Cải cách chính sách tiền lương - không thể lỗi hẹn thêm - Bài 2: Nghề đặc biệt cần có đãi ngộ đặc biệt

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua đã có trên 12.000 cán bộ y tế rời khu vực y tế công lập. Quá tải, thiếu thuốc, kiệt sức… là những điều mà nhân viên y tế phải trải qua, trong khi thu nhập không tương xứng.

Lương bác sĩ không đủ trả giúp việc

Bác sĩ - Thạc sĩ Huyền Nga (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An), cho biết, tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, chị về quê công tác. Vào biên chế bệnh viện (BV) từ năm 2015, đến đầu năm 2023, chị hưởng mức lương 3.0 (một phần nhờ tăng lương trước thời hạn 6 tháng vì đạt thành tích chiến sĩ thi đua cấp cơ sở).

“Lương cứ đều đặn đến hẹn 3 năm tăng 1 lần. Khởi đầu là hệ số lương 2,34, cộng cả phụ cấp nghề y nữa thì sau gần chục năm đi làm, đến nay tôi nhận lương 6,2 triệu đồng/tháng. Mức lương này không bằng lương thuê giúp việc hàng tháng”, bác sĩ Nga chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Huyền Nga, với đặc thù công việc của nghề y vất vả, áp lực công việc nặng nề, lại có con nhỏ, nên không thể không thuê giúp việc với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể ăn ở. Lương chỉ đủ trả giúp việc nên bắt buộc bác sĩ Nga phải đi làm thêm sau giờ làm để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Để vào được ngành y, sinh viên phải đạt điểm đầu vào rất cao, tỷ lệ cạnh tranh lớn, trải qua 6 năm học với học phí không nhỏ. Theo quy định chế độ lương và phụ cấp hiện nay thì một bác sĩ sau khi học 6 năm, 18 tháng thực hành thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập ngay thì được hưởng mức lương là 3,486 triệu đồng/tháng và phụ cấp ưu đãi nghề 40%. Sau khi trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại phí khác, một bác sĩ hưởng lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng, nếu là điều dưỡng thì chưa đến 3 triệu đồng/tháng.

Thu nhập của đội ngũ y tế ở cơ sở chưa tương xứng với lao động. Ảnh: QUANG PHÚC

Thu nhập của đội ngũ y tế ở cơ sở chưa tương xứng với lao động. Ảnh: QUANG PHÚC

“Nghề y được xã hội nhìn nhận là nghề cao quý, nhưng cao quý đến đâu thì cũng cần có tiền để sống. Cuộc sống không chỉ là của cá nhân, mà còn phải lo cho con cái, cha mẹ già. Thực tế cuộc sống “đập vô mặt” khiến ai rồi cũng phải lao đi kiếm thêm thu nhập”, bác sĩ Huyền Nga ngậm ngùi.

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thanh (BV Lao phổi Trung ương), cũng cho biết, nếu chỉ trông vào lương làm ở bệnh viện, kể cả thu nhập tăng thêm thì không thể đủ sống, nên 100% bác sĩ phải đi làm thêm ở phòng khám bên ngoài. “Nhiều khi phải đắn đo rất nhiều trước những lời chào mới từ BV tư, khi họ đưa ra mức lương hấp dẫn và sự tự chủ cao cho bác sĩ”, bác sĩ Hoàng Thanh cho biết.

"Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên, tôi thấy rất đau lòng. Cán bộ mới ra trường chỉ nhận được tiền lương mỗi tháng trên dưới 3 triệu đồng. Các bạn trẻ sẽ sống kiểu gì?"

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện công đều ở trong tình trạng quá tải. Ở nhiều BV, y bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày, mỗi bác sĩ có thể khám vài chục, thậm chí là cả trăm bệnh nhân, vô cùng mệt mỏi. Khi dịch Covid-19 ập đến, áp lực đó càng khủng khiếp, nhất là lực lượng y tế cơ sở, khiến cho họ gần như kiệt sức, “đổ gục”. Trong khi đó, lương của nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

GS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cũng cho biết, mỗi ngày có 8.000-10.000 người dân đến khám ở BV, số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày. Là BV tự chủ chi thường xuyên, khó khăn về tài chính khiến trong 3 năm qua, nhân lực BV Bạch Mai giảm trầm trọng.

“Hiện nay, cứ có BV tư nhân nào mới thành lập, hoặc là những khoa mới thành lập của BV công nào đó là cán bộ BV Bạch Mai lại rục rịch xin sang. Chúng tôi đang hết sức lo lắng khi đến ngày 1-7, bắt đầu chi theo lương mới thì BV Bạch Mai chưa chắc đã đủ chi lương cho cán bộ nhân viên”, Giám đốc BV Bạch Mai tâm sự.

Bác sĩ Trần Khánh Thu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, cho hay, ngành y tế đặt ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 đạt 12 bác sĩ/10.000 dân, trong khi năm 2022 ước tính mới đạt 10 bác sĩ/10.000 dân. Nếu không có giải pháp căn cơ để hạn chế ngay tình trạng nhân viên nghỉ việc thì ngành y tế sẽ rất lao đao, bởi đào tạo được một cán bộ y tế giỏi không phải là một sớm một chiều.

Chưa làm đến nơi, đến chốn

Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ rõ, cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc có nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế công lập thấp, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế nào để giữ chân cán bộ.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, thầy thuốc chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng vấn đề cải cách tiền lương của chúng ta chưa làm đến nơi, đến chốn. Ngành y tế là ngành đặc thù, đào tạo dài, học để trở thành nghề bác sĩ mất gần chục năm, nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính - những nghề đào tạo thời gian ngắn. Đó là điểm bất hợp lý.

Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, năm 2022, BV thực hiện hơn 79.000 ca mổ, một khối lượng công việc rất lớn mà không có nhiều BV trên thế giới có thể làm được. Công việc quá tải nhưng y bác sĩ cũng không có chế độ ưu đãi thêm. “Bác sĩ giỏi rời BV công không những ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh cho người nghèo, mà còn ảnh hưởng lâu dài cho những thế hệ sau, khi các em sinh viên, các bác sĩ trẻ không còn thầy giỏi để học khi về BV công”, GS-TS Trần Bình Giang tâm tư.

“Y tế là ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan điểm của tôi là phải điều chỉnh phụ cấp cho ngành y tế càng sớm càng tốt trong thời điểm này. Đó là việc trước mắt, về lâu dài, phải cải cách tổng thể chính sách tiền lương của ngành y tế”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định tăng phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%. Điều này cũng phần nào “an ủi” lực lượng này. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong rất nhiều giải pháp, cần triển khai để bảo đảm mức lương, phụ cấp thỏa đáng cho nhân viên ngành y tế. Ngoài chính sách lương, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu; xây dựng thông tư về cơ chế xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập.

Với cơ chế tự chủ này, các BV sẽ có điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân viên y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường. Chỉ khi giải quyết được các vấn đề cốt lõi này thì mới bảo đảm chế độ cho y bác sĩ.

Nghị quyết số 20 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, y đức, cần được tuyển chọn đào tạo, cần có đãi ngộ đặc biệt.

Tin cùng chuyên mục