Tăng đột biến
Tại thành phố Đà Nẵng, việc tăng nhiều đường bay trực tiếp kết nối Đà Nẵng với các thành phố của Hàn Quốc đã góp phần đưa một lượng lớn khách Hàn đến thành phố biển này. Hiện trong số 271 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng mỗi tuần thì có 115 chuyến bay từ Hàn Quốc. Với công suất 180 - 200 khách/chuyến bay, tương đương có khoảng 100.000 khách Hàn Quốc/tháng đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng.
8 tháng đầu năm đã chứng kiến sự vươn lên ngoạn mục của thị trường khách Hàn Quốc, đạt gần 800.000 lượt, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm khoảng 40% trong tổng số khách quốc tế, vượt khách Trung Quốc để đứng đầu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Khách Hàn Quốc tham quan rừng dừa Cẩm Thanh
Tương tự, khách Hàn Quốc đến Quảng Nam thời gian qua cũng đã đuổi kịp và dần vượt mặt các thị trường khách truyền thống là Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia. Theo Sở VH-TT-DL Quảng Nam, năm 2010 mới có 3.803 lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Quảng Nam, thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên 85.611 lượt. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, khách Hàn Quốc đã đạt con số hơn 130.000 lượt, vượt xa tổng số khách Hàn Quốc đến Quảng Nam năm 2016. Trong đó, TP Hội An, nơi được du khách Hàn Quốc ví như “Venice của phương Đông” trở thành điểm tham quan ưa thích của khách Hàn Quốc tại miền Trung.
Tại Hội thảo Nâng cao năng lực về thị trường du lịch Hàn Quốc do Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VH-TT-DL Quảng Nam, Trung tâm Asean - Hàn Quốc (AKC) tổ chức trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Kim Young Sun, Tổng Thư ký Trung tâm Asean - Hàn Quốc, khẳng định nguyên do khiến khách Hàn Quốc ưa thích đến Việt Nam nói chung, Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng, ngoài sự gia tăng các chuyến bay trực tiếp, thì quan trọng hơn là các điểm du lịch phù hợp, ẩm thực rất ngon.
“Do văn hóa người Hàn Quốc và người Việt Nam không giống nhau nên người làm du lịch phải biết xu hướng và sở thích của người Hàn Quốc để tạo ra sản phẩm phù hợp. Cụ thể, người Hàn Quốc thích di chuyển. Trong một thời gian ngắn, họ thường muốn đi nhiều nơi. Đây là một thuận lợi vì Hội An và Đà Nẵng đều có nhiều điểm du lịch gần kề. Ngoài ra, 2 địa phương cũng có biển, có núi, có rừng dừa, di tích lịch sử, văn hóa… nên rất phù hợp với khách Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng có hạn chế là khách Hàn Quốc dù thích ăn món ăn Việt Nam nhưng vì không biết tiếng nên vào nhà hàng không biết gọi món. Ý tưởng của tôi là các nhà hàng nên có thực đơn ghi các món ăn mà người Hàn Quốc thích theo thứ tự 1,2,3,4… để khách Hàn Quốc nhìn vào là biết”, ông Kim Young Sun phân tích.
Giữ khách bằng cách làm chuyên nghiệp
Theo bà Đặng Quế Anh, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Hội An Express, từ đầu năm đến nay, lượng khách Hàn Quốc đăng ký tour tại công ty tăng đột biến 300% - 400% so với năm 2016. Dù vậy, khách Hàn Quốc đến Hội An tăng trưởng mạnh nhưng thời gian lưu trú lại rất ít, chỉ chiếm khoảng 30% trong quỹ thời gian của tour.
Bù lại, tổng chi tiêu của đa số khách Hàn Quốc khá cao. Hầu hết họ sử dụng các dịch vụ giải trí cao cấp, lưu trú ở khách sạn 4 - 5 sao. Đây cũng là ý kiến được nhiều doanh nghiệp du lịch Hội An đồng tình. Thậm chí, tại khu rừng dừa Cẩm Thanh, không chỉ lượng khách Hàn Quốc tăng đột biến mà mức chi trả của du khách cũng khá lớn, kể cả “bo” cho các dịch vụ trải nghiệm.
Ông Phan Xuân Thanh, chủ nhà hàng Full Moon (Hội An), cho biết, từ đầu năm đến nay, khách Hàn Quốc đặt ăn tại nhà hàng tăng hơn 30%. Hầu hết dịch vụ ăn uống đều ở mức giá cao, thậm chí nhất nhì trong khối khách châu Á, chỉ thua Nhật Bản. Tuy vậy, ông Thanh cho rằng, cái gì tăng đột biến quá cũng không tốt, nhất là khi chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng cho việc lượng khách Hàn tăng, nên dễ dẫn đến những thiếu sót, nhất là dịch vụ và nguồn nhân lực biết tiếng Hàn và hiểu biết văn hóa Hàn.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), những năm qua lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh mỗi năm. Nếu như năm 2000 mới có 53.452 lượt thì đến năm 2016 con số này đạt 1.543.883 lượt; riêng 8 tháng đầu năm 2017 đã có 1.500.811 lượt khách Hàn Quốc đi du lịch Việt Nam (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước), trở thành thị trường khách quan trọng và lớn thứ hai của Việt Nam.
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ sở hữu những sản phẩm du lịch và tài nguyên du lịch hết sức độc đáo. Riêng Quảng Nam đã có 3/4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam là du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử, đặc biệt là 2 di sản văn hóa thế giới - khu phố cổ Hội An và Mỹ Sơn.
Trong số 1.543.883 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam năm 2016, phần lớn là đến các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, đặc biệt là Quảng Nam - Đà Nẵng; đây là thị trường trọng điểm khách Hàn Quốc của du lịch Việt Nam. Vì vậy, ngoài tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch đối với người Hàn Quốc, thời gian tới cần phải tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với lợi thế rừng, sông, biển, di sản văn hóa… nhằm nâng cao sức hấp dẫn.