bitcoin tại Nhật Bản
Sử dụng máy ATM dành cho bitcoin tại Nhật Bản
Yếu tố châu Á
Trong vài tuần trở lại đây, cơn sốt đồng bitcoin đã đẩy giá trị đồng tiền ảo này tăng cao bất ngờ. Lý giải cho chu kỳ tăng giá kỷ lục của bitcoin, tờ Wall Street Journal cho rằng, giới đầu tư nhỏ lẻ ở châu Á đã đưa đồng tiền này quay trở lại và chiếm vị trí hàng đầu trong thị trường tiền kỹ thuật số.  
Cơn sốt bitcoin lan rộng ở châu Á do nhiều yếu tố, đầu tiên phải nhắc đến là do mức thu nhập cao của người dân ở khu vực này. Châu Á đang “khát” lĩnh vực đầu tư mới mang lại lợi nhuận cao, khi thị trường bất động sản ngày càng đắt đỏ, còn các thị trường chứng khoán đã được định giá đầy đủ. Sau nữa là do giới trẻ châu Á dễ dàng đón nhận khái niệm tiền ảo như bitcoin hơn khi các khái niệm về kỷ nguyên thương mại điện tử và thanh toán di động đã trở nên quá quen thuộc. 
Tuy nhiên, sau khi trở thành đồng tiền kỹ thuật số có vốn hóa thị trường lớn nhất, đồng bitcoin lại cho thấy sự thiếu ổn định. Chốt phiên giao dịch trong ngày 15-12, giá bitcoin đạt mức hơn 17.812 USD/bitcoin. Tuần vừa qua cũng là  một tuần nhiều biến động với đồng tiền ảo này. Giá bitcoin sau khi tiến đến mốc 19.000 USD/bitcoin đã liên tục trồi sụt, phản ánh những tâm lý dao động của các nhà đầu tư khi đón nhận hàng loạt thông tin trái chiều về bitcoin. Đó là những câu chuyện cảnh giác về giá trị của một đồng tiền ảo đang gây bão, mạnh tay hơn là các biện pháp kiểm soát dòng lưu thông bitcoin tại thị trường châu Á.
Quay lưng với tiền ảo
Để chặn đứng cơn sốt bitcoin, từ vài tháng trước, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát bằng hàng loạt biện pháp mạnh. Bắc Kinh đã ra lệnh cấm các sàn giao dịch tiền số cũng như hoạt động ICO, hình thức huy động vốn của các công ty thông qua phát hành tiền kỹ thuật số lần đầu. Quyết định này được xem là bước đi an toàn, nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi sự sụp đổ của bong bóng bitcoin khi đồng tiền này vượt qua mức 10.000 USD/bitcoin.
Đánh giá lại kết quả của hành động kiểm soát tiền ảo, Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc mới đây cho rằng, nước này đã đưa ra một quyết định đúng đắn khi kiềm chế các giao dịch tiền tệ số trong năm nay. Quyết định trên được ban hành dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng trên thị trường từ giới chuyên gia kinh tế và cơ quan phụ trách về vấn đề tài chính ở Trung Quốc.
Chưa từng lộ diện, nhưng Satoshi Nakamoto, “cha đẻ” bitcoin, được cho là đang sở hữu hơn 1 triệu đồng bitcoin và chưa bán bất cứ đồng nào. Mỗi bitcoin hiện tại có giá hơn 17.000 USD, nghĩa là Satoshi Nakamoto đang nắm giữ khối tài sản hơn 17 tỷ USD và trở thành người giàu thứ 52 trên thế giới. Theo giới chuyên gia tài chính, nếu bitcoin tiếp tục đà tăng phi mã, Satoshi Nakamoto có thể sớm trở thành người giàu nhất hành tinh.
Theo giới chức Bắc Kinh, tiền điện tử thiếu đi mức sàn giá trị nhất định là do không có nền tảng kinh tế nào có thể đánh giá chính xác nguồn cung và cầu bitcoin cũng như giá trị bên trong. Giới chức Hồng Công (Trung Quốc) lên tiếng cảnh báo một số sàn giao dịch tiền số không được quản lý sẽ vi phạm pháp luật nếu cung cấp hợp đồng tương lai bitcoin và các sản phẩm đầu tư khác có liên quan đến tiền số.
Ấn Độ cũng thể hiện rõ thái độ chống lại các phương thức giao dịch tiền ảo như bitcoin. Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI), ông Ganesh Kumar, tuyên bố: “Quan điểm hiện nay của chúng tôi về bitcoin là sẽ không sử dụng nó trong mọi dạng thức thanh toán và thỏa thuận… mặc dù công nghệ nền tảng liên quan tới các đồng tiền kỹ thuật số sẽ không dừng lại”.
Những phát biểu này của ông Kumar được cho là sẽ chấm dứt rất nhiều đồn đoán về tính hợp pháp của các loại đồng tiền ảo tại Ấn Độ. Giới chức trách đã mở cuộc điều tra các sàn giao dịch tiền ảo trên khắp cả nước, trong đó có các sàn ở Mumbai, Bengaluru, Gurgaon… Cơ quan thuế Ấn Độ cũng đang tìm cách đánh thuế giao dịch bitcoin. Hiện mỗi ngày nước này vẫn có hàng loạt giao dịch tiền ảo, bất chấp Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cảnh báo người dân về việc mua hoặc giao dịch tiền ảo.
Lo ngại những hậu quả nghiêm trọng phát sinh trong cơn bão bitcoin, Hàn Quốc ban hành lệnh cấm ngân hàng dính đến tiền ảo. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tính tới việc cấm giao dịch tiền ảo nhưng chưa công bố chi tiết. Sau một cuộc họp khẩn cấp tại Seoul vào ngày 13-12, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố, cân nhắc đánh thuế tài sản gia tăng từ việc giao dịch các đồng tiền ảo và sẽ cấm người vị thành niên mở tài khoản giao dịch tiền ảo. Để được phép hoạt động các sàn giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc sẽ phải tuân thủ các quy định về bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời công bố các mức giá chào mua, chào bán. Các biện pháp này cần có sự thông qua của Quốc hội Hàn Quốc. 
Nguy cơ bong bóng?
Nằm trong khu vực Đông Bắc Á, nhưng thái độ của Nhật Bản với tiền ảo hoàn toàn đối lập với Trung Quốc và Hàn Quốc. Đất nước mặt trời mọc chính thức hợp pháp hóa việc giao dịch bằng bitcoin từ tháng 4 năm nay. Ý tưởng đưa tiền ảo vào sử dụng song song với đồng yen đang được cho là một quyết định táo bạo của nước Nhật nhằm cải tiến hệ thống tiền tệ của nước này.
Các tập đoàn tài chính đã phát triển các đồng tiền ảo của riêng mình, nổi bật nhất là J-coin, đơn vị tiền ảo được tập đoàn tài chính Mizuho và Japan Post Bank ủng hộ. Nhờ vào những chính sách có lợi cho tiền ảo, việc sử dụng chúng đang trở nên phổ biến tại nước Nhật. GMO Internet, một công ty Nhật Bản chuyên kinh doanh các dịch vụ trực tuyến, tuyên bố, sẽ chi trả một phần lương cho nhân viên hãng này bằng bitcoin nhằm nâng cao hiểu biết về đồng tiền điện tử này.
Kế hoạch trên sẽ được đề xuất đối với khoảng 4.000 nhân viên của hãng tại Nhật Bản. Theo đó, từ tháng 2-2018, công ty sẽ bắt đầu trả lương hàng tháng 100.000 yen (tương đương 890 USD) bằng đồng bitcoin. Các nhân viên có thể nhận một phần lương bằng đồng bitcoin nếu họ muốn, việc này là nhằm giúp nhân viên nâng cao kiến thức và hiểu rõ hơn về cách sử dụng đồng tiền này. 
Trên thế giới đang xuất hiện 2 xu hướng: ủng hộ và phản đối bitcoin. Trong khi một số người cho rằng, bitcoin sẽ là đồng tiền của tương lai thì một số người lại nghĩ rằng, cuộc chơi này sẽ có lúc tàn một khi nhiều nước cùng ra tay hành động.
Nói về tính bảo mật và nguy cơ bong bóng của đồng tiền mã hóa này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) Ilan Goldfajn cho rằng, bitcoin có thể đe dọa sự ổn định của nền tài chính thế giới do chưa có biện pháp kiểm soát việc sử dụng đồng tiền này.
Theo ông, bitcoin là một loại “bong bóng điển hình” mà các cơ quan quản lý không được cổ súy. Sự ổn định của nền tài chính thế giới có thể bị đe dọa nếu như người sở hữu gia tăng đầu cơ loại tiền này, dẫn tới tình trạng bong bóng tiền điện tử.
Đồng quan điểm trên, ông Kenneth Rogoff, Giáo sư chính sách công và kinh tế tại Harvard University và là cựu kinh tế gia trưởng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, cho rằng sẽ có việc rà soát trên diện rộng quốc tế đối với đồng bitcoin.
Đối với những nước như Nhật hay Australia đã và đang hợp thức hóa bitcoin thì sẽ không thể có việc cấp phép cho đồng tiền này thêm, bởi các chính phủ không thể cho phép người dân thực hiện các giao dịch khối lượng lớn mà không biết tiền đi đâu về đâu.
Còn theo quan điểm của Tadge Dryja, nhà khoa học nghiên cứu tại Digital Currency Initiative ở Viện Công nghệ Massachusetts, không có ngân hàng hay chính phủ nào có thể giám sát việc phát hành và sử dụng loại tiền này.
“Sự tương đồng có thể lấy để so sánh theo tôi là vàng: các chính phủ có thể quản lý những định chế giao dịch vàng nhưng không thể quản lý vàng. Họ không thể quyết định vàng nặng hay nhẹ hay phải màu tím thay vì màu vàng, vì họ chỉ có thể quản lý những gì quản lý được” - ông Dryja nói.
Ông và nhóm nghiên cứu của mình đang làm việc để có được các hệ thống làm cho bitcoin an toàn hơn và người sở hữu bitcoin dễ dàng sử dụng tiền này hơn trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục