Cải thiện môi trường đầu tư: Có quyết tâm nhưng thiếu chế tài

Năm 2021, TPHCM triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho thấy vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt, PCI TPHCM vẫn thấp so với nhiều địa phương trong nước.

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, về vấn đề liên quan. 

Cải thiện môi trường đầu tư: Có quyết tâm nhưng thiếu chế tài ảnh 1 PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

Phóng viên: Đầu năm 2021, UBND TPHCM ban hành nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả theo khảo sát của VCCI vẫn chưa khả thi. Ông có thể cho biết nguyên nhân? 

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Năm 2021, TPHCM xác định là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Lãnh đạo TPHCM cũng không chấp nhận tình trạng năng lực cạnh tranh chưa cao, nhất là khi khu vực dân doanh chiếm 70% nguồn lực đầu tư, nhưng vướng thủ tục hành chính, không kêu gọi được sức dân. Trên tinh thần đó, hàng loạt giải pháp đã được triển khai. 

Đó là, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của UBND TPHCM, ban hành tại Quyết định số 63 ngày 23-12-2016. Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra. Nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay; trên 80% các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn từ 96%, mỗi năm tiếp theo tăng 1%. 

Trên 60% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của TPHCM đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đối với các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, như Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở TN-MT… phải đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Để hiệu quả triển khai cao, cùng với giải pháp là công tác hậu kiểm và chế tài những cơ quan chức năng, địa phương chưa thực hiện tốt. Hiện UBND TPHCM giao cơ quan chuyên môn, trong đó có Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, thực hiện điều tra độc lập để đề xuất hướng xử lý. Không dừng lại đó, trong năm 2022, TPHCM đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử, kết hợp nâng cấp dịch vụ công cấp độ 4 để minh bạch thông tin, quy trình xử lý hồ sơ với doanh nghiệp, người dân… Quan trọng nhất là minh bạch để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được sự hỗ trợ, hạn chế tiếp xúc người với người để giảm nhũng nhiễu.
Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong hệ thống quản lý của TPHCM vẫn còn, có sự chồng chéo trong công tác quản lý giữa TPHCM và một số bộ ngành chuyên môn, nên hiệu quả cải cách thủ tục hành chính không cao. Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này? 
Trước hết, các sở ngành phải tôn trọng thời gian được quy định giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. TPHCM đang triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về gắn trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nhằm thúc đẩy sự thay đổi. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng thể chế, thủ tục, quy định của luật còn nhiều vướng mắc, bất cập. Hy vọng những vấn đề này sẽ sớm được Quốc hội sửa đổi. 

Riêng tình trạng chồng chéo trong quản lý giữa cấp bộ và địa phương, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng về việc đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương. Thủ tướng ủng hộ và nhấn mạnh quan điểm là đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương. Riêng với TPHCM, hiện có 1/3 số doanh nghiệp của cả nước đang hoạt động, do vậy, sự quá tải nhiều lúc khiến các các sở ngành, quận huyện giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp chậm, chứ không hẳn là tiêu cực. Để cải thiện vấn đề này, thời gian qua, thành phố phải phân cấp quản lý mạnh cho các quận huyện nhằm cải thiện tình trạng trên.

Để cải thiện những tiêu chí chưa được tốt trong đánh giá PCI của TPHCM, tập trung các vấn đề như hỗ trợ vốn, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thực hiện chính quyền số, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và nâng chất đào tạo nguồn nhân lực, thành phố cần đẩy mạnh những giải pháp nào? 

PCI đo lường hiệu quả của bộ máy chính quyền trong quản trị và hành chính công, thông qua đánh giá của doanh nghiệp dựa trên trải nghiệm thực tiễn hoạt động của họ. PCI cũng cung cấp dẫn chứng để người dân, doanh nghiệp, xã hội sử dụng chứng minh và đề xuất chính quyền cấp tỉnh đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Việc này đòi hỏi sự đồng bộ nhưng dịch vụ công trực tuyến là quan trọng nhất. Muốn vậy, Chính phủ cần phải dành khoản ngân sách nhất định để đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển… cho thành phố. Đồng thời dành một nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Về phía nội tại, TPHCM sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng cơ sở dữ liệu chung, số hóa và kết nối chia sẻ với doanh nghiệp, tạo môi trường minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, có những dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn có thể triển khai, nhưng các cơ quan chức năng liên quan của thành phố vẫn không thực hiện mà yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trực tiếp. Theo ông, làm thế nào để có thể chấm dứt tình trạng trên? 

Thực tế cho thấy, nhiều sở ban ngành và quận huyện vẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến và trực tiếp. Điều này gây khó và lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc thực hiện dịch vụ công trực tiếp sẽ không giảm được khả năng tiếp xúc người với người nên khó tránh không có tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nhận thấy vấn đề này, vừa qua UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM xây dựng đề án cải thiện Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) trình TPHCM phê duyệt tháng 6-2022. Mặt khác, phối hợp với Sở Nội vụ đánh giá kết quả thực hiện DCCI của các quận huyện. Đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực cấp trưởng, cấp phó địa phương. 

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nếu chỉ thành phố cố gắng là chưa đủ. Doanh nghiệp cũng phải hợp tác, mạnh dạn đấu tranh với nhũng nhiễu của cán bộ; phản ánh với lãnh đạo thành phố để có cơ sở xử lý. Lãnh đạo thành phố cần xử lý mạnh những cán bộ “hành” dân, “hành” doanh nghiệp. Những khu vực nào hay bị phản ánh nhũng nhiễu thì chủ động thay đổi, điều chuyển cán bộ. 

Hơn 90% số doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng những chính sách hỗ trợ vừa qua chưa phù hợp. Theo ông, giải pháp nào trong thời gian tới cần triển khai để phát huy nguồn lực những doanh nghiệp này?

Trước hết, cần nâng cao vai trò các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, nhất là vai trò tổng hợp các vướng mắc và kết nối, chuyển tải thông tin của doanh nghiệp kịp thời đến lãnh đạo TPHCM. Các hiệp hội phải đổi mới cách làm theo hướng chủ động hơn, tránh tình trạng hiệp hội chỉ có mỗi cái “danh”. 

Thành phố cần thành lập tổ công tác chuyên hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, ở nhiều nước, doanh nghiệp chỉ lo vốn, tiền…, còn chính quyền lo toàn bộ thủ tục cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ triển khai cách làm này đến các quận huyện. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần thông báo đến cơ quan công quyền, bộ phận hành chính công sẽ thực hiện, hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố cần phát huy hiệu quả vai trò các phòng kinh tế quận huyện để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh thủ tục hành chính.

Ngoài ra, cần ban hành công tác thi đua khen thưởng giữa các quận huyện trong phục vụ doanh nghiệp… Trường hợp quận huyện không thực hiện, phải có biện pháp chế tài. Có như vậy mới tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư nhanh, hiệu quả trong thời gian tới và thành phố mới nâng cao giá trị thương hiệu của mình, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước và trung tâm đầu tư của khu vực. 

Tin cùng chuyên mục