Phán quyết ràng buộc
Theo tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh, các bên cần tuân thủ phán quyết này bởi đây là “phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS”. Ông T.Motegi khẳng định, tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần phải dựa trên các điều khoản liên quan của UNCLOS. Nhật Bản cũng quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay, đồng thời tái khẳng định phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Motegi, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN và các quốc gia liên quan để duy trì cũng như tăng cường trật tự hàng hải dựa trên thượng tôn pháp luật, hiện thực hóa “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Canada cũng ra tuyên bố “tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này”, đồng thời nhấn mạnh phán quyết là “cột mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada kêu gọi tất cả các nước tuân thủ các cam kết đưa ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Bên cạnh đó, Canada tuyên bố ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Theo Ottawa, những nguyên tắc này là “cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”.
Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden phản bác gần như tất cả các yêu sách hàng hải quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Philippines tại điểm nóng của khu vực này sẽ thúc đẩy Mỹ có phản ứng theo Hiệp ước Phòng thủ chung. Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken nêu rõ, tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các quốc gia và có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình, thịnh vượng của thế giới, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành vi có thể đe dọa tự do hàng hải tại tuyến giao thông quan trọng của thế giới tại Biển Đông.
Vai trò của ASEAN
Nhân dịp này, trong bài phân tích đăng trên báo Porady của giới luật sư Ukraine, chuyên gia Sergey Tolstov, Giám đốc Viện Phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở ở Kiev (Ukraine), nêu rõ, Tòa PCA đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”. Điều đó có nghĩa Trung Quốc không thể nêu yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như không có “quyền lịch sử” để tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực này. Chuyên gia Ukraine khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, bước đi tích cực là thảo luận để tiến tới ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), theo đó coi trọng việc đảm bảo tự do hàng hải.
Còn trong bài viết đăng tải ngày 11-7, trang mạng Theinsnews.com (Malaysia) cho rằng, UNCLOS năm 1982 cùng sự đoàn kết của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Bài viết đặc biệt đề cao vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Để bảo đảm các nguồn lực của Biển Đông được sử dụng cho lợi ích của các nước thành viên ASEAN, bài viết cho rằng giải pháp tốt nhất là các quốc gia ASEAN cần đi đến một thỏa thuận chính trị, quân sự và kinh tế vững chắc để tôn trọng các tuyên bố của nhau trong khi cùng đầu tư bảo vệ khu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia tham gia.
Ngày 12-7-2021, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước.