Sau ấn tượng về nụ cười Trung Hoa ở lá thư đầu tiên, tôi đã suy nghĩ nhiều lắm về hình ảnh đóa hoa cẩm chướng đẹp kiêu sa mà người Trung Quốc dùng để tượng trưng cho sự phồn thịnh để so kè bên cạnh những cái hàng rào an ninh được siết rất nghiêm ngặt tại Á vận hội đang chuẩn bị diễn ra tại Quảng Châu.
o0o
Quảng Châu những ngày này đi đâu cũng thấy hoa. Có lẽ như muốn chứng minh cái tên thành phố hoa không phải ngẫu nhiên mà có, nên giới chức thành phố Quảng Châu đã càng cố công tôn tạo cho tất cả những con đường lẫn những quảng trường ở nơi đây luôn rực rỡ sắc màu của muôn hoa. Đặc biệt, hoa cẩm chướng được xem là chủ đạo, các nghệ nhân đã dùng loại hoa này để tạo hình nghệ thuật cho rất nhiều công trình có dính dáng đến Asian Games.
Hỏi một người bạn tại sao lại dùng cẩm chướng mà không phải là hoa hồng, hay những loại hoa khác thì anh ấy cho biết, hoa cẩm chướng ở đây giữ được hương sắc rất lâu, nên dễ sử dụng để làm các loại hình nghệ thuật, đồng thời ý nghĩa của loại hoa này tượng trưng cho tình bạn thắm thiết, đặc biệt với người Trung Hoa, nó tượng trưng cho sự phồn thịnh. Chính vì thế, người Quảng Đông chọn loại hoa này để tạo hình nghệ thuật, đồng thời cũng muốn chứng tỏ, thành phố này đang ngày càng phát triển và phồn thịnh chẳng kém gì những nơi khác trên đất nước Trung Quốc. Người Hoa quả có khác, làm gì cũng tính toán chi li, ngay cả chọn hoa làm biểu tượng cũng phải có ý nghĩa trước sau thì mới vừa lòng.
o0o
Bên cạnh ấn tượng về một thành phố hoa, với rợp sắc màu đủ loại của cẩm chướng, người viết và hầu hết các đồng nghiệp trong nước lẫn quốc tế càng ấn tượng hơn với việc bảo vệ an ninh của BTC đại hội. Có lẽ chưa đại hội nào việc bảo vệ an ninh nhiêu khê như ở đây. Khi đến trung tâm báo chí lẫn các địa điểm thi đấu và tập luyện của đại hội, việc kiểm tra có thể nói còn kinh khủng hơn cả ở sân bay quốc tế.
Muốn vào những nơi này, trước hết, bạn phải đặt thẻ tác nghiệp vào một cái bảng điện tử được cài đặt sẵn. Nếu thẻ bạn được nhận diện chính xác và cho phép vào tất cả các nơi thi đấu, khi ấy bạn sẽ được mời tiếp vào vòng trong, rồi cho tất cả máy móc, thiết bị hành nghề qua một máy soi như tại sân bay. Còn nếu thẻ chỉ được tác nghiệp ở từng môn (chẳng hạn đăng ký chỉ làm môn bóng đá, karatedo…) thì chỉ được tác nghiệp đúng ở nơi thi đấu môn ấy, những nơi khác không được vào và không hề có sự du di thông cảm, một số phóng viên Việt Nam đã bị trường hợp này ở sân bóng đá nam giữa Việt Nam - Bharain chiều qua.
Ở vòng kiểm tra thứ 2, khi máy móc của bạn đang qua máy soi, bạn phải leo lên bục cho nhân viên rà soát quanh người xem có chứa vũ khí hay vật dụng nguy hiểm không, thậm chí bật lửa cũng bị tịch thu. Chưa hết, túi xách sau khi qua máy soi lại phải được mở ra cho các nhân viên dòm ngó. Nếu là máy ảnh thì phải bấm chụp lách tách để chứng tỏ rằng đó là… máy ảnh, chứ không phải súng. Còn máy tính phải mở ra khởi động để họ tin chắc đó là máy tính (!?).
Việc kiểm tra an ninh có phần thái quá như thế khiến các thành viên tham gia đại hội bắt đầu ngán ngẩm và đã có những ý kiến phản đối. Cũng đúng thôi, với những ngày đầu, khi thành viên của các đoàn thể thao chưa sang ồ ạt, cũng như các môn thi đấu chưa diễn ra đồng loạt, thì một người mất hơn 5 phút để kiểm tra an ninh là đã bực bội và tốn nhiều thời gian lắm rồi, vì phải xếp hàng từng người một. Những ngày tới, khi các môn thi đấu ào ạt thì việc kiểm tra an ninh như thế, có lẽ sẽ là một “tai họa” cho cánh phóng viên lẫn các thành viên tham dự. Bởi cứ mỗi lần quay ra có việc và quay vào, lập tức bị kiểm tra lại từ đầu…
o0o
Chiều qua, khi tìm đường đến sân vận động Quảng Châu, nơi đội Olympic Việt Nam thi đấu cùng đối thủ Bharain, các phóng viên đã phải đi mất một vòng sân vận động để tìm đúng cửa ra vào, vì các tình nguyện viên “đông như quân Nguyên” như chỉ toàn nói tiếng Hoa và cứ chỉ đông, chỉ tây loạn cả lên. Sau một hồi bị chỉ lòng vòng, chúng tôi cũng đã tìm đúng cửa để vào. Vậy nhưng, sau khi qua 3 vòng kiểm tra an ninh mất gần 7 phút mỗi người, các phóng viên lại phải làm một tờ khai thì mới chính thức được “cho” vào sân. Đó là chúng tôi có thẻ tác nghiệp hẳn hoi, trong khi đó, gần đến giờ thi đấu mà bên ngoài sân từng hàng khán giả vẫn xếp hàng rồng rắn để chờ kiểm tra an ninh. Chưa kể trận đấu chiều qua, khán giả đến sân không đông lắm, nhưng có lẽ phải đến gần hết hiệp 1 thì số khán giả ấy mới được kiểm tra xong để yên vị trên khán đài. Chẳng biết những ngày tới, khi có đội chủ nhà thi đấu, với vài chục ngàn người có mặt, chẳng lẽ hết trận đấu mà mọi người vẫn chưa thể vào sân?!
Tự nghiên ngẫm nghĩ lại, thấy cái hàng rào an ninh nhiêu khê ấy đang khiến những cánh hoa cẩm chướng rực rỡ tại Quảng Châu bỗng dưng nhạt màu đi nhiều lắm…
ĐỖ TUẤN
>> Thư Quảng Châu: Nụ cười Trung Hoa