Cải cách chính sách tiền lương - không thể lỗi hẹn thêm - Bài 3: Tiền lương phải được coi là đầu tư phát triển

Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, phát triển và thịnh vượng vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, thì yếu tố con người là quan trọng nhất, là then chốt của then chốt. Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển. Bài toán cải cách chính sách tiền lương phải cấp bách giải quyết.

Phải sống được bằng lương

Không chỉ ngành giáo dục, y tế, mà người hưởng lương trong các ngành nghề khác cũng kêu ca rất nhiều. Ông Bùi Công Khanh, viên chức công tác trong ngành nội vụ (trụ sở tại Hà Nội), cho biết, gần 20 năm, tổng mức thu nhập hiện tại tính cả các chế độ “bồi dưỡng” cũng chưa được 9 triệu đồng. Nhà cách xa cơ quan hơn 20km, trong hơn 10 năm qua, để tiết kiệm chi phí, ông thường xuyên đến cơ quan bằng xe buýt và mang cơm từ nhà để ăn trưa. Lương thấp, mặc dù muốn làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập lo cho gia đình, nhưng thời gian làm việc hành chính, xử lý giấy tờ, văn bản tại cơ quan hầu như tới tối mới xong.

“Nói là làm việc hành chính từ 8 giờ đến 17 giờ, nhưng không bao giờ về đúng giờ, thường là muộn hơn vài tiếng”, ông Bùi Công Khanh chia sẻ.

Trước thông tin tăng lương cơ sở từ ngày 1-7, ông Khanh cho rằng, với ông, mặc dù đã qua hơn 10 lần tăng lương, nhưng chưa khi nào mức lương đuổi kịp với giá cả thị trường, mức sống đô thị.

“Năm 2003, mức lương cơ sở là 210.000 đồng, thời điểm đó bát phở 3.000 đồng, lương tháng tính ra mua được 70 bát; đến hiện tại, mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng, trong khi bát phở 35.000 đồng, chỉ mua được hơn 40 bát”, ông Khanh nói, đồng thời cho rằng, cần có giải pháp cải cách chính sách tiền lương làm sao để cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng lương, từ đó mới yên tâm công tác, cống hiến.

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức cần theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình. “Nếu không như vậy thì việc vượt thu ngân sách, hay tăng GDP bình quân đầu người cũng như các thành tựu khác sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Trước khi nghỉ hưu, ông Lê Vĩnh Tân (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cũng khẳng định rằng, phải kiên quyết thực hiện cho được các chế độ tiền lương mới, vì có như thế mới tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, theo các chuyên gia, cần phải có chính sách tiền lương phù hợp mới thu hút, giữ được chân những người tài, những người có năng lực, người thực sự có tâm huyết ở khu vực công. Minh chứng là mới đây, Sở Nội vụ TPHCM báo cáo kết quả thực hiện chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ), cho thấy, từ năm 2018 đến nay, TPHCM chưa thu hút được trường hợp nào sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Nguyên nhân chính của việc không tuyển được sinh viên xuất sắc nào trong 5 năm qua là do chính sách thu nhập, đãi ngộ khu vực công thấp và phải cạnh tranh trực tiếp với khu vực tư nhân.

Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, tình trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực khu vực công mà Bộ Nội vụ cần quan tâm tham mưu giải quyết trước mắt và lâu dài.

Chính sách tiền lương mới từ 1-7 sẽ nâng mức lương cơ bản của cán bộ, công chức. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Chính sách tiền lương mới từ 1-7 sẽ nâng mức lương cơ bản của cán bộ, công chức. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Vô lý mức lương cào bằng

Từ tháng 7-2019 đến nay, do ngân sách khó khăn, tiền lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức chưa được tăng. Từ ngày 1-7 tới, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Mức tăng này cũng chỉ góp phần cải thiện đời sống của người hưởng lương chứ chưa thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), trước giờ, chúng ta khó thực hiện công tác cải cách chính sách tiền lương, bởi tiền lương luôn phải phụ thuộc vào ngân sách.

“Nhưng tôi quan điểm, Nhà nước không có tiền phải đi vay, chứ không phải thu được bao nhiêu chi cho tăng lương bấy nhiêu. Tiền lương phải được coi là đầu tư phát triển. Đầu tư cho con người là đầu tư số một”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói. Người hưởng lương được đảm bảo về vật chất thì họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều và chắc chắn, sự đóng góp của họ đối với những vấn đề phát triển của đất nước sẽ không chỉ gấp đôi, gấp ba, mà còn gấp bội phần.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, tiền lương hiện nay còn rất vô lý ở chỗ cào bằng. Ví dụ trong ngạch chuyên viên, có chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên cũng chưa hẳn chính xác, hay trong sử dụng người tài cũng chưa tới.

“Vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM, cho phép TPHCM trả lương cao hơn, nhưng đó mới chỉ là tăng lương cao hơn một chút, chứ không đủ sức thu hút nhân tài. Tiền lương hiện nay vừa không đúng bản chất của tiền lương, vừa không đảm bảo công bằng về thang, bậc, sự đóng góp đúng năng lực và có thể phá vỡ hệ thống tiền lương”, ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chỉ ra.

Thậm chí, ông cho rằng, tiền lương dứt khoát không thể cào bằng, mà cần “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, phải theo vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm phải xác định rõ nội dung của việc làm đó bao gồm những gì, từ đó tính ra lượng tiêu hao, sức lao động, đóng góp trên cả sức lao động, tiêu hao; đồng thời cần phải phân biệt rất rõ lương của người tài, người giỏi.

Làm trong ngành nội vụ và khá am hiểu vấn đề tiền lương, ông Bùi Công Khanh cho rằng, để có mức lương tăng bền vững, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống hiện nay, trước hết phải tạo nguồn chi trả tiền lương bằng cách thu thuế đúng, thu đủ và tránh thất thu. Đây sẽ là nguồn tiền rất lớn để có thể tính tới cân đối mức lương trong tương lai.

“Mặt khác, phải tinh giản đúng người cần tinh giản, người không đáp ứng được yêu cầu công việc. Những đối tượng cần tinh giản thường cơ quan nào cũng có, chiếm khoảng 30%”, ông Khanh nêu quan điểm.

Một chuyên gia trong ngành nội vụ cũng cho rằng, cần có giải pháp căn cơ hơn để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dựa trên nguyên tắc đảm bảo thực hiện đúng vị trí việc làm và khung năng lực. Ví dụ, đơn vị có 10 người thì chỉ cần 1 vụ trưởng, 2 vụ phó là chuyên viên cao cấp; 3 chuyên viên chính và 4 chuyên viên là đủ. Bởi thực tế, nhiều đơn vị ngoài lãnh đạo là chuyên viên cao cấp thì còn có nhiều người là chuyên viên chính, thậm chí không giữ chức vụ cũng là chuyên viên cao cấp vì họ đủ tiêu chuẩn, rồi cơ quan cử đi học, từ đó làm phát sinh lương không cần thiết, không đúng với danh mục vị trí việc làm…

Tại Thông báo số 50-KL/TW kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Bộ Chính trị) vừa ban hành đầu tháng 3, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; điều chỉnh hợp lý chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị…

Tin cùng chuyên mục