
Bằng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Na Uy về phát triển làng kinh tế sinh thái trên vùng cát, hai làng Thượng An và Linh Chiểu ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được đầu tư xây dựng, làm nơi định cư mới cho gần 70 hộ nghèo. Thế nhưng, sau 5 năm đến sinh sống tại vùng đất mới, hàng chục hộ gia đình đã phải bỏ làng về chốn cũ…
Sinh thái nhưng khó sống

Ở đấy, cách nay không lâu, không ít lời ca ngợi về lợi ích kinh tế của hai làng sinh thái. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm đến đây sinh sống, người dân từ từ rời bỏ làng. Trong 2 làng sinh thái ở xã Triệu Sơn thì làng sinh thái Thượng An đã có đến 2/3 số hộ dân bỏ làng về nơi ở cũ.
Năm 2003, 27 hộ dân được đưa về làng này sinh sống và sản xuất sau khi nhà cửa và hệ thống đường sá được xây dựng khá bề thế. Tuy nhiên, vì điều kiện sinh sống và sản xuất quá khó khăn nên lần lượt những hộ dân ra đi, để lại hàng chục ngôi nhà không một bóng người, cỏ dại mọc ngổn ngang.
Hiện thôn Thượng An chỉ còn 9 hộ dân bám trụ lại với làng. Ông Nguyễn Điền, một trong số ít hộ dân còn bám trụ với làng sinh thái này, than thở: “Điều kiện sinh sống và sản xuất ở đây quá khó khăn, đất cát bạc màu, trồng cây chi cũng không phát triển. Đó là chưa kể đến tình trạng ngập úng vào mùa mưa khiến cây trồng chết rũ, mùa nắng thiếu nước khiến cây chết khô”.
Ông Điền cho hay, từ ngày về sinh sống ở làng sinh thái với gia đình gần chục miệng ăn, trong khi sản xuất dậm chân tại chỗ đã khiến gia đình ông rơi vào cảnh điêu đứng. Bình quân, mỗi năm gia đình ông phải vay ngân hàng 8 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất nhưng sự khắc nghiệt của tự nhiên khiến cây trồng không thể phát triển, gia đình ông rơi vào cảnh nợ ngập đầu”.
Nhiều hộ không bám trụ được đành bỏ làng quay về nơi cũ, gia đình ông Trần Văn Chín là một trong số hàng chục hộ ở làng sinh thái Thượng An phải sớm rời làng vì sản xuất không đủ sống. Ông Chín cho biết, trước khi đến sinh sống ở làng sinh thái cũng như những gia đình khác, ông đã cam kết với chính quyền là sẽ bám đất, bám làng... nhưng điều kiện sinh hoạt và sản xuất quá khó khăn khiến gia đình ông phải vi phạm cam kết.
Ngoài việc không thể đầu tư phát triển sản xuất vì vùng đất quá khô cằn thì nguồn nước sinh hoạt quá thiếu thốn, phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, không bảo đảm vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến người dân chán nản mà bỏ làng. Cũng như làng sinh thái Thượng An, nhiều hộ dân ở làng sinh thái Linh Chiểu cũng phải bỏ làng vì không thể thoát nghèo.
Chính quyền địa phương cũng “bó tay”
Mô hình làng kinh tế sinh thái trên vùng cát ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong thành lập với mục đích giúp người dân trồng rừng phủ xanh các bãi cát di động, tạo ra hệ thống vành đai cây xanh bền vững nhằm cải tạo môi trường, môi sinh để phục hóa đất cát thành đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tổ chức giãn dân tại chỗ, hình thành khu dân cư mới để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân…
Nguyên nhân chính dẫn đến sự phá sản của dự án làng kinh tế sinh thái ở Triệu Sơn là do sự cẩu thả trong quy hoạch. Cụ thể trong quá trình triển khai xây dựng đã không tính đến yếu tố tự nhiên, cũng như điều kiện sống của người dân ở vùng đất mới.
Điều đáng nói là 2 làng sinh thái này được quy hoạch ngay trên vùng đất cát bạc màu, trong tình trạng ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa và khô hạn nặng vào mua nắng nhưng hệ thống tiếp nước và tiêu nước không phát huy hiệu quả. Cùng với việc xây dựng làng, một kênh dẫn nước dài 6km để tiếp nước và chống ngập úng cho 2 làng sinh thái đã được xây dựng khá công phu nhưng chỉ để… đắp chiếu do không có nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn: “Những hộ dân được xã chọn đưa ra lập nghiệp ở làng kinh tế sinh thái đều là hộ nghèo, đông lao động. Tuy nhiên, sau một thời gian đến sinh sống, nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác vì đời sống và sản xuất quá khó khăn. Chính quyền xã Triệu Sơn và huyện Triệu Phong cũng đã năm lần bảy lượt gặp gỡ vận động họ quay trở lại làng sinh sống nhưng dân không chịu. Đành bó tay!”.
PHAN LÊ