
Mấy tháng gần đây, thị trường âm nhạc TP Hồ Chí Minh râm ran chuyền tai nhau về 10 đĩa nhạc: “101% Copy + Cover Đạo nhạc 2004”. Mỗi đĩa gồm 14 bài nhạc, 7 bài của các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, 7 bài nhạc nước ngoài mà người chọn lọc cho rằng nhạc sĩ VN đã copy hoặc cover lại để người nghe có thể so sánh.
Trong số những ca khúc bị cho là đã copy nhạc ngoại, có nhiều ca khúc rất quen thuộc và được khán giả yêu thích như: “Nhé anh” (sáng tác: Nguyễn Hà), “Bài Tango xa rồi” (Hoài An), “Tình yêu tìm thấy” (Vĩnh Tâm); “Mẹ yêu”, “Anh tôi” (Ba Con Mèo); “Ngồi hát ca bồng bềnh”, “Tuổi 16”, “Để anh cháy cùng em” (Quốc Bảo); “Ước gì” (Võ Thiện Thanh)…
Có những bài, người nghe có thể dễ dàng nhận thấy sự giống nhau gần như trăm phần trăm cả về giai điệu, hòa âm, nhưng cũng có bài nghe hoài chỉ thấy láng máng giống một vài khuôn nhạc.

Sau sự kiện nhạc sĩ Bảo Chấn với ca khúc “Tình thôi xót xa”, tiếp đến là vụ phát hiện ca khúc “Tuổi 16” của Quốc Bảo cũng giống với một ca khúc nước ngoài, ai đó đã nắm bắt được thị hiếu tò mò, sự nhạy cảm của thị trường băng đĩa nhạc lậu nên cố công tìm kiếm thêm sự giống nhau trong các sáng tác của các nhạc sĩ VN với những ca khúc nước ngoài nhằm mục đích kiếm lợi.
Chính vì vậy, có những bài nghe đi nghe lại mới thấy giống một chút khuôn nhạc, một vài nốt nhạc. Từ vụ việc này, có hai vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ:
Đầu tiên phải nhìn nhận, người thực hiện 10 CD này đã “có công” phát hiện khá chính xác nhiều ca khúc VN “song sinh” với ca khúc nước ngoài. Chỉ bằng tai nghe của một người bình thường (không có chuyên môn âm nhạc), cũng phải công nhận chúng giống nhau…
Nếu thuần túy chỉ nhìn về số lượng (10 đĩa, mỗi đĩa 7 ca khúc) thì đã có đến 70 ca khúc VN copy và cover lại. Nhìn vào danh sách tên tác giả đa số đều là những tên nhạc sĩ đang thuộc hàng “ăn khách” hiện nay. Người yêu nhạc và có tự trọng không khỏi buồn lòng nghĩ rằng sao mà âm nhạc VN hiện nay nghèo nàn, vay mượn và bất tài đến thế và liệu rằng con số các ca khúc VN copy có dừng lại ở 10 CD này?!
Hiện nay, khi Công ước Berne có hiệu lực, các nhạc sĩ có nhạc copy liệu có tránh khỏi ra hầu tòa và như thế cả nền âm nhạc VN có thể nằm ngoài những tai tiếng này chăng?!
Điều thứ hai, ngay từ cái tên trên bìa đĩa “101% Copy + Cover Đạo nhạc 2004” đã cho thấy ý đồ từ phía người thực hiện. Họ kiếm tiền từ chính những “phát hiện” không cần thẩm định độ đúng sai đến đâu, làm tổn hại uy tín, danh dự cho tác giả như thế nào.
Bởi vì, có một số ca khúc cố ép cũng chỉ giông giống một vài khuôn, một vài nốt nhạc. (Nếu không đúng, ai là người xin lỗi, đính chính?!). Giúp Hội Nhạc sĩ và công chúng nhận mặt những nhạc sĩ chuyên copy nhạc của người khác để chấn chỉnh là việc làm đáng hoan nghênh nhưng kiểu cơ hội, kiếm lợi như vậy cũng rất cần cơ quan quản lý xem xét lại.
Tùng Khanh