Cái ác lộng hành ở trường học SOS!

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều video clip học sinh đánh hội đồng bạn học được tung lên mạng khiến xã hội giật mình, lo ngại. Lẽ nào ở nơi an toàn nhất, nhân bản nhất: nơi bồi đắp tri thức, dạy và học làm người lại có thể bị vấy bẩn bởi bóng đen bạo lực?
Cái ác lộng hành ở trường học SOS!

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều video clip học sinh đánh hội đồng bạn học được tung lên mạng khiến xã hội giật mình, lo ngại. Lẽ nào ở nơi an toàn nhất, nhân bản nhất: nơi bồi đắp tri thức, dạy và học làm người lại có thể bị vấy bẩn bởi bóng đen bạo lực?

Lột xác thành hung thần

Những ngày qua, câu chuyện đau lòng về việc nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, bị đánh hội đồng một cách dã man ngay tại lớp học chưa kịp lắng xuống, chúng ta lại chứng kiến thêm nhiều câu chuyện, hình ảnh nhức nhối khác về nạn bạo lực học đường. Mới đây, thông tin về một nữ sinh tên P.H., Trường THPT Tử Đà (huyện Phù Ninh,  tỉnh Phú Thọ) bị đánh hội đồng, rối loạn tâm lý nghiêm trọng càng khiến dư luận quan tâm. Ban giám hiệu trường này thừa nhận P.H. bị 4 bạn nữ đánh hội đồng từ tháng 9-2014 xuất phát từ lý do hiểu nhầm trên trang cá nhân Facebook. Một tuần sau khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra, nhà trường mới biết. Tuy 4 nữ sinh tham gia đánh bạn gây thương tích đã nhận hình thức kỷ luật hạ hạnh kiểm học kỳ I xuống yếu, cảnh cáo trước toàn trường, nhưng hậu quả vẫn thật nghiêm trọng: sau khi bị bạo hành thể xác, P.H. bị tổn thương tâm lý, tinh thần, dẫn đến suốt 6 tháng qua không thể nói chuyện, chỉ ra dấu hoặc viết ra giấy. Mẹ P.H. cho biết sau khi bị bạn đánh, em trở về nhà trong tình trạng đầu tóc bù xù, mặt có nhiều vết sưng tím, môi chảy máu, không ăn được cơm, phải ăn cháo và mất ngủ triền miên. Thấy con sợ sệt, không nói, mẹ đưa em đi chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả. Đến khám ở Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bác sĩ nhận định P.H. bị dư chấn tâm lý dẫn đến á khẩu, khả năng khỏi bệnh, nói trở lại rất khó. Hiện Công an huyện Phù Ninh đang chờ kết quả giám định thương tật từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương để quyết định có khởi tố vụ án hay không.

Ảnh minh họa

Có thể thấy, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều video clip học sinh đánh nhau hay đánh hội đồng bạn học chẳng khác gì phim xã hội đen. Người xem không khỏi xốn xang trước hình ảnh những cô cậu học trò với hành vi côn đồ, hung hãn lao vào nạn nhân đấm đá, túm tóc, giật áo một cách dã man, khiến người lớn cũng phải rùng mình. Mới đây nhất, video clip khoảng 20 nam sinh một trường ở Hà Nội xông vào hỗn chiến bất phân thắng bại tiếp tục làm nóng thêm tình hình bạo lực học đường. Nhất là nhiều video clip khiến người xem bàng hoàng bởi cảnh nữ sinh với đồng phục xuống tay đấm đá bạn học và hành vi vô cùng phản cảm, khó chấp nhận: lột đồ bạn giữa phố một cách rất hả hê, thể hiện sự tàn nhẫn, vô cảm.

Ngoài ra, một điểm chung rất khó chấp nhận trong hầu hết các video clip bạo hành học đường là nhiều học sinh đứng xung quanh chẳng những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ rầm rộ... Và điều này mới thực sự đáng sợ.

Thiếu kỹ năng sống, ứng phó

Trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu đã liên tục cảnh báo về nạn bạo lực học đường với hàng ngàn vụ mỗi năm với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Chỉ riêng năm 2014 đã xảy ra hàng loạt vụ bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, trong đó có không ít vụ dẫn đến đổ máu, thương tích và nhiều em bị tước đi mạng sống. Vì sao bạo lực học đường lại gia tăng? Trong thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm bàn về thực trạng, giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, nhiều nguyên nhân, góc cạnh sâu xa từ gia đình, nhà trường và xã hội đã được mổ xẻ, phân tích. Thế nhưng, bất chấp những lời cảnh báo từ các chuyên gia, các nhà giáo dục, cơn bão bạo lực vẫn tăng về số lượng lẫn cấp độ. Đến nỗi một số chuyên gia giáo dục phải thốt lên: “Nếu như trước đây chỉ hai học sinh đánh nhau thì giờ phổ biến việc ẩu đả bầy đàn. Trước đây học sinh chỉ dám đánh nhau ở ngoài cổng trường hay những góc khuất trong sân trường, những nơi kín đáo... thì bây giờ các em ngang nhiên xử nhau ngay trong lớp” chỉ vì những mâu thuẫn, bất đồng, hiểu nhầm rất nhỏ. Nhẹ thì khẩu chiến, lăng mạ, hăm dọa… nặng thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay, hành xử côn đồ. Còn nhớ cách đây không lâu, một nam sinh lớp 9 ở Long An bị bạn đánh đến chấn thương sọ não chỉ vì không cho bạn chép bài kiểm tra học kỳ.

Ảnh minh họa

Đâu là nguyên nhân khiến cái ác xâm nhập trường học đến mức độ như thế? Theo nhiều ý kiến, bạo lực học đường bùng phát do người lớn đang thiếu quan tâm và thấu hiểu con trẻ. Trong khi nhà trường với rất nhiều áp lực từ việc học, xã hội lại biến đổi rất nhanh còn các em không được trang bị kỹ năng sống, ứng phó trước nhiều tình huống thực tế. Một nghiên cứu giáo dục mới cho thấy có đến 90% học sinh gặp khó khăn do áp lực học tập và quan hệ tích cực với gia đình, giáo viên, bạn bè… Lo âu, áp lực, căng thẳng cộng thêm sự thiếu sự quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ kịp thời của người lớn như phụ huynh, thầy cô nên nhiều em rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm lý, dẫn đến tâm thần...

Th.S Lê Thị Hiền (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) khẳng định: Bạo lực học đường bùng phát một phần do học sinh thiếu kỹ năng sống. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng 95% học sinh chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống, trên 77% chưa được tập huấn, trang bị kiến thức và có nhu cầu được học, trải nghiệm thực tế để biết cách ứng xử, đối phó, hòa giải, thương thuyết... với các tình huống phát sinh trong cuộc sống. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Ở lứa tuổi 15-18, học sinh dễ bị kích động, lôi kéo nên người lớn phải thấu hiểu và biết cách quản lý, kiểm soát các em. Để giảm thiểu bạo lực học đường, cần có đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường giúp các em cân bằng, phát triển tâm sinh lý ở giai đoạn nhạy cảm này. Hơn nữa, nhà trường cũng cần thiết lập kênh theo dõi, phát hiện những hành vi bắt nạt, các dấu hiệu manh nha bạo lực nhằm ngăn chặn sớm. Để làm được điều này thì môi trường học đường phải thật sự thân thiện, thầy cô cởi mở, luôn lắng nghe, thấu hiểu những điều học sinh phản ánh, kể cả trái chiều. Về phía cha mẹ cần gần gũi, quan tâm, chia sẻ với con cái để con không bị cô đơn, bất ổn về tâm lý...”

Vân Hà

Tin cùng chuyên mục