
Sau thời gian dài sụt giá, con bò vàng nhất là bò lai sind ở ĐBSCL đang trở lại thời hoàng kim. Ở tỉnh Trà Vinh, “thủ phủ” bò miền Tây, trong khi dịch cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh đang hoành hành thì giá bò hiện bắt đầu... tăng tốc. Con bò được xem là vật nuôi lý tưởng, ăn chắc hiện nay…
- Vật nuôi xóa nghèo thời dịch bệnh

ĐBSCL hiện có tổng đàn bò gần 300.000 con, trong đó tỉnh Trà Vinh chiếm gần 150.000 con, được xem là “vương quốc bò” miền Tây, nơi cung cấp bò giống lai sind và bò thịt cho cả vùng ĐBSCL. 3 năm trở lại đây, dịch cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh lan rộng và thêm vào đó là giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... liên tục tăng làm cho nghề nuôi gà, vịt, heo ngày càng khó khăn. Cuối năm 2007 đầu năm 2008, giá bò ĐBSCL tăng trở lại đã thắp lên niềm hy vọng cho nông dân Trà Vinh. Nông dân Thạch Bé, ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú (Trà Vinh) trước đây có tổng đàn bò lên đến 40 con.
Bò rớt giá, thua lỗ ông bán dần bán hồi, nay bò tăng giá tiếc hùi hụi.Thạch Bé tâm sự: “Đàn bò 40 con của tôi trị giá hàng trăm triệu đồng. Bình quân bò cái lai sind 1 năm tuổi từ 5 đến 7 triệu đồng. Ấy vậy, lúc bò rớt giá, nản chí tôi bán 5 con bò cái, 3 con bò đực thu về chưa được 30 triệu đồng. Bây giờ bò đã tăng giá trở lại nông dân mừng lắm. Bò cái lai sind khoảng 6 tháng đến 1 năm tuổi từ 2,5 - 3 triệu đồng/con hồi đầu năm, nay tăng lên 4 - 5 triệu đồng/con; bò đến kỳ sinh sản khoảng 2 - 3 năm tuổi từ 5 - 6 triệu đồng/con nay tăng lên 7- 8 triệu đồng/con. Giá bò hơi tăng kéo theo thịt bò cũng tăng, nông dân nuôi bò bớt khổ rồi”.
Nếu ở thời điểm năm 1998 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 40.000 con bò thì sau 10 năm đàn bò toàn tỉnh trên 148.000 con bò, trong số này có hơn 50% bò lai sind hướng thịt, trung bình hàng năm đàn bò tăng thêm 10.000 con, giá trị sinh lợi tăng thêm từ nuôi bò khoảng 100 tỷ đồng, một con số có ý nghĩa to lớn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
- Bỏ bò sữa, nuôi bò lai sind
Cách đây 3 năm, ông Phan Văn Cuội, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) là người đầu tiên ở địa phương đưa bò sữa, bò lai sind về nuôi. Con bò sữa thoái trào vì thiếu kỹ thuật, giá sữa quá thấp không đủ chi phí. Bán đàn bò sữa lỗ hàng chục triệu đồng, giữ lại 15 con bò cái lai sind với mong mỏi giá bò ổn định sẽ vớt vát thua lỗ.Và ông đã đúng khi giữ lại đàn bò lai sind làm giống.
Nuôi bò thịt, bò lai sind chỉ nặng vốn đầu tư ban đầu nhưng bù lại lấy công làm lời thu hồi vốn dễ, sinh lợi nhanh “ăn chắc mặc bền” so với các vật nuôi khác. Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 400 trang trại nuôi bò. Ngoài nguồn thức ăn rơm rạ, người chăn nuôi tận dụng thêm phụ phẩm cây màu như bắp lai, đậu phộng… vỗ béo cho bò. Ông Lê Thành Thái, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, địa phương có số lượng bò cao nhất tỉnh (gần 35.000 con) phấn chấn: “Qua cơn sốt giá ảo, hiện bò giống đã trở về với giá… thật của nó.
Thật ra, bò giống tăng giá do nhà nào, địa phương nào cũng nuôi bò, tạo nên cơn “khát” bò giống, chỉ có thương lái là “được mùa”. Ở xã Mỹ Long Bắc, Cầu Ngang, nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm cây đậu phộng, chăn nuôi không chạy theo phong trào, không bán đổ bán tháo khi bò rớt giá nên đàn bò phát triển căn cơ, ăn chắc. Gia đình nào trồng đậu cũng nuôi 1-2 con bò, giờ thì đàn bò cả xã tăng lên cấp số nhân đến hàng ngàn con, cuộc sống người dân khá lên, 80% xây dựng được nhà tường”.
Sau thời gian thoái trào, con bò vàng ở ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng đang “chuyển động” trở lại. Các dự án xóa đói giảm nghèo bằng cách đầu tư vốn nuôi bò đang được khôi phục. Điển hình ở huyện Trà Cú, năm 2008, Ngân hàng Chính sách huyện có kế hoạch giải ngân 4 tỷ đồng cho 500 hộ dân vay chăn nuôi bò. Anh Kim Ngọc Thi, Phó Chủ tịch xã Tập Sơn, cho biết: “Với giá bò như hiện tại, người dân nuôi bò sẽ mau thoát nghèo. Bởi con bò ăn rơm, ăn cỏ chỉ tốn chi phí ban đầu, dù có gặp rủi ro cũng không sợ thua lỗ như nuôi heo”.
Không riêng gì Trà Vinh, nhiều tỉnh khác như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre... nông dân đang trở lại đầu tư nuôi bò. Bởi lẽ, trước dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh còn diễn biến phức tạp, con bò là vật nuôi có nhiều lợi thế hiện nay.
Đình Cảnh