Ngày 29-12, Ban quản lý công trình thủy điện Sơn La phối hợp với Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương đã tổ chức vận chuyển an toàn tấm bia khắc bài thơ trấn ải của vua Lê Lợi trên đá núi bên bờ sông Đà về nơi an toàn. Tấm bia này là một trong những di sản văn hóa quan trọng nhất cần di dời để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.
Để thực hiện dự án này, hàng chục công nhân của công ty vốn là thợ đá lành nghề ở làng đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) đã phải cần mẫn làm việc trong gần 2 tháng, cắt tỉa từ khối đá khổng lồ ven bờ sông Đà thuộc địa phận xã Lê Lợi (huyện Sìn Hồ - Lai Châu), tách ra được phiến đá nặng 15 tấn mang trong lòng bút tích của nhà vua. Sau đó đơn vị thi công đã dùng máy cẩu và xe vận tải hạng nặng vận chuyển về khu vực UBND xã Lê Lợi cách đó gần 10 km để bảo quản, chuẩn bị lắp đặt sau khi hoàn thành Đền thờ Lê Lợi trong bước tiếp theo.
Lịch sử của tấm bia trên đã được ghi nhận rằng, tháng 1 năm 1432, Lê Lợi đem quân đi chinh phạt Đèo Cát Hãn vốn là một tù trưởng ở vùng này dấy binh làm phản theo 2 đường thủy - bộ. Dẹp yên vùng phên dậu của tổ quốc, người Anh hùng dân tộc đã dùng gươm khắc chữ đề thơ vào đá núi ven bờ sông Đà để răn đe những kẻ có mưu đồ làm phản, đồng thời cũng để khẳng định chủ quyền của tổ quốc tại nơi biên ải này.
Nghĩa của tấm bia được dịch như sau: “Di dịch là mối lo ở biên thùy, từ xưa vẫn có rợ Hung Nô ở đời Hán, rợ Đột Quyết ở đời Đường/ Các quan vùng Mường Lễ phía Tây nước Việt ta là như vậy/ Vừa rồi vì nhà Trần, nhà Hồ suy vi, kẻ bầy tôi nơi phên dậu sinh ngạo ngược/ Cát Hãn nhờn theo lối cũ giữ vững không chừa/ Ta nay đem quân tới đánh, đường bộ- đường thủy cùng tiến một trận dẹp ngay/ Nhân làm một bài thơ Luật cho khắc vào đá để răn các tù trưởng man không theo Đức hóa ở thời sau.
Thơ rằng:
Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh, tội đáng giết.
Dân ngoại biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có.
Đất đai hiểm trở từ nay không còn.
Hình bóng cỏ cây và tiếng gió thổi, hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ.
Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên đá núi.
Chắn giữ phía Tây nước Việt ta.
Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1 năm 1432)”
Phiến đá mang trong lòng bài thơ của vua Lê Lợi được tách ra có kích thước cao 2,2 - 2,3 m, rộng 2,8 m và dày 1,15 m, có trọng lượng trên 15 tấn. Ông Trần Văn Khanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương là người trực tiếp thực hiện dự án này cho biết: hạng mục di chuyển và làm nhà che bia Lê Lợi nằm trong Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lòng hồ Thủy điện Sơn La. Hạng mục trên có tổng kinh phí 720 triệu đồng, bắt đầu công tác động thổ, khoan cắt tấm bia từ ngày 2/11/2009.
Theo phương án ban đầu, việc khoan cắt và di dời tấm bia sẽ tổ chức đồng thời cùng việc xây dựng Đền thờ Lê Lợi cách vị trí cũ khoảng 500 m, cao hơn 150 m. Trong đó Đền thờ vua Lê có kiến trúc truyền thống bằng vật liệu gỗ, mái lợp ngói mũi hài gồm: khu đền chính, nhà bia, nhà thủ từ, sân đại lễ, bãi đỗ xe ... trên mặt bằng 3.000 - 4.000 m2. Tuy nhiên do công tác làm thủ tục xin cấp đất triển khai chậm, nên hạng mục này phải tách làm 2 phần: phần di dời về nơi bảo quản và phần xây dựng Đền thờ, lắp đặt cố định. Dự kiến sau một năm nữa mới thực hiện được.
Sau gần 2 tháng thực hiện, đến đúng 18 giờ ngày 29-12-2009, bút tích của nhà vua Lê Lợi đã được di chuyển đến nơi an toàn trong sự mong đợi của đồng bào xã Lê Lợi. Những tấm bảo vệ mặt bia đóng kín suốt thời gian qua được mở ra trước sự chứng kiến của đại điện Ban quản lý công trình Thủy điện Sơn La, nhà thầu và chính quyền địa phương cho thấy: toàn khối đá và phần mặt bia vẫn được giữ nguyên vẹn, không bị nứt nẻ, bút tích vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Việc di dời thành công bia Lê Lợi là một hạng mục quan trọng, đảm bảo cho công trình Thủy điện Sơn La thực hiện đúng tiến độ tích nước vào tháng 5 và phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010.
Chu Quốc Hùng