Cải cách chính sách tiền lương - không thể lỗi hẹn thêm - Bài 1: Báo động tình trạng giáo viên chán nghề, bỏ việc

Tiền lương thấp, người hưởng lương ngân sách chưa lo được cuộc sống. Họ phải “chân trong, chân ngoài”, làm thêm đủ kiểu để trang trải cuộc sống.
Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội trong một giờ trên lớp. Ảnh: QUANG PHÚC
Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội trong một giờ trên lớp. Ảnh: QUANG PHÚC

LTS: Từ 1-7, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng. Đây được xem là giải pháp “tình thế, trước mắt” để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Nội vụ, trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Bộ Chính trị vừa có Thông báo số 50-KL/TW kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25-10-2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, Thông báo số 50-KL/TW yêu cầu có lộ trình phù hợp thực hiện chính sách tiền lương. Vấn đề làm sao để đội ngũ công chức, viên chức sống được bằng lương đặt ra từ nhiều năm qua, nay càng bức thiết.

Tiền lương thấp, người hưởng lương ngân sách chưa lo được cuộc sống. Họ phải “chân trong, chân ngoài”, làm thêm đủ kiểu để trang trải cuộc sống. Đặc biệt, với nghề giáo - nghề được coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý - các thầy cô giáo đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của công việc nhưng chế độ thu nhập chưa tương xứng, nhất là giáo viên mầm non.

Ngày đi dạy, tối bán hàng online

Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), chia sẻ, nghề nào cũng cao quý, nhưng “có thực mới vực được đạo”.

“Trong số các nghề thì lương giáo viên mầm non là thấp nhất. Giáo viên của tôi đi dạy đã 6 năm, bằng đại học nhưng chỉ nhận được 3,7 triệu đồng/tháng. Lương thấp, không đủ sống, nhiều cô chọn cách bỏ việc. Những người ở lại thì cũng nặng gánh áo cơm, nên phần nào đó, lòng yêu nghề cũng giảm bớt đi”, cô Phương tâm sự. Đó là chưa kể, nếu giáo viên mầm non hưởng lương hệ đào tạo là trung cấp, cao đẳng thì lương còn thấp hơn nữa. Có những giáo viên mầm non làm cả giờ trông trưa, tổng cộng đến 11 giờ/ngày, nhưng mức lương cũng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

Nhiều giáo viên đang phải sống cảnh “ngày đi dạy, tối bán hàng online”. Lướt qua các mạng xã hội, đâu đâu cũng có thể thấy các cô giáo bán hàng online, từ quần áo, thực phẩm, đồ dùng đến mỹ phẩm, thậm chí cả làm môi giới bất động sản, bán bảo hiểm…, miễn là có thêm thu nhập. Nhiều cô giáo tâm sự, ban đầu, việc phải sử dụng trang cá nhân bán hàng mang đến cảm giác rất “ngại” với học sinh, phụ huynh. Nhưng, vì cuộc sống áo cơm nên đành chấp nhận, tự an ủi miễn là không làm gì trái pháp luật.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, cho hay, tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh miền xuôi đã khó, miền núi còn khó khăn hơn nhiều. Hiện nay, địa phương thiếu nhất là giáo viên mầm non; giáo viên tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Lý do là không có nguồn để tuyển dụng. Vừa qua, tỉnh Lai Châu cần tuyển gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 người. Trong khi đó, hàng năm, số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều. Ngoài lý do thu nhập thấp, áp lực yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, thì với tỉnh miền núi, điều kiện cuộc sống vùng sâu, vùng xa càng khiến nhiều giáo viên nản chí.

Cùng chung tâm tư, nhiều thầy cô cho rằng, khi chưa cải cách được tiền lương thì còn nhiều vấn đề bất cập; vẫn mãi là bài toán “chân trong chân ngoài”, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, tiêu cực…

Cô Nguyễn Thị Vệ, người có thâm niên 27 năm đứng lớp ở huyện miền núi Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chia sẻ, vui vì biết sẽ tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 tới đây, nhưng cũng thấy buồn vì chỉ dạy học thêm 3 năm nữa là về hưu, thời gian thụ hưởng chính sách lương mới không được nhiều. Suốt 27 năm qua, cô Vệ dạy học ở điểm trường Lũng Pô 2 thuộc diện khó khăn của huyện Bát Xát. Những năm đầu, lương không đủ ăn, cơm phải độn khoai, mì.

“Trước kia dạy học xã vùng cao có thêm chế độ thu hút, thâm niên của vùng cao, nhưng hiện tại, xã về vùng 1, mọi chế độ chính sách được áp dụng như thị trấn, lương giảm khoảng 20%, cùng với đó là mất đi phụ cấp thâm niên. Hiện tại, tôi hưởng mức lương ở bậc 8, hệ số 4,32 cũng được hơn 10 triệu đồng. Nói chung là phải tằn tiện để sống, bởi còn đang nuôi con học đại học ở Hà Nội”, cô Vệ nói và nhấn mạnh, đó là mức lương của một cô giáo sắp về hưu, còn với giáo viên trẻ thì lương thấp hơn nhiều.

Cần có Luật Nhà giáo với chính sách tốt hơn

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 2,5 năm qua, hơn 16.000 giáo viên, trong đó 40% là giáo viên mầm non, bỏ việc. Nguyên do chính là áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai phát triển của đất nước. Từ năm 2006 đến nay, đã gần 17 năm và qua nhiều lần tăng lương cơ sở nhưng chính sách ưu đãi phụ cấp cho nhà giáo chưa được xem xét sửa đổi.

Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC
Cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngành giáo dục với một đội ngũ hùng hậu hơn 1,2 triệu giáo viên (trên tổng số hơn 1,7 triệu viên chức của cả nước) và những năm qua, gần như kỳ họp nào của Quốc hội cũng “nóng” về vấn đề chế độ, chính sách liên quan đến nhà giáo. Đòi hỏi phải xây dựng Luật Nhà giáo đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét. Trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, Chính phủ cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, để các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp trồng người.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, sự thành bại của đổi mới giáo dục có vai trò quyết định là ở nhà giáo. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất, trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán số lượng giáo viên thiếu từ nay tới năm 2026, cần phải bổ sung lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc. Nếu như chính sách cho nhà giáo không được giải quyết sớm, tình trạng thiếu giáo viên còn tiếp tục nghiêm trọng hơn. Thực tế, tại nhiều địa phương hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên tiểu học, mầm non rất khó khăn, nguyên do là không có nguồn. Sinh viên học sư phạm ra để thi vào biên chế không dễ, nhiều nơi phải dạy hợp đồng với tương lai bấp bênh, lương lại thấp, nên nhiều dòng họ, gia đình “ra nghị quyết” không cho con em học sư phạm.

Việc người lao động rời bỏ khu vực công là điều hết sức bình thường theo quy luật kinh tế thị trường và quy luật giá trị. Nhưng, đây lại là một điều bất thường khi xảy ra trong một thời gian ngắn, tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 6-2021 đến tháng 6-2022, tức là sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Nhiều thầy cô giáo không chịu được áp lực công việc ngày càng lớn (đòi hỏi của đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; dạy trực tuyến do dịch Covid-19…) trong khi thu nhập không được cải thiện. Điều đó có nghĩa, khi sự chịu đựng đến giới hạn, người ta sẽ lựa chọn con đường rời bỏ. Và thật đáng tiếc, trong số những người rời đi đó, có nhiều thầy cô đã từng gắn bó, tha thiết với sự nghiệp trồng người.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10, 11-2022), chưa bao giờ vấn đề tiền lương “nóng” trên diễn đàn Quốc hội như vậy, bởi thực tế từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022, tổng số công chức, viên chức thôi việc là gần 40.000 người. Số lượng công chức, viên chức nghỉ việc tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực giáo dục, y tế, trong đó giáo dục chiếm phần lớn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Hiện, Bộ GD-ĐT cũng đang dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với 8 mức phụ cấp từ 25%-100%. Cho đến thời điểm này, các giáo viên vẫn đang chờ đề xuất này trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục