1. Hổm rày, báo chí bàn tán nhiều về việc cần thiết triệu tập các cầu thủ ngoại nhập tịch vào đội tuyển quốc gia trước khi giải Đông Nam Á khởi tranh. Đối với bóng đá Việt Nam, đó quả là một điều lạ. Trên thế giới, việc các cầu thủ ngoại nhập tịch đứng chân trong đội tuyển bóng đá quốc gia là chuyện đương nhiên, không có gì để bàn cãi. Ngay ở một quốc gia có tinh thần dân tộc cao như nước Đức, bây giờ trong đội tuyển của họ cũng đã xuất hiện không ít tuyển thủ có gốc gác nước ngoài. Về mặt luật pháp, một người nước ngoài đã nhập quốc tịch được xem như công dân bản địa, có mọi nghĩa vụ và hưởng mọi quyền lợi như các công dân khác, kể cả quyền được triệu tập vào đội tuyển quốc gia ở bất cứ môn thể thao nào.
2. Có một thời, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xem chuyện triệu tập các ngoại binh nhập tịch vào đội tuyển quốc gia như là chuyện đương nhiên khi các cầu thủ Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Kesley Huỳnh Alves... lần lượt xuất hiện trong đội hình tuyển Việt Nam trong các giải đấu và rõ ràng sự có mặt của các tuyển thủ này đã giúp cho chất lượng đội tuyển tốt hơn nhiều. Đùng một cái, VFF ngoảnh mặt với các ngoại binh nhập tịch (mà trên thực tế bây giờ họ đã là công dân Việt Nam) mà không một lời giải thích. Tất nhiên giới chuyên môn thừa biết đây không phải là một động thái nhằm bảo vệ bản sắc của đội tuyển quốc gia (nếu nhìn cuộc sống dưới nhãn quan đó, các đội tuyển Đức, Pháp, Anh, Hà Lan... đều mất hết bản sắc từ lâu; chưa kể HLV Calisto ý thức rất rõ việc sử dụng cầu thủ ngoại nhập tịch với tỷ lệ như thế nào là hợp lý).
Xét về tính thời điểm, việc VFF phớt lờ các cầu thủ có gốc nước ngoài chỉ nhằm đối phó với phong trào nhập tịch ngoại binh ồ ạt của các câu lạc bộ ở V-League. Bằng thái độ đó, lãnh đạo VFF ngầm đưa ra thông điệp rằng họ sẽ không sử dụng các ngoại binh nhập tịch “vì tiền” chứ không phải “vì yêu đất nước Việt Nam”. Về lý thuyết, VFF có quyền suy nghĩ như thế, nhưng thực tế thì những Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La... đã trở thành công dân Việt Nam trước khi việc nhập tịch ngoại binh trở thành cao trào, chưa kể Kesley Huỳnh Alves là một chàng rể Việt Nam chính hiệu
3. Cách hành xử “quơ đũa cả nắm” này của VFF có thể gọi là “ném chuột mà không sợ vỡ bình”. Trong khi vấn nạn nhập tịch ngoại binh ồ ạt (để lách qua quy định về chỉ tiêu sử dụng cầu thủ ngoại) của các câu lạc bộ và việc triệu tập các ngoại binh có chất lượng chuyên môn tốt là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Rất tiếc, vì thiếu khôn ngoan VFF đã dùng một phép tính để giải hai bài toán khác nhau. Hệ quả là họ đã đối xử không công bằng với các công dân Việt Nam có gốc gác nước ngoài và cái cách từ chối triệu tập những Đinh Hoàng La, Kesley Huỳnh Alves mà không buồn giải thích cho thấy sự thiếu lý lẽ lẫn tính chính đáng của VFF.
Ở đây cũng cần nói thêm về tiêu chí không cần thiết khi đề cập đến việc sử dụng các cầu thủ ngoại nhập tịch: “có đạo đức, tác phong và hết lòng vì màu cờ sắc áo quốc gia”, cứ như thể hễ là cầu thủ ngoại nhập tịch thì thế nào cũng “không có đạo đức, tác phong” và “không hết lòng vì màu cờ sắc áo quốc gia” trong khi những điều đó phải được xem là tiêu chí chung cho bất cứ tuyển thủ nào, và trên thực tế không ít tuyển thủ quốc gia thuần Việt không những vi phạm đạo đức tác phong mà cũng chẳng hết lòng cống hiến cho đội tuyển quốc gia như chúng ta từng biết.
4. Rất may, thông tin về việc Philippines, Indonesia nối gót Singapore đưa các cầu thủ ngoại nhập tịch vào đội tuyển quốc gia để chuẩn bị chinh chiến ở AFF Cup đã khiến lãnh đạo VFF giật mình nghĩ lại. Bên cạnh đó, việc các chân sút chủ lực của đội tuyển Việt Nam lần lượt gặp chấn thương khiến chất lượng đội tuyển suy yếu buộc lãnh đạo VFF phải xem xét lại quan điểm từ chối triệu tập cầu thủ ngoại nhập tịch vào đội tuyển quốc gia.
Mới đây, chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã công khai ý định đó với sự hoan nghênh của HLV trưởng đội tuyển quốc gia Calisto và giới chuyên môn. Như vậy, người hâm mộ bóng đá nước nhà cần phải cảm ơn tình thế. Nếu không rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, bóng đá Việt Nam với chính sách “bế môn tỏa cảng” của mình có lẽ sẽ tiếp tục đi ngược với xu thế chung của bóng đá thế giới trong một thời gian nữa...
Chu Đình Ngạn