
Năm học 2004-2005 là năm thứ ba Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện đại trà chương trình sách giáo khoa (SGK) mới ở lớp 1, năm thứ hai ở lớp 2 và năm đầu tiên ở lớp 3. Sau ba năm thực hiện, Bộ GD-ĐT đã cùng 64 tỉnh, thành phố đánh giá kết quả thực hiện nhằm đúc kết những kinh nghiệm cho giai đoạn kế tiếp.
- Thực hiện đồng bộ và cẩn trọng

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phùng Hưng Q11 trong giờ tập viết.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành, việc thực hiện giảng dạy đại trà chương trình, SGK mới ở các lớp 1,2,3 có khá nhiều thuận lợi. Được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, nhiều ban ngành ở trung ương có sự phối hợp trong việc đưa ra các văn bản chỉ đạo, UBND các tỉnh, thành phố tạo thuận lợi về mọi mặt, đặc biệt là dành kinh phí cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập và các hoạt động bồi dưỡng giáo viên…Vai trò chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã thể hiện tính chủ động và khoa học trong biên soạn SGK, sản xuất bộ thiết bị đồ dùng dạy học mẫu, tập huấn giáo viên…
Phó GS-TS Vũ Dương Thụy, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục cho biết, quy trình làm SGK được tiến hành khá cẩn trọng. So với những khó khăn ban đầu của SGK lớp 1, SGK của lớp 2,3 được thẩm định theo đúng quy trình, bài bản hơn. Sau khi biên soạn, SGK đã được in thử và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có đông đảo giáo viên và các nhà khoa học của ngành, sau đó mới được hoàn chỉnh. Điều này đã giúp cho bộ SGK được nhìn nhận tích cực, thiết thực giúp cho quá trình dạy học theo phương pháp nhận thức, làm nền tảng cho HS tự học.
Theo Tiến sĩ Lê Hoàn Hảo – Giám đốc Công ty Thiết bị Giáo dục I, một trong những vấn đề cơ bản của việc đổi mới phương pháp dạy học lần này chính là việc đưa vào sử dụng các trang thiết bị đồ dùng dạy học. Ông cho biết : “Với quan niệm đồ dùng học tập cho HS tiểu học cần đạt tính thẩm mỹ, an toàn, chất lượng, chúng tôi đã sản xuất những bộ mẫu bằng loại nhựa đắt tiền có chất lượng tốt nhất giúp HS hứng thú trong học tập”. Vụ Giáo dục Tiểu học đã đánh giá, kết quả của việc thực hiện chương trình SGK mới là: Trình độ giáo viên đã được nâng cao hơn theo hướng tiếp cận được với phương pháp dạy học phát huy tính tích cực ở HS, giờ học được tổ chức nhẹ nhàng; HS tiếp thu kiến thức chủ động, sáng tạo nhẹ nhàng theo đúng chuẩn kiến thức và kỹ năng.
- Năng lực giáo viên hạn chế + thiếu cơ sở vật chất = quá tải
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai: |
Đồng ý với nhận định của Bộ GD-ĐT, hầu hết ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT của 32 tỉnh thành đều cho rằng, tuy việc thực hiện chương trình SGK mới đã đi vào nề nếp nhưng không có nghĩa là mọi việc đều suôn sẻ. Theo phản ánh của nhiều địa phương, một số tồn tại của chương trình, SGK mới đã khiến giáo viên khá lúng túng trong giảng dạy.
Theo phân tích của ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM , ở môn Tiếng Việt, quy định HS phải học 10 âm/tuần ở lớp 1 là khá nặng đối với HS có học lực trung bình, trong khi các vần khó chưa được sắp xếp hợp lý, bài đọc có nhiều từ địa phương (học sinh miền Nam không hiểu được từ dùng ở các địa phương phía Bắc) các tranh ảnh minh họa không rõ, nhiều nội dung khó như bài đọc quá dài, luyện nói theo chủ đề…
Tương tự, ở bộ môn Toán, những điểm chưa hợp lý là chương trình đi quá nhanh, nhiều nội dung khó nhưng thiếu thời gian thực hành… Ông Điệp cũng cho rằng, trình độ của giáo viên đã làm hạn chế chất lượng dạy học.
Ông Lê Hoàn Hảo, cho rằng, so với các nước trong khu vực, nội dung chương trình SGK mới không nặng hơn nhưng HS Việt Nam vẫn cảm thấy quá tải xuất phát từ hai nguyên nhân: năng lực giáo viên không lĩnh hội được hết nội dung của chương trình nên không chuyển tải đến học sinh một cách đầy đủ và thiếu thốn cơ sở vật chất (trường lớp, trang thiết bị đồ dùng học tập).
Cùng với việc triển khai chương trình, SGK mới, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức hình thức dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Tiểu học, HS được học 2 buổi/ngày có kết quả học tập tốt hơn hẳn học sinh học 1 buổi. Học 2 buổi là một trong những điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều tỉnh có tỉ lệ học 2 buổi/ngày trên 80%, tuy nhiên hầu hết các tỉnh đều thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, không thể huy động được sự đóng góp của người dân do đời sống quá thiếu thốn.
Đại diện các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL đều kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo mới có thể tổ chức học 2 buổi/ngày. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, ngân sách tỉnh phải hỗ trợ 45.000đ – 90.000đ/HS/tháng cho học sinh dân tộc. Không chỉ ở các tỉnh nghèo, ngay các thành phố lớn như TPHCM cũng gặp khó khăn trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ông Lê Ngọc Điệp, cho biết, dù đã tăng đáng kể nhưng TP cũng chỉ đạt được tỉ lệ 64,52% HS học 2 buổi/ngày. Giải pháp mà Vụ GD Tiểu học đưa ra là bên cạnh nguồn ngân sách địa phương và trung ương, Bộ GD-ĐT sẽ huy động nguồn lực của các dự án để tăng cường cơ sở vật chất cho các địa phương khó khăn.
Tiếp thu đóng góp của các tỉnh thành, ông Lê Tiến Thành cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo giảm hợp lý nội dung chương trình cho phù hợp với tâm, sinh lý HS tiểu học bằng các giải pháp: tăng cường tài liệu hướng dẫn cho các vùng miền khác nhau, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bộ sẽ ban hành chương trình phổ thông mang tính liên thông giữa các lớp, cấp học, bậc học đồng thời ban hành chuẩn kiến thức kỹ năng cho từng môn học ở từng lớp…
LÂM VY