Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Chính phủ yêu cầu bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
Chính phủ yêu cầu bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025

Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng thời cơ, thuận lợi, nhất là hiệu quả của chính sách, giải pháp mới ban hành và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động, là cơ sở để khai thác không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý 3 và năm 2025; nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên.

Trong đó, tổ chức triển khai hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về: KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; xây dựng và thực thi pháp luật; hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân. Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài KH-CN, đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; trong tháng 7 trình Chính phủ nghị định về chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.

Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương tích cực, khẩn trương, chủ động, tập trung nguồn lực hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang và các nhiệm vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp.

Chính phủ yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thường xuyên cập nhật kịch bản lạm phát để có giải pháp điều hành giá phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng; chuyển việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường và đánh giá rủi ro của từng tổ chức tín dụng, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng.

Các bộ: Xây dựng, KH-CN, Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Chương trình tín dụng đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội, Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số; Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL…

Thủ tướng chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2-2025 ước đạt 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đạt 7,52%, cơ bản đạt kịch bản tăng trưởng 7,6% nêu tại Nghị quyết số 154/NQ-CP, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025, dự báo cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.

Có 17/34 địa phương sau sáp nhập tăng trưởng trên 8%, trong đó, các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ hai con số trở lên như: Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng...

Tin cùng chuyên mục