Cải cách tài chính để tăng vị thế cạnh tranh

Bộ Tài chính Anh vừa công bố các kế hoạch cải cách ngành tài chính, theo đó buộc các ngân hàng phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định đưa ra; đồng thời nới lỏng quy định về vốn đối với các ngân hàng nhỏ, mục đích nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Anh, đảm bảo sự tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Sở Giao dịch chứng khoán London
Sở Giao dịch chứng khoán London

Cũng theo Bộ Tài chính Anh, kế hoạch nhằm bảo vệ nền móng tạo nên thành công của Anh là trở thành một trung tâm dịch vụ tài chính với các yếu tố dịch vụ nhanh, tiêu chuẩn cao và cởi mở. Kế hoạch cải cách còn bao gồm rà soát các quy định về bán khống chứng khoán, cáo bạch của các công ty khi niêm yết và một kế hoạch cải cách những quy định được áp dụng khi Anh vẫn thuộc Liên minh châu Âu (EU). Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Andrew Bailey từng khẳng định, các quy định hiệu quả và việc đảm bảo tài chính ổn định là yếu tố cần thiết để Anh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Hiện Chính phủ Anh đang chịu nhiều sức ép trong việc nới lỏng các quy định tài chính trong bối cảnh Anh rời EU (Brexit) khiến nước này chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, London đã mất vị thế trung tâm giao dịch cổ phiếu hàng đầu của châu Âu về tay thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Thị trường tài chính Anh hiện vẫn đang chờ đợi những hiệu quả chính sách kinh tế đầu tiên dưới thời Thủ tướng Sunak. Giới phân tích dự báo, nhà lãnh đạo mới sẽ phải mất nhiều thời gian để khôi phục niềm tin của giới đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường tài chính là điều khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn.

Đầu tư kinh doanh của nước Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn Đức, Pháp và Italy. Sự không chắc chắn và bất ổn chính trị trong quá trình đàm phán với EU đã khiến khu vực tư nhân giảm chi tiêu vốn ở Anh. Đầu tư đã tụt hậu so với tất cả nền kinh tế tiên tiến của nhóm G7 kể từ cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU năm 2016. Tuy nhiên, Anh có tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ hai trong số các nền kinh tế lớn nhất EU, sau Đức. Nước này có tốc độ tạo ra việc làm liên tục mạnh hơn EU nhờ thị trường lao động linh hoạt.

Giới chức Ngân hàng Trung ương Anh từng nhiều lần khẳng định, Brexit đang làm tổn hại nền kinh tế nước này. Bà Swati Dhingra, thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, khẳng định, không thể phủ nhận thương mại của Anh đang giảm sút hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới, nguyên nhân là do Brexit. Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do người dân phải thắt lưng buộc bụng vì giá năng lượng và hàng hóa tăng cao. Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 1989, nhằm tránh lạm phát 2 con số.

Ước tính sơ bộ của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, tăng trưởng GDP nước này giảm 0,2% trong quý 3 (quý 2, kinh tế Anh cũng giảm 0,1%). Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều chậm lại. Sản xuất giảm 1,5%, với sản lượng đi xuống ở cả 13 phân ngành của lĩnh vực này. Nền kinh tế của Anh hiện có quy mô nhỏ hơn so với trước đại dịch. Đây cũng là nền kinh tế G7 duy nhất chưa phục hồi hoàn toàn sau đợt sụt giảm vì Covid-19. Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation cho biết, sự sụt giảm trong quý 3 ít hơn mức mà các nhà đầu tư lo ngại, nhưng nó đã khiến nước Anh tiến đến suy thoái nhanh nhất kể từ giữa những năm 1970.

Tin cùng chuyên mục