Các trường đại học nhiều biến động về học phí

Trong năm 2015, học phí các trường ĐH công lập sẽ tăng kịch trần mức học phí theo nhóm ngành của Nghị định 49 của Chính phủ (Nghị định 49). Cùng với đó, một số trường ĐH công lập được thí điểm tự chủ tài chính học phí khóa mới cũng tăng mạnh và các khóa cũ sẽ tăng từ 20% - 30%. Một số trường ngoài công lập cũng sẽ điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ.
Các trường đại học nhiều biến động về học phí

Trong năm 2015, học phí các trường ĐH công lập sẽ tăng kịch trần mức học phí theo nhóm ngành của Nghị định 49 của Chính phủ (Nghị định 49). Cùng với đó, một số trường ĐH công lập được thí điểm tự chủ tài chính học phí khóa mới cũng tăng mạnh và các khóa cũ sẽ tăng từ 20% - 30%. Một số trường ngoài công lập cũng sẽ điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ.

Trường công tự chủ: Học phí tăng cao

Theo Quyết định 158 ngày 29-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tăng học phí trong các năm học 2015, 2016 và 2017 lần lượt là 13 triệu đồng; 14,95 triệu đồng và 17,2 triệu đồng/sinh viên/năm. Đối với những sinh viên các khóa trước khi quyết định có hiệu lực, trường sẽ điều chỉnh học phí đúng quy định là không quá 20% so với mức học phí cũ. Theo GS-TS Lê Vinh Danh, mức học phí cũ của trường trong nhiều năm gần đây ở mức khoảng 10 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trước đó, Thủ tướng cũng có quyết định cho phép Trường ĐH Kinh tế TPHCM thực hiện đề án đổi mới cơ chế hoạt động từ nay đến năm 2017. Trong đó, trường được hoàn toàn tự chủ thu học phí. Cụ thể, trong năm 2015, học phí khóa mới trường sẽ thu là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm và năm 2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Đối với những sinh viên khóa cũ, trường sẽ thu học phí tăng ở mức không quá 30%/năm. Như vậy, mức học phí của Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong năm nay sẽ tăng hơn so với Nghị định 49 là 2,36 lần (hơn 236%).

Học phí tăng góp phần giúp các trường đảm bảo và nâng cao được chất lượng đào tạo.

Ở một số trường khác như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing cũng đang trong tư thế sẵn sàng tăng học phí trong năm 2015. Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết: “Trường đã nộp đề án xin tự chủ tài chính và nếu được Chính phủ phê duyệt thì học phí của trường sẽ tăng trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu đề án chưa phê duyệt thì trường sẽ giữ mức học phí khoảng 6 triệu đồng/sinh viên/năm”.

Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM: “Hiện nay mức học phí của trường bình quân là 6,8 triệu đồng/sinh viên/năm. Trường cũng đã nộp đề án xin thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, nếu đề án được thông qua thì học phí sẽ điều chỉnh tăng nhẹ nhàng chứ không tăng quá sốc như Trường ĐH Kinh tế TPHCM”.

Ngoài những trường nói trên, hiện nay rất nhiều trường ĐH cũng đã nộp đề án xin thực hiện tự chủ tài chính. Nếu được thông qua, trong năm 2015 học phí ở nhiều trường công lập sẽ tăng ít nhất khoảng 15% - 20% tùy theo mức điều chỉnh của các trường.

Ở khối các trường ngoài công lập, nhiều trường dự kiến sẽ có điều chỉnh về học phí.

Nhiều chính sách hỗ trợ người học

Thực tế cho thấy, với mức học phí ở trường công lập theo Nghị định 49 là sự san sẻ giữa người học và Nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước không thể bao cấp và dàn trải như hiện nay thì chất lượng đào tạo khó có thể nâng cao. Do đó, việc Chính phủ ra Nghị quyết 77 khuyến khích các trường tự chủ được nhiều cơ sở đào tạo đồng thuận và mạnh dạn xin tự chủ. Cùng với việc tự chủ, trong đó việc tự chủ tài chính (học phí) được tăng cao để nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc tăng học phí chắc chắn người học sẽ lo lắng và dư luận có phản ứng và luôn đặt ra quan ngại liệu người nghèo có kham nổi mức học phí cao để tiếp cận với giáo dục đại học. Để đảm bảo về mặt chính sách nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục đại học, Chính phủ đã có nhiều chính sách điều chỉnh tạo sự đồng thuận cao của xã hội.

Nếu như trước đây, sinh viên các trường ngoài công lập không được vay vốn học tập, không được miễn giảm học phí thì từ năm học 2013 - 2014, Nghị định 74 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49 với nhiều điểm tích cực hơn.

Theo Nghị định 74, kể từ năm học 2013 - 2014 sẽ có thêm 3 đối tượng được miễn học phí gồm: sinh viên học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, chính sách miễn, giảm học phí đối với người dân tộc thiểu số và học viên, sinh viên các ngành xiếc, múa cũng được áp dụng thống nhất theo Nghị định này, bãi bỏ các quy định tương ứng tại Nghị định 75/2006/NĐ-CP và Quyết định 82/2005/QĐ-TTg. Một điểm đáng ghi nhận nữa là những đối tượng được miễn giảm không cần về lại địa phương để nhận tiền học phí mà theo quy định mới, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục.

Một điểm sáng đáng ghi nhận nữa là Nghị định 74 đã thật sự tạo sự công bằng như Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã quy định: “sinh viên trường ngoài công lập cũng được hưởng chính sách ưu tiên như sinh viên trường công lập”. Trước đây, sinh viên theo học trường ngoài công lập không được tiếp cận với những chính sách này cũng như việc vay vốn học tập. Đáng nói hơn, thời điểm này việc miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên các trường ngoài công lập có thể coi như một tín hiệu đáng mừng cho loại hình trường này để người học giảm bớt gánh nặng học phí.

Mới đây, trong buổi làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: “Trong năm học tới, Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng mức vay học tập cho sinh viên lên thành 1,1 triệu đồng/tháng để hỗ trợ các em trang trải chi phí học tập”. Song song đó, các trường thực hiện tự chủ tài chính cũng sẽ có nhiều chính sách học bổng, miễn giảm, hỗ trợ học phí tới nhiều đối tượng ngoài diện chính sách.

Mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm 2010 - 2015 như sau:

Các trường đại học nhiều biến động về học phí ảnh 2

Đơn vị: ngàn đồng/tháng/sinh viên

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục