Chủ động mở rộng thị trường
Theo Bộ Công thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ đỡ chính, chiếm 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng dẫn đầu gồm điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ở lĩnh vực nông sản, cà phê lần đầu tiên vượt mốc 5,45 tỷ USD.

Nhận xét về điều này, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, chia sẻ: “Khối lượng cà phê chỉ tăng 5,3% nhưng trị giá xuất khẩu đã tăng vọt nhờ đẩy mạnh chế biến sâu và tập trung vào các thị trường cao cấp. Việc chuyển dịch từ xuất thô sang gia tăng giá trị đang trở thành hướng đi chiến lược để nông sản Việt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và xuất xứ”.
Còn theo nhận định của ông Masayuki Matsumoto, Giám đốc Mua hàng Tập đoàn Aeon Mall Vietnam, việc nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất giúp hàng công nghiệp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu quốc tế. Sự gia tăng đơn hàng từ các thị trường khó tính cho thấy Việt Nam từng bước củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc tích cực khai phá thị trường mới cũng đem lại kết quả rõ rệt. Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), thông tin: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu là thỏa thuận tham vọng nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển. Một trong những công cụ then chốt giúp doanh nghiệp duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh thương mại toàn cầu phức tạp chính là Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) - một tài sản chiến lược không chỉ đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi thuế quan, mà còn là nền tảng củng cố niềm tin với các đối tác quốc tế.
Theo khảo sát của Eurocham, phần lớn doanh nghiệp nhận được C/O trong khoảng 3-5 ngày làm việc, thậm chí trong vòng 24 giờ, một tín hiệu tích cực trong quy trình hải quan. Nhờ chủ động tìm kiếm và đa dạng cách thức khai thác tiềm năng thị trường mà kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt bước tiến khả quan. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU 6 tháng đầu năm tăng 14,2% so với cùng kỳ. Tại thị trường ASEAN, kim ngạch đạt 14,8 tỷ USD, tăng 2,9%, còn Nhật Bản và Mỹ lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 15%-23% trong nhóm nông thủy sản.
Ông Wichai Jirathiwat, Giám đốc Mua hàng Central Group, cho biết, người tiêu dùng Thái Lan ngày càng tin tưởng sản phẩm Việt Nam nhờ chất lượng và giá cả hợp lý. Để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn, doanh nghiệp nên chú trọng cải tiến bao bì, mẫu mã, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tối ưu lợi thế, tiếp sức doanh nghiệp
Xuất khẩu tăng tốc trong nửa đầu năm là minh chứng cho năng lực thích ứng và đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam. “Đa dạng hóa thị trường không chỉ là biện pháp ứng phó mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì đơn hàng ổn định trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động”, ông Masayuki Matsumoto phân tích.
Cùng quan điểm này, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM, nhấn mạnh: Tại Indonesia và các quốc gia Hồi giáo, nhu cầu sản phẩm Halal tạo dư địa phát triển rộng lớn. Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt chủ động thâm nhập và phát triển thị phần bền vững.

Bộ Công thương đang triển khai nhiều hoạt động thông qua các hội chợ quốc tế tại châu Âu, ASEAN, Trung Đông… Các chương trình kết nối giao thương trực tuyến - trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp và hội thảo chuyên đề giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng tiêu dùng tại từng thị trường. Đây còn là bước đệm giúp doanh nghiệp nội địa mở rộng hệ sinh thái phân phối và tăng khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu.
“Đa dạng hóa thị trường kết hợp tối ưu hóa lợi thế từng khu vực sẽ giúp doanh nghiệp Việt giảm thiểu rủi ro, đón đầu xu thế tiêu dùng và duy trì đà tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, cần xác định rõ các ngành mũi nhọn và đầu tư bài bản vào công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đề xuất.
Ngoài ra, việc tận dụng sàn thương mại điện tử xuyên biên giới kết hợp với các sáng kiến từ cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đang mở thêm cánh cửa để hàng Việt tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng quốc tế. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chia sẻ quan điểm này: “Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn cơ hội thị trường và xây dựng thương hiệu bền vững”.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị có những giải pháp cụ thể như: đơn giản hóa quy trình nhập khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ số và các nền tảng khai báo điện tử, thuận lợi hóa cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; có hướng dẫn và thực thi hải quan nhất quán hơn và loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Mặt khác, Khi phát triển chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh và gia tăng tỷ lệ hàng hóa thực sự được sản xuất trong nước, Việt Nam sẽ có vị thế tốt hơn trong quá trình cạnh tranh toàn cầu.
“Từ ngày 5-5, Bộ Công thương tiếp quản quy trình cấp C/O với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong một số khâu then chốt. Động thái này được doanh nghiệp đánh giá cao, vì cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp hiệu quả hơn với hệ thống hải quan điện tử và chữ ký số”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Eurocham, nhấn mạnh.