Có thể nói, thành tựu trong lĩnh vực tế bào gốc đã tạo nên những bước tiến lớn trong việc điều trị những căn bệnh nan y của con người. Tại Việt Nam, tế bào gốc đã được sử dụng để ghép tạo tế bào máu, ghép tủy… cũng như điều trị các bệnh lý về máu, tim, da, bại não, thoái hóa khớp… Đến nay cả nước hiện đang có 32 đơn vị đến từ 20 bệnh viện, trường đại học, viện... đang nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc vào điều trị.
Cụ thể tại TPHCM có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện Mắt TPHCM và Hà Nội có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Học viện Quân y...
Dầu lĩnh vực tế bào gốc ở Việt Nam đang có những sự chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn khá mới mẻ và gặp nhiều thách thức và việc ứng dụng các thành tựu trong lĩnh vực tế bào gốc ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề về nhân lực. Cả nước hiện chỉ có khoảng 300 người làm trong những lĩnh vực liên quan đến tế bào gốc. Trong số đó, số người được đào tạo chính quy, bài bản không nhiều và số lượng bác sĩ tế bào gốc cũng còn quá ít, ảnh hưởng đến việc ứng dụng và tính thực tiễn trong các công trình nghiên cứu.
Tại hội thảo về tế bào gốc vừa được tổ chức tại Trường Đại học KH tự nhiên TPHCM cho thấy, hiện nay vẫn chưa biết đến dịch vụ lưu trữ tế bào gốc, dù đây là một phương pháp “bảo hiểm” cho tương lai hết sức hiện đại, hiệu quả và chi phí cũng không phải quá cao. Các số liệu từ hội thảo này còn chỉ rõ trong vòng 10 năm qua, chỉ khoảng 10.000 mẫu tế bào được gửi tại các ngân hàng tế bào gốc, tương ứng với 0,05% lượng dân số sinh ra mỗi năm.
Trong khi đó, theo TS Phạm Văn Phúc, Phó phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, kỹ thuật tế bào gốc hiện nay ở nước ta vẫn còn khá lạc hậu, chắp vá và thiếu nền tảng khoa học vững chắc. Việc lưu trữ, sử dụng tế bào gốc người chủ yếu vẫn dùng các thành phần có nguồn gốc từ động vật. Điều này đã làm hạn chế khá nhiều công dụng kỳ diệu của tế bào gốc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Nhưng đây chưa phải là khó khăn lớn nhất, thực tế còn thấy, các nhà khoa học nước ta đã tiếp cận và bắt đầu làm chủ các công nghệ nền cơ bản trong nghiên cứu tế bào gốc nhưng chưa thật sự làm chủ các công nghệ tạo nguồn tế bào gốc qua phương pháp tái lập chương trình; công nghệ thu nhận tế bào gốc thần kinh và tế bào gốc từ một số cơ quan khác; công nghệ tạo tế bào gốc nhân tạo; sử dụng tế bào gốc phôi...
Các nhà khoa học trong nước đã và đang thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc cấp Nhà nước, cấp Bộ Y tế… Các đề tài nghiên cứu ứng dụng gồm: Sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị nhồi máu cơ tim, bệnh giác mạc, các tổn thương cơ xương khớp, ung thư buồng trứng, ung thư vú và biệt hóa tế bào gốc sinh tinh thành tinh trùng để điều trị vô sinh ở nam giới… |
KIM THANH