Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Sẽ rút giấy phép cơ quan báo chí sai tôn chỉ, mục đích

Gieo “nhân” độc ắt có ngày nhận “quả” độc
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Sẽ rút giấy phép cơ quan báo chí sai tôn chỉ, mục đích

Khai thác quá mức những câu chuyện giật gân, miêu tả chi tiết các vụ án đâm, cướp, hiếp, giết… để thu hút độc giả là thực tế đang diễn ra tại một số tờ báo hiện nay. Vấn đề này đã tồn tại một thời gian dài nhưng dường như chưa có biện pháp mạnh để ngăn ngừa. Trao đổi với PV Báo SGGP bên hành lang Quốc hội hôm qua 30-5, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son (ảnh) cho biết nếu các sai phạm này không được khắc phục có thể xem xét rút giấy phép của các ấn phẩm này.

- Phóng viên: Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về hiện tượng mà một số ý kiến hiện nay nêu ra là đang có một số tờ báo theo xu hướng “lá cải”?

Bộ trưởng NGUYỄN BẮC SON: Ở nước ta không có báo gọi là báo “lá cải”. Tất cả các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Còn báo nào sai phạm thì đương nhiên phải xem xét xử lý nếu đi lệch tôn chỉ, mục đích khi cho ra đời ấn phẩm. Trong đó, điểm yếu nhất, một số báo đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Đây là khuyết điểm chúng tôi đánh giá là nặng nhất, kéo dài trong thời gian vừa qua.

- Thực tế hiện nay, có những cơ quan báo chí vẫn tiếp tục đi quá sâu vào những tình tiết, chi tiết vụ án mà đáng ra không nên đưa theo kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, việc xử lý, chế tài dường như chưa đủ mạnh nên vẫn chưa hạn chế tình trạng này?

Đúng là xử lý chưa nghiêm thì sẽ nâng cao hơn nữa các chế tài của các cơ quan quản lý các cấp từ Bộ TT-TT đến sở TT-TT các tỉnh thành để ngăn chặn các cơ quan báo chí đi sai tôn chỉ, mục đích. Báo chí có quyền nói sự thật nhưng sự thật đó phải vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Những vụ án như vậy, miêu tả một cách chi tiết các tình tiết có nên hay không? Viết như thế sẽ làm người ta tò mò hơn, nhất là giới trẻ. Điều này rõ ràng không phù hợp với lợi ích đất nước, nhất là thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Nhà báo là những chiến sĩ trên mặt trận chính trị tư tưởng, nên phải có nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, văn hóa, tại sao lại mô tả chi tiết tình tiết vụ án như thế nhất là những vụ án giết người man rợ, những hành vi hiếp dâm, đồi trụy. Trong khi đó chỉ là hình ảnh rất cá biệt ở Việt Nam, không phải phổ biến và không cần phải tuyên truyền, cổ súy các hành động đó. Điều đó không có lợi, nhất là trong việc hình thành nhân cách của lớp trẻ. Cái đó ta phải chống. Mỗi cơ quan báo chí phải đi đúng tôn chỉ, mục đích của mình, đúng Luật Báo chí.

- Biện pháp nào để hạn chế những sai phạm này, thưa Bộ trưởng?

Trong hội nghị toàn quốc về báo chí diễn ra ở Quảng Ninh cuối tháng 3 vừa qua, báo cáo của Bộ TT-TT cũng đã chỉ ra 13 khuyết điểm của báo chí. Như tôi đã đề cập, trong đó, lỗi yếu kém nhất là không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Nếu những cơ quan báo chí này không thay đổi, tiếp tục sai phạm sẽ phải xem xét lại giấy phép hoạt động.

Trong báo cáo tại hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc tổ chức ngày 30-3 ở tỉnh Quảng Ninh, khuyết điểm đầu tiên được nêu ra trong số 13 điểm yếu của cơ quan báo chí là: “Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép. Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài nhất, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Tình trạng báo của ngành này, địa phương này nhưng lại đưa thông tin nhiều về ngành khác, địa phương khác, mà lại chủ yếu là các vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng, làm cho báo chí thiếu bản sắc, trùng lặp thông tin, thiếu tính định hướng của tờ báo đã gây nên sự bức xúc trong nhiều năm. Vi phạm này cần phải được các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí rà soát xử lý và có biện pháp chấn chỉnh một cách kiên quyết. Cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra thời gian thích hợp để cơ quan báo chí khắc phục. Nếu không thực hiện nghiêm quy định cần xem xét để thu hồi giấy phép hoạt động”.

Hà My


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà: Làm trong sạch môi trường báo chí

Vấn đề về “Thảm họa báo lá cải” mà Báo SGGP nêu ra một thực trạng cũng như bao thực trạng khác của xã hội được phản ánh. Việc làm này của Báo SGGP là rất đáng được hoan nghênh. Đáng hoan nghênh hơn khi mà Báo SGGP đã thể hiện tốt tinh thần phê và tự phê ngay trong ngành của mình. Không chỉ Báo SGGP mà gần đây tôi thấy những tờ báo khác như Pháp Luật TPHCM cũng có những bài viết phát hiện về sai phạm của phóng viên và đã thông tin trên mặt báo.

Những bài viết này sẽ góp phần làm trong sạch môi trường báo chí, để báo chí thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình, tạo được sự tin tưởng của bạn đọc với cơ quan ngôn luận.

V.Anh ghi


Gieo “nhân” độc ắt có ngày nhận “quả” độc

Trao đổi với PV Báo SGGP, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội bày tỏ bất bình trước tình trạng một số bài báo khai thác những khía cạnh bạo lực, tình dục nhằm câu độc giả nhưng lại núp bóng phản ánh đời sống xã hội.

Bà Trần Thị Quốc Khánh cho biết: “Tôi cho đó là một kiểu gieo “nhân” độc, ắt có ngày nhận phải “quả” độc. Hiện tượng đó bây giờ khá phổ biến chứ không ít và nó đặc biệt tác động xấu đến thế hệ trẻ.

Tác giả những bài báo ấy cũng như những người cho đăng để phổ biến rộng rãi ra công luận cần phải hiểu rằng họ đang làm hại chính con cái mình, người thân của mình bằng những tác phẩm như thế!

Tôi cho rằng hành vi câu khách kiểu này cũng tương tự như các người mẫu, diễn viên bất tài cố tình khoe thân thể để được nổi tiếng. Trước thực trạng này, các nhà quản lý cần cởi mở hơn nữa để báo chí có những “nguồn dinh dưỡng lành mạnh”. Đừng dựng những bức tường vô hình, hãy để báo chí tiếp cận các vụ việc có tác động lớn đến đời sống chính trị - kinh tế - xã hội hiện nay.

Tôi cho rằng quy định xử lý những hành vi này không phải không có, cái chính là cơ quan chức năng có tích cực làm hay không. Nhất là với hành vi đưa thông tin lệch lạc nhiều lần, tái đi tái lại, gây thương tổn tâm lý cho người khác. Theo tôi biết ngay cả trong Bộ luật Hình sự cũng có quy định xử lý việc này. Đầu tiên phải thực hiện nghiêm những quy định đã có, sau nếu thấy vẫn còn nhẹ, chưa đủ răn đe thì bàn bạc, điều chỉnh”.

A.Thư ghi


Không thể vì lợi nhuận của một nhóm người viết báo

Ngày 30-5, trao đổi với PV Báo SGGP về hiện tượng báo “lá cải” hiện nay, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho rằng cần kiên quyết đóng cửa những tờ báo có nhiều sai phạm.

- Phóng viên: Ông nhìn nhận gì về việc hàng loạt tờ báo ra các phụ san, ấn phẩm với xu hướng thông tin “lá cải”?

Ông NGUYỄN VĂN MINH: Việc các tờ báo ra thêm những phụ san, ấn phẩm, chuyên đề để tăng tính phục vụ cho cộng đồng dân cư, cho một nhóm đối tượng bạn đọc, để khai thác thêm những thông tin mà trên tờ báo chính không có điều kiện để chuyển tải hết là tốt. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay nhiều đặc sản, ấn phẩm phụ không có tính chất giáo dục cao, đặc biệt đi sâu vào chuyện ái tình, chuyện sex - phòng the, tội phạm... Điều đó gây bức xúc trong bạn đọc.

Tôi cho là những bài báo dạng đó dễ khiến cho lớp trẻ, bộ phận thanh thiếu niên tiếp thu, nhìn nhận vấn đề không lành mạnh. Đặc biệt, những câu từ, cách sử dụng văn phong trên những đặc san dạng này rất không chuẩn, thiếu đúng mực. Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương, cần có những quy định về vấn đề này. Chúng ta đã có Luật Báo chí, nhưng nếu cần thiết phải đề nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung để phát triển báo chí một cách lành mạnh hơn. Hiện chúng ta đang đẩy mạnh cải cách tư pháp, theo tôi một trong những nội dung cần làm mạnh là kiểm tra gắt gao, xử phạt, đóng cửa các phụ san báo chí mang tính chất tiêu cực, định hướng thông tin không tốt, gây ảnh hưởng xấu trong lớp trẻ hiện nay.

- TPHCM là địa bàn rộng lớn, là thị trường màu mỡ nhất cho báo chí phát triển. Tình trạng báo chí có xu hướng “lá cải” có thể nói cũng đang “lộng hành” tại đây. Cơ quan quản lý TPHCM đã có giải pháp gì để chấn chỉnh?

Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM, cơ quan quản lý báo chí của thành phố đã nhiều lần có văn bản đề nghị với cơ quan quản lý báo chí Trung ương cần chấn chỉnh tình trạng này. TPHCM là thành phố đông dân, người dân có nhu cầu đọc báo rất cao, vì vậy các phụ san, đặc san nói trên thường xuất bản ở nơi khác rồi chuyển đến TPHCM thông qua các đầu nậu, đại lý báo chí, hoặc bán lẻ trong các sạp báo, kể cả bán dạo. Điều này cũng rất khó cho cơ quan quản lý. Mặt khác, các loại báo này cũng đều được cấp phép, nên cũng rất khó xử lý. Tuy nhiên, trong từng bài và nội dung, TPHCM cũng đã có thống kê, báo cáo lên trên và đề nghị xử lý cụ thể. Chúng tôi đã báo cáo rồi nhưng cơ quan quản lý có trách nhiệm xử lý rất chậm. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý báo chí trên địa bàn TPHCM.

- Theo ông cần phải áp dụng giải pháp gì để hạn chế tình trạng báo “lá cải” hiện nay?

Cần nhìn nhận một cách đầy đủ về các loại đặc san, phụ san dạng này. Phải xử lý hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quản lý báo chí thật nghiêm. Theo tôi cần phải kiên quyết đóng cửa những tờ báo có cách thông tin không tốt, ảnh hưởng đến giới trẻ. Chúng ta cũng không thể vì lợi nhuận của một nhóm người viết báo, một nhóm phóng viên viết báo không có thực tế, hoặc xào nấu các nội dung thông tin từ mạng, hoặc thông tin đúng sự thật nhưng không có tác dụng giáo dục.

- Nhưng họ lý giải có cầu thì có cung, và họ đáp ứng thị hiếu người đọc?

Vai trò của báo chí là ngoài thông tin còn hướng dẫn, giúp cho người đọc, nhất là lớp trẻ, định hướng sống tốt, góp phần xây dựng đất nước. Báo chí phải định hướng trên nền tảng chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương cũng cần hướng dẫn thường xuyên, thậm chí có định hướng cho từng tờ báo, vì thực tế hiện nay nhiều tờ báo đang dần dần đi theo xu hướng thị trường, xa rời tôn chỉ, mục đích ban đầu.

Phan Thảo thực hiện

Thông tin liên quan

- Lên tiếng phản đối báo “lá cải” là cần thiết

- Thảm họa “báo lá cải”

Tin cùng chuyên mục