
Từ lắp ráp đơn thuần, đơn chiếc, đến nay những sản phẩm mang thương hiệu Transinco của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đã được sản xuất, lắp ráp trên dây chuyền công nghệ hiện đại, với tỷ lệ nội địa hóa đạt 40-60%.

Xe buýt sản phẩm mang thương hiệu Transinco
Ðây là kết quả quá trình đầu tư phát triển của Tổng công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam (Vinamotor) trong thời gian qua với giải pháp xuyên suốt là: gắn khoa học-công nghệ với sản xuất. Trong khi hàng chục liên doanh sản xuất ô-tô thi nhau đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe du lịch 4 chỗ, 7 chỗ, 9 chỗ ngồi... thì Vinamotor, trên cơ sở nghiên cứu thị trường trong nước, cũng như công nghệ và phương thức sản xuất của các nước phát triển đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào thiết bị, công nghệ để sản xuất xe chở khách, và xe tải nhẹ phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa.
Một trong những thành công nhất của Vinamotor trong thời gian qua là đã xây dựng và hoàn thiện dây chuyền công nghệ và chế tạo xe khách chất lượng cao phù hợp điều kiện Việt Nam. Ðây là công trình nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả, các kỹ sư Nguyễn Văn Khoa, Trần Văn Anh và Nguyễn Tường Thịnh. Ngày 25-3 vừa qua, công trình đã được trao giải thưởng Sáng tạo khoa học-công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2004, do đã đưa ra được những phương pháp nghiên cứu và triển khai mới từ khâu thiết kế, chế tạo, sản xuất và các quy trình khác để sản xuất được các loại xe khách có chất lượng, phù hợp điều kiện, môi trường và tiêu chuẩn Việt Nam.
Hiệu quả thực tiễn của công trình là đã được ứng dụng rộng rãi tại các công ty ô-tô: 1-5, 3-2, Hòa Bình,... tạo ra những chuyển đổi cơ bản trong công nghệ đóng mới và sửa chữa xe ô-tô khách. Từ công nghệ sửa chữa, đóng mới thùng bệ xe ở mức thấp, lên sản xuất, đóng mới với công nghệ kỹ thuật cao. Từ sản xuất manh mún, đơn chiếc, chuyển dần sang sản xuất hàng loạt. Nhờ gắn đổi mới công nghệ với sản xuất, sản lượng xe chở khách của Vinamotor sản xuất và tiêu thụ đã tăng nhanh từ 400 xe (năm 2000) lên 8.000 xe (năm 2004), giá trị sản xuất cũng tăng từ 1.000 tỷ đồng, lên hơn 5.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 520 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, để đóng mới một xe chở khách, sat-xi được nhập khẩu từ các nước: Ðức, Trung Quốc, Hàn Quốc... thợ cơ khí ô-tô chỉ còn mỗi công việc gióng khung, bọc tôn, lắp cửa... bằng các dụng cụ thủ công, đơn giản là thành chiếc xe chở khách. Hiện nay, việc sản xuất khung, vỏ xe chở khách của Vinamotor được sản xuất hàng loạt. Có nghĩa là, cùng một loại xe, sản xuất ở các cơ sở khác nhau trong tổng công ty, nhưng vẫn có thể lắp lẫn 100%.
Ðây chính là việc Vinamotor đã ứng dụng thành công phần mềm tin học trong thiết kế, chế tạo khung vỏ xe. Tất cả các loại khung xương của xe được chế tạo bằng công nghệ uốn nguội trên máy uốn chuyên dùng, có cài đặt chương trình, bảo đảm độ chính xác cao và không gây ứng suất cục bộ. Vỏ xe được chia làm nhiều mảng lớn và gá lắp trên các bộ đồ gá chuyên dùng. Tôn vỏ xe được cán phẳng, kéo căng và ép chặt vào khung thành xe, liên kết nhau bằng máy hàn điểm. Trước khi sơn, khung xương và vỏ xe được làm sạch và chống gỉ theo công nghệ phốt-phát hóa.
Ðể bảo đảm độ cứng vững, cách âm, cách nhiệt và chống rung, vỏ xe, khung xương được phun keo xốp, thay cho phương pháp chèn bằng tấm xốp trước đây,... Các công đoạn của quá trình sản xuất đều được kiểm tra, giám sát và xác nhận theo tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép. Mỗi sản phẩm trước khi xuất xưởng đều được thử độ kín nước toàn xe, kiểm tra các tính năng kỹ thuật an toàn phanh, lái, đèn, độ ồn, độ rung, độ lạnh,... Các xe đạt yêu cầu mới được Ðăng kiểm Việt Nam cấp phiếu xuất xưởng.
Ðánh giá về chất lượng xe do các đơn vị thuộc Vinamotor sản xuất, ông Lã Ðình Ðạt, Giám đốc Công ty cổ phần ô-tô khách Hà Tây, đơn vị hiện đang sử dụng 18 xe chở khách của Vinamotor cho biết: Hệ thống thân, vỏ xe bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, hoạt động chắc chắn, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và khách đi xe. Còn ông Dương Hồng Thanh, Giám đốc Công ty xe khách Sài Gòn thì khẳng định: Các loại xe buýt Transinco có kiểu dáng thẩm mỹ phù hợp xe chở khách trong thành phố, được chế tạo trên dây chuyền lắp ráp hoàn chỉnh của Công ty ô-tô 1-5, vì vậy có chất lượng bảo đảm và hoạt động ổn định. Chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải Yên Lạc (Vĩnh Phúc) Quảng Văn Gai nhận xét: Xe khách Transinco hoạt động tiết kiệm nhiên liệu, ít hư hỏng, nước sơn bền, đẹp, giá thành phù hợp túi tiền của người lao động đang có nhu cầu.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam Từ Mạnh Hùng cho biết: Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm là yêu cầu và mục tiêu phấn đấu của Vinamotor. Ðến nay, tùy theo từng loại xe, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm ô-tô khách của tổng công ty đạt từ 40 đến 60%. Hầu hết các chi tiết nội thất của xe, như: ghế ngồi, tấm sàn, các tấm bọc bên trong xe, nóc xe,... bằng vật liệu composite, nhựa là sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong nước. Hiện tại ô-tô Việt Nam còn thiếu động cơ, hộp số, hai cầu chuyển động, tổng công ty đã xây dựng và trình duyệt phương án xây dựng nhà máy sản xuất động cơ đi-ê-den cho ô-tô và dự án sản xuất động cơ xăng cỡ nhỏ, để trong một tương lai không xa sẽ sản xuất được ô-tô mang nhãn hiệu Việt Nam.
V.Q (Theo Nhân Dân)