Cần công khai về chủ trương thoái vốn nhà nước

Ngày 11-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các khó khăn vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ và kiến nghị đề xuất.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), 2 chức năng chính của SCIC là tiếp nhận DN và đầu tư đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều vướng mắc do mâu thuẫn giữa các quy định hiện hành. Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, nếu xác định đủ cơ chế và đúng chiến lược hoạt động, SCIC sẽ hoạt động tốt bởi mô hình hiện nay là phù hợp. Nhưng nếu bó buộc, hoạt động như một tổng công ty nhà nước bình thường thì trong “chiếc áo chật” đó, SCIC rất khó nâng cao hiệu quả. 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, SCIC cần hoàn thiện định hướng chiến lược để phát triển cho trúng, đúng, nâng cao vị trí, vai trò của SCIC trong hệ thống DN nhà nước nói riêng, ngành kinh tế của đất nước nói chung. SCIC phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, nhưng đồng thời phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, làm đúng pháp luật. SCIC không nên ôm đồm quá nhiều DN địa phương chuyển về, không quản trị được, trong khi lại đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không nên đầu tư quá phân tán, chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế như công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến thực phẩm, tài chính, xăng dầu, vận tải hàng không, đường sắt. SCIC cần làm rõ lĩnh vực, ngành nghề nào để thực hiện chiến lược phát triển, lĩnh vực, ngành nghề nào thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, các công ty con cần cơ cấu lại, bán, cho thuê, sáp nhập, giải thể… đảm bảo kinh doanh hoạt động theo định hướng thị trường, mục tiêu bảo toàn vốn, tối đa hóa lợi nhuận. Việc thoái vốn của SCIC cần công bố công khai về chủ trương thoái vốn, mời các đơn vị tư vấn, thẩm định độc lập, định giá đúng giá trị của DN, nếu không dư luận sẽ đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm, dẫn đến việc bị thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này.

Theo báo cáo của SCIC, sau gần 14 năm đi vào hoạt động (8-2006), vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 51.911 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 55.828 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường đạt 146.512 tỷ đồng. Một trong những kết quả lớn của SCIC là từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận được 1.068 DN với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỷ đồng. SCIC đã hoàn thành tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 35/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.742 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp với giá vốn 11.169 tỷ đồng và thu về 47.306 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục