“Bóng đen” bạo lực rình rập sân trường

Môi trường học đường vốn được coi là an toàn nhất nhưng gần đây lại bị vẩn đục, khuấy động bởi nạn bạo lực học đường (BLHĐ) diễn ra ngày một nhiều với tính chất nghiêm trọng hơn. Làm thế nào để chung tay ngăn chặn tệ nạn nhức nhối này?
“Bóng đen” bạo lực rình rập sân trường

Môi trường học đường vốn được coi là an toàn nhất nhưng gần đây lại bị vẩn đục, khuấy động bởi nạn bạo lực học đường (BLHĐ) diễn ra ngày một nhiều với tính chất nghiêm trọng hơn. Làm thế nào để chung tay ngăn chặn tệ nạn nhức nhối này?

Máu lạnh và trẻ hóa

Có lẽ câu chuyện mới nhất vừa xảy ra ở xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận không khỏi bàng hoàng trước hành vi phạm tội dã man của Vũ Văn Tú, học sinh lớp 9, gây ra với bé trai Vũ Ðức Ðạt, 9 tuổi, học sinh lớp 3 ở cùng xã. Chỉ vì muốn đòi số tiền 50.000 đồng do Trung, anh của bé Đạt thiếu nợ và muốn chiếm đoạt chiếc điện thoại nên khi đến nhà Trung, Tú đã ra tay giết hại đứa trẻ vô tội, rồi ném xác xuống giếng nước. Như một kẻ máu lạnh, giết người không run tay, Tú khai, khi thả nạn nhân xuống, phát hiện cháu bé còn sống nên y dùng dây xích buộc 2 viên gạch thả xuống nhằm dìm nạn nhân chìm xuống. Sau đó, Tú ném búa, dao xuống giếng rồi về tắm giặt, sinh hoạt và ăn cơm với gia đình bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Không những thế, Tú còn thản nhiên quay lại hiện trường, xem công an khám nghiệm tử thi và cười nói với bạn bè cùng lứa như thể mình là người ngoại phạm. Đến lúc bị tra tay vào còng, Tú vẫn bình tĩnh đáng sợ, cười nói với bạn bè. Ngay cả mẹ của Tú cũng không thể tin con mình lại nhúng chàm, giết người trong thời gian bà vắng nhà không lâu. Là học sinh cá biệt, lêu lổng, không chịu học hành, Tú đã biến chất và trở thành kẻ sát nhân khi đang khoác áo học trò.

Sự thân thiện, gần gũi của giáo viên sẽ giúp học trò mạnh dạn bày tỏ nỗi niềm, tâm sự riêng

Không chỉ học sinh cá biệt, ham chơi hơn ham học mới có hành vi bạo lực. Nhiều học sinh học khá, giỏi, được gắn mác ngoan hiền cũng có thể lột xác thành “anh hùng” khi sẵn sàng hỗn chiến, gây đổ máu tại sân trường lẫn bên ngoài cổng trường vì những mâu thuẫn rất nhỏ. Chỉ trong tháng 11-2014, tỉnh Đắk Lắk xảy ra 2 câu chuyện đau lòng liên quan BLHĐ, khiến 2 học sinh mất mạng. Cụ thể, do mâu thuẫn, ngày 20-11, 2 học sinh lớp 5 và lớp 6 dùng gậy đánh nhau. Hậu quả, em lớp 6 bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong. Trường hợp thứ hai, cũng do xích mích dẫn đến việc 2 học sinh lớp 9 đánh nhau tại sân trường. Sau đó, một nam sinh chạy về lớp lấy con dao thủ sẵn trong cặp đâm chết bạn mình trước sự bàng hoàng của bạn bè.

Theo cô Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, dù đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng bạo lực vẫn xảy ra và tội phạm ngày càng trẻ hóa đến không ngờ. Một học sinh lớp 5 lại đánh chết đàn anh lớp 6.

Trước đó, tại tỉnh An Giang cũng xảy ra án mạng do mâu thuẫn từ game. Nhân vật trong game của Ng.V.Thắng, lớp 11K3 bị nhân vật trong game của T.V.Trung, lớp 9A2, Trường THCS Thị trấn Núi Sập, giết, khiến Thắng nổi máu yêng hùng, vác dao hỏi tội “thằng nào đã giết chết con game của tao”. Hậu quả, Trung chết trên đường đi cấp cứu, còn Thắng lãnh án 13 năm tù giam.

Không thể liệt kê hết những câu chuyện đau lòng, nhức nhối về nạn BLHĐ đang xảy ra ngày một nhiều và tính chất cũng nghiêm trọng hơn. Thực trạng này diễn ra phổ biến khiến nhiều học sinh lo sợ, hoang mang khi đến trường, còn phụ huynh không yên tâm giao con vào nơi được cho là an toàn nhất này. Tại Hội thảo “Thực trạng và ngăn chặn BLHĐ ở trường phổ thông” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức cuối năm 2014, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, tâm lý học phải thốt lên: “Văn hóa học đường đang bị tổn thương nghiêm trọng. Nạn BLHĐ xảy ra ở mọi lứa tuổi, cấp học và gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ vi phạm”. Không chỉ gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp, mà còn trẻ hóa, nữ hóa và hành vi bạo lực không có giới hạn trong quan hệ bạn bè, giữa hoc sinh với nhau mà còn lấn sang ranh giới đạo lý, giữa học sinh với giáo viên.

Vì đâu nên nỗi?

Theo báo cáo của thầy Phan Đình Nhân (Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, tỉnh Khánh Hòa), trong 3 năm học, ở 9 trường THPT trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 48 vụ BLHĐ, trong đó một vụ nghiêm trọng, 39 vụ phải đưa ra hội đồng kỷ luật của nhà trường để xử lý. BLHĐ không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà giáo viên cũng có hành vi bạo lực đối với học trò. Kết quả khảo sát cho thấy, giáo viên có thái độ giảng dạy thiếu mẫu mực, gây căng thẳng cho học sinh và một số có lời nói, hành vi gây bức xúc (chiếm 10%).

Khảo sát của Th.S Đinh Anh Tuấn (Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đối với 496 học sinh tại 8 trường THCS, THPT của tỉnh cũng khắc họa bức tranh BLHĐ, nạn bắt nạt học đường diễn biến phức tạp, đa dạng, từ bạo lực tinh thần (chửi mắng, sỉ nhục hoặc dùng điện thoại/Internet đưa tin nói xấu) đến bạo lực thể xác (đánh nhau, dùng hung khí tấn công bạn học, kể cả trò đánh thầy cô). Gần đây, ngày một nhiều video clip quay cảnh ẩu đả, đánh nhau, lột áo quần, xúc phạm nhân phẩm của các nữ sinh với nhau được post lên Internet. Điều đáng nói là “những yêng hùng áo trắng” xem đây là trò tiêu khiển, khẳng định cái tôi hiếu thắng, bất chấp tất cả.

Nhà trường sẽ an toàn khi học sinh có nhiều sân chơi bổ ích

Giáo viên Nguyễn Hằng (Trường THPT Nguyễn Thoại, tỉnh An Giang) thừa nhận, học sinh bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng xấu từ phim ảnh, Internet nên có hành xử mang tính bạo lực, khẳng định “thắng làm vua”, chứ không muốn đàm phán, giải hòa mâu thuẫn. Chỉ tính riêng năm học 2013-2014, trường đã xảy ra 16 vụ đánh nhau và việc xử lý gặp không ít khó khăn. Không chỉ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, “võ miệng” lăng mạ nhau trên Facebook… chỉ vì những lời nói, hiềm khích nho nhỏ, nhiều vụ còn giải quyết bằng hung khí, gây đổ máu. Đáng lên án là nhiều vụ bạo lực có tổ chức, tính toán kỹ và lôi kéo nhiều học sinh tham gia, đánh hội đồng gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân của bạo lực tập thể đã bị tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề, không dám đến trường…

Thầy Đào Văn Trà (Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng: “BLHĐ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó gia đình thiếu quan tâm, thầy cô chưa làm tròn trách nhiệm, bản thân học sinh nhận thức không đúng đắn và xã hội tiếp tay cho những giá trị văn hóa xấu. Ngoài nguyên nhân gia đình thiếu quan tâm, lo làm ăn bỏ bê con cái, tác động từ những tiêu cực, biến động quá nhanh của xã hội thời @, sự đảo lộn của các giá trị sống,… thì các nhà giáo dục, tâm lý học đều khẳng định sự thiếu hụt kỹ năng sống, xem nhẹ giáo dục đạo đức cho học sinh đã góp phần làm gia tăng  BLHĐ”.

Khảo sát trên 1.000 học sinh, sinh viên của bà Đỗ Thị Hải Yến (Viện Nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội) cho thấy 95% các em nhận thức chưa đúng về kỹ năng sống, 77,7% chưa bao giờ được tập huấn về vấn đề này và 76,4% thừa nhận rất lúng túng khi xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống, môi trường học đường.

Theo TS Huỳnh Văn Sơn, ở độ tuổi 15-18, học sinh dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo nên người lớn khó quản lý cũng như thấu hiểu. Để các em trải lòng, “trút bầu tâm sự” và sớm ngăn chặn đốm lửa nhỏ dễ bùng phát thành hành vi BLHĐ, rất cần đội ngũ chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực học đường. Có như thế mới giúp các em tháo gỡ “ngòi nổ âm ỉ” trong lòng và cân bằng sự phát triển tâm sinh lý ở độ tuổi nhạy cảm này.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục