
Đối phương từng gọi ông một cách kính trọng là “ông trùm của thế giới gián điệp”. Trong suốt 30 năm, ông là người lãnh đạo tình báo Đông Đức, một trong những cơ quan tình báo hùng mạnh và hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Nhân vật đầy huyền thoại này đã qua đời lặng lẽ vào ngày 9-11-2006 ngay trong giấc ngủ tại nhà riêng ở tuổi 83… Xin giới thiệu một số đoạn trích trong hồi ký của ông, Markus Wolf.
- Thâm nhập

Cho đến đầu những năm 1970, bộ phận tình báo chuyên trách về Mỹ của chúng tôi đã cố gắng cùng với bộ phận khoa học kỹ thuật để triển khai các hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ. Các ứng cử viên với một nửa tiểu sử thực dưới dạng các điệp viên nước đôi ban đầu cần phải tới Nam Phi, châu Mỹ latin hay Australia để sống ở đó một thời gian trước khi tới được mục tiêu là nước Mỹ.
Phần nhiều những nhận thức của tôi về nước Mỹ chủ yếu có được qua hai người mà tôi đặt nhiều tình cảm và niềm tin qua các lợi ích chung trong lĩnh vực tình báo. Họ là những điệp viên đầu tiên của tôi ở nước Mỹ và cũng chưa bao giờ bị phát hiện. Cả hai đều sinh ở Đức, đều là người Do Thái, ủng hộ phong trào cộng sản và buộc phải chạy khỏi đây vì sự khủng bố của bọn phát xít. Một người là nhà kinh tế học, còn người kia là luật sư. Cả hai đều được Cục Tình báo chiến lược, tiền thân của CIA, tuyển mộ.
Chúng tôi phải qua người bạn học để tiếp xúc với Maler (biệt danh là họa sĩ). Maler không phải là người theo chủ nghĩa giáo điều, tuy nhiên ông vẫn là một người cộng sản cương quyết. Trong lĩnh vực chuyên môn ban đầu của mình là kinh tế, ông đã phê phán thẳng tay hệ thống kinh tế được áp dụng tại CHDC Đức và Liên Xô đồng thời chứng minh rằng thực tế của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” là xa rời đối với sự áp dụng và phát triển của học thuyết Karl Max. Ông có những người bạn có nhiều ảnh hưởng và cũng vì quyền lợi của chúng tôi, ông đã quan hệ được với viên đại sứ Mỹ tại Bonn và viên công sứ tại Tây Berlin. Một trong những nguồn tin của ông là Ernst Lemmer, bộ trưởng về các vấn đề chung của nước Đức. Trong các chuyến đi của mình tới CHLB Đức, ông đã nhận được các thông tin chi tiết từ người này. Maler cho tôi thấy rõ các mối quan hệ của Lemmer với các cơ quan mật vụ khác nhau tại Thụy Sĩ, với các cơ quan của phương Tây và với cả KGB.
- Hai nguồn tin quý giá
Maler cương quyết từ chối các phương tiện kỹ thuật và việc liên lạc qua các giao thông viên. Ông ghi các báo cáo và phân tích chung của mình lên phim. Ông không bao giờ nhận tiền cho hoạt động của mình ngoài những khoản chi phí về đi lại. Ông là con người cẩn thận nhưng không bao giờ nhút nhát. Khi chúng tôi đề nghị ông lôi kéo những đứa con của mình vào hoạt động, ông đã kiên quyết từ chối.
Nếu như Maler tận dụng các cuộc tiếp xúc của mình trước tiên là ở CHLB Đức thì Clivia (bí danh của điệp viên lưu vong là luật sư) lại nắm rất rõ về đời sống chính trị trong nội bộ nước Mỹ. Ông là người dễ bị kích động hơn so với Maler và thường lo lắng về an toàn của mình đến mức nhút nhát. Đây có thể là hậu quả từ những ấn tượng của các cuộc thẩm vấn trong ủy ban về các hoạt động chống Mỹ dẫn tới việc ông bị sa thải khỏi cơ quan quốc gia. Clivia thu thập được một bộ sưu tập phong phú, trong đó chứa các văn kiện của vụ án về các nhân vật ngoại giao phát xít, các vụ của Chruppa, Reakling và cả vụ của Eichman tại Jerusalem mà ông tham gia. Trong thời gian vụ Nuremberg, ông có trong thành phần của nhóm công tố viên và từ lúc này, một trong những mục tiêu chủ yếu của ông là ngăn chặn sự lan tràn lại của chủ nghĩa phát xít tại Tây Đức.
Việc hợp tác với Clivia được sắp đặt phức tạp hơn so với Maler. Do ông ta sống ở Đức và lấy vợ Đức, người mà theo ý kiến của ông ta là không cần phải biết ông đang làm việc cho chúng tôi. Mỗi một chuyến đi của ông ta trở thành một chủ đề được bàn bạc chi tiết. Cần phải nghĩ ra tình trạng ngoại phạm cho vợ ông ta và nguyên nhân của việc thăm viếng từng người cộng tác một. Ngoài những vấn đề trên, còn có vấn đề về tài chính. Nói một cách ngắn gọn, trong đầu ông ta không bao giờ được yên ổn, luôn tồn tại sự mâu thuẫn giữa động cơ và tình cảm. Tuy nhiên, tin tức của ông ta, đặc biệt là vào những năm khủng hoảng 1961 - 1962, có giá trị quan trọng để đánh giá chính sách của nước Mỹ.
LINH NGA tổng hợp
Markus Wolf chào đời năm 1923 trong một gia đình cộng sản tại Hechingen (Tây Nam nước Đức). Từ năm 1951, Markus trở thành nhân viên của tình báo CHDC Đức trước khi trở thành người đứng đầu cơ quan này trong một giai đoạn dài từ 1958 cho đến 1987. Trước năm 1978, phương Tây thậm chí không có nổi một tấm hình của viên tướng tình báo huyền thoại này và chính vì vậy ông được họ mệnh danh là “Con người giấu mặt”. Markus đã điều hành cả một mạng lưới điệp viên khổng lồ ước tính tới 4.000 người, xâm nhập được vào mọi cơ quan hàng đầu của phương Tây để khai thác thông tin, kể cả trụ sở của NATO hay văn phòng thủ tướng Tây Đức… Các điệp viên của Markus hoạt động hiệu quả đến nỗi, nguyên thủ Erich Honecker của CHDC Đức thường xuyên có được các báo cáo mật hàng tuần của Cơ quan Tình báo Tây Đức, trước khi thủ tướng nước này có thể đọc chúng. |
Thông tin liên quan |
- Bài 2: Những cú sốc - Bài 3: “Quặng” thông tin từ quê nhà - Bài 4: Đối đầu trên mặt trận phản gián |