
Trong căn nhà gỗ tối thui của Pùa Thị Chi, khói đặc quánh bốc lên từng ụ từ bếp củi giữa nhà. Tôi ra hiệu cho Chi chạy khỏi nhà, rồi co giò ù ra ngoài trời đớp lấy đớp để không khí. Lát sau, Chi bế hai con nhỏ ra nhìn tôi có ý chê kém cỏi. “Trời đất, khói nhiều thế, định để hai đứa nhỏ chết vì khói hay sao?”. Chi không trả lời, ngước đôi mắt ngầm bảo, ở bản Buốc Pát (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), người dân chỉ sợ khói thuốc phiện.
Bão ma túy đổ bộ
Bản Buốc Pát nằm gần Đồn biên phòng Lóng Sập, theo đường chim bay chừng 1 cây số. Nhưng từ đồn tới bản phải đi vòng lên đường tuần tra biên giới, rồi men theo yên ngựa của những ngọn núi gối nhau, cứ thế leo lên qua đỉnh Mõm Chó, qua núi Lũng Trâu...
Trưởng bản Mùa A Sủ thấy có khách dưới xuôi lên, đứng ngoài cửa nhà hú hú gọi bà con đang làm nương ở mấy quả đồi tạm ngừng tra hạt. Bộ ấm chén lâu không dùng, phủ lớp bồ hóng khiến cả chủ lẫn khách đều cảm thấy ái ngại. Tôi lấy tay quệt vội lớp bồ hóng, trước khi nước chè ể oải chảy ra từ cái ấm sứt vòi.
Trong số khách vào nhà trưởng bản Mùa A Sủ có người đàn ông khiến tôi chú ý, đó là Mùa A Ký. Tôi để ý đến Mùa A Ký ngay từ khi leo núi vì cước bộ của người đàn ông này cực nhanh, lại êm ru như bước chân của nai giẫm lên lá vàng khô. Bên hông Mùa A Ký giắt theo con dao sáng quắc. Hổ báo, thú dữ lỡ đụng tay này chắc cũng phải nhịn đói bỏ đi, chứ nếu cố vồ “mồi” cũng khó mà toàn thây.

Bà Thào Thị Sông và hai đứa cháu nhỏ.
Sau vài chén trà, khi cái bụng đã bắt đầu ưng, trưởng bản Mùa A Sủ cho tôi hay: “Bản Buốc Pát được thành lập năm 2005, lúc đầu chỉ có 12 hộ; cách bản cũ 6 cây số. Bản mới hiện có 14 hộ, gần trăm khẩu nhưng có đến 1/4 số nhân khẩu bỏ đi phương xa hoặc nằm trong khám vì phạm tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy trái phép”.
Bên bếp lửa, nghe dân bản Buốc Pát kể chuyện mà thấy chén trà đắng ngắt, chuyện vui chẳng thấy đâu, còn chuyện buồn cứ dài như con đường từ thị xã Mộc Châu vào bản.
Mùa A Ký ngồi ngay cạnh khoe nhà có con xe Mink đầu tiên trong bản. Khi tôi hỏi tiền ở đâu mua xe thì người đàn ông khắc khổ này cứ lấy tay vê vê trôn chén. Mùa A Sủ nhỏ giọng: “Mùa A Ký có con trai đầu lòng là Mùa A Sáu bị bắt vì tội vận chuyển heroin”.
Mùa A Sủ thở dài chán nản: “Gần như hộ nào trong bản cũng bị cái đói, cái nghèo bám riết. Ngẫm lại cũng chỉ tại đồng bào kém hiểu biết, tiếp tay cho kẻ xấu buôn bán ma túy, rồi nghiện hút, không còn sức lao động. Có nhiều trường hợp thương tâm, bố mẹ nghiện, rồi đi tù, để con nhỏ bơ vơ vất vưởng. Như bà Thào Thị Sông, năm nay đã 74 tuổi, có hai con trai buôn ma túy bị bắt, đang thụ án tù để lại cho bà 9 đứa cháu, đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ mới lên 5. Cô con dâu của bà Sông cũng bỏ đi lấy chồng ở Hin Pén mấy năm trước, nhưng chồng thứ hai cũng vào tù vì dính đến ma túy”.
Tôi đi tìm đứa cháu lớn nhất của bà Sông là Mùa A Sành. Tuổi 16 nhưng Mùa A Sành trông từng trải hơn đám thanh niên cùng lứa dưới xuôi. Sáng nào Mùa A Sành cũng dẫn một “tiểu đội” theo bà lên rẫy làm nương. Theo chân Mùa A Sành, tôi bước vào căn nhà gỗ mái lá, nơi 10 bà cháu Thào Thị Sông làm chỗ che mưa che nắng. Vật dụng trong nhà không có gì ngoài 2 cái giường cũ kỹ, chút xoong nồi, bát đũa sứt mẻ…
Đứng giữa ngôi nhà của bà cháu Thào Thị Sông, đột nhiên tôi lại nghĩ về ba mẹ con Lầu Thị Mỵ ở bản bên Pha Nhên (xã Lóng Sập). Lầu Thị Mỵ mới 30 tuổi nhưng gặp Mỵ lần đầu ai cũng đoán chị ngoài 40 tuổi. Người mẹ hai con này già trước tuổi do chồng nghiện nặng, buôn bán ma túy rồi bị bắt. Trong ngôi nhà lá, tài sản duy nhất là chiếc giường ọp ẹp cùng vài cái nồi. Hai đứa con của Lầu Thị Mỵ, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi hàng ngày theo mẹ lên nương. Những lúc đói quá, khóc oặt không thấy mẹ đâu, thằng anh lại lấy cục đất đưa cho con em...
Siêu xe nơi sân bóng
Theo trưởng bản Mùa A Sủ: “Không làm thì không có cơm ăn. Mà làm việc cực thân, lại ít tiền nên đồng bào ở đây chỉ biết mua ma túy về bán là dễ nhất hoặc vận chuyển ma túy. Vì thế Buốc Pát trở thành điểm nóng ma túy ngày càng phức tạp. Có những vụ buôn bán liên quan đến chục đối tượng, cả dòng họ cùng “phối hợp” nên công tác đấu tranh phát hiện tội phạm rất khó khăn”.
Theo tính toán của các chiến sĩ biên phòng, một con nghiện nặng ở xã Lóng Sập mỗi ngày tiêu tốn hết vài triệu đồng. Ma túy làm cho bệnh tật tăng lên, có người nghiện đến mức suy gan, suy thận, rồi cũng có con nghiện mắc bệnh xã hội vì ma túy.
Lóng Sập là một trong những xã nghèo nhất của huyện Mộc Châu, mà Buốc Pát lại là bản lạc hậu, nghèo đói nhất xã. “Bão” ma túy ở vùng này ngày càng dữ dội. Nhiều người vào tù ra tội, được cán bộ động viên giúp đỡ nhưng sau lại chứng nào tật ấy. Ma túy khiến đầu óc người dân mụ mẫm. Tâm sự với tôi, bà Vi Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lóng Sập, lo ngại: “Hầu hết phụ nữ trong bản Buốc Pát đều là trụ cột gia đình. Chúng tôi chỉ thương lũ trẻ thiếu hơi ấm người cha, chẳng biết tương lai rồi sẽ ra sao. Chưa kể một số chị em còn bị lây nhiễm HIV từ chồng, cuộc sống chẳng khác nào địa ngục”.
Trong lúc nói chuyện với chị Huệ, tôi bắt gặp từng đoàn xe Mercedes, BMW, Hilux, Santafe… bóng lộn chạy ra phía ngoài bãi cỏ lớn gần quốc lộ. Hóa ra họ đi đá bóng. Sân có bao nhiêu cầu thủ thì có bấy nhiêu siêu xe.
Theo như lãnh đạo xã và đồn biên phòng thì đây là những đối tượng tình nghi. Cũng đúng thôi, ở cái vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, làm gì mà trong một đêm đã có tiền tỷ mua xe hơi đời mới. Lại nhớ lời trưởng bản Mùa A Sủ bảo “Trong cốp xe thế nào cũng có vài trăm ngàn USD. Dân trên này buôn bán heroin, có tiền không xây nhà đâu, chỉ thích tích “đô” găm trong cốp xe”.
Nhớ lại bữa trước trên đường vào Đồn biên phòng Lóng Sập, tôi bắt gặp bên ruộng lúa hình ảnh người đàn ông dúi vào tay vợ tập 500.000 đồng xanh ngoét. Anh bạn đi cùng đường, làm ở báo Thời nay, vốn là dân Sơn La, nói nhỏ: “Chắc tiền buôn “hàng” đấy. Ở đây, các đối tượng buôn bán ma túy manh động lắm, đánh hơi thấy nguy hiểm là rút súng vãi đạn như mưa. Ông đừng có đưa mắt nhìn không đúng kiểu, cẩn thận lại bị ăn “kẹo đồng”. “Thế nào mới là nhìn đúng kiểu?”. “Ờ, chẳng biết, lỡ bị ăn đòn sẽ biết là nhìn không đúng kiểu ngay”.
Nụ cười hiếm hoi
… Quay trở lại nhà Pùa Thị Chi, tôi hỏi người phụ nữ xinh nhất bản Buốc Pát: “Mấy ngày ở đây nghe toàn chuyện buồn, có chuyện gì vui kể đi”. Chi bế sấp bế ngửa con trai đầu lòng Mùa Đông Dương (sinh ngày 4-10-2010) khoe: “Nó là đứa trẻ duy nhất trong bản được sinh trong viện đó.
Nhưng tiền viện phí tốn quá nên đến lượt em gái nó, Mùa Thị Thúy Vân (sinh ngày 27-9-2011), đành để bà nội đỡ đẻ tại nhà”. “Sao đẻ hai đứa gần vậy?”. “Cái này khó nói lắm. Bạn em vừa sinh con được một tuần, chồng dẫn vợ đi vòng quanh đống lửa giữa nhà ba vòng. Hỏi chóng mặt không? Không chóng mặt à! Thế thì “yêu” nhau thôi”.
Hai đêm ngủ tại nhà Mùa A Ký đã giúp tôi hiểu rõ hơn mảnh đất, con người nơi này. Mùa A Ký bảo, nếu lấy đất ở bản, chỗ quả đồi giáp với biên giới Lào mà sàng, không biết chừng cũng được cả mớ thuốc phiện. Những đối tượng nghiện ngập ở Buốc Pát, Lóng Sập vẫn mò sang bên kia biên giới hút chích, lúc về người ám đầy khói nàng tiên nâu. Bộ đội biên phòng, công an địa phương biết nhưng cũng bó tay, chỉ biết ngọt nhạt khuyên bảo.
Đêm khuya, tiếng mưa rơi rả rích buồn thấu tâm can. Mùa A Ký quàng tay qua vai, nài tôi uống thêm chén rượu nữa, mắt ngấn lệ bảo: “Bộ đội biên phòng đã cứu bản Buốc Pát, giúp dân sáng cái đầu. Mấy mùa hoa ban trước, các thầy giáo bộ đội biên phòng kiên gan vận động từng nhà, từng hộ cho các cháu đến trường. Rồi giúp dân con giống, cây giống. Nếu chí thú làm ăn thì cũng đâu nên nỗi”. Ực xong chén rượu, Mùa A Ký ôm tôi vào lòng. Chắc ông đang nhớ con trai. Còn tôi thì đưa mắt nhìn chiếc xe Mink ở góc nhà, trong lù lù như quái vật.
Nhoẻn miệng cười chào tôi, Mùa A Ký tựa lưng vào căn nhà đại đoàn kết được bộ đội biên phòng Lóng Sập xây tặng. Nụ cười hiếm hoi mà tôi bắt gặp nơi núi rừng Tây Bắc này.
|
MINH MINH