Trong phiên làm việc buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Lê Thành Long, các đại biểu tham dự đã nghe các báo cáo chuyên đề về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 – 2022; Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật; phát triển tổ chức hành nghề công chứng trong bối cảnh Luật Công chứng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến quy hoạch…
Đáng lưu ý, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến thì cho biết, việc bỏ biện pháp quản lý nhà nước bằng quy hoạch cần phải có biện pháp quản lý khác thay thế để bảo đảm chất lượng hoạt động công chứng. Theo bà Đỗ Hoàng Yến Yến, việc ban hành các tiêu chí theo quy định tại Điều 70 Luật Công chứng là hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ việc phát triển các Văn phòng công chứng - các tổ chức tư nhưng lại cung cấp dịch vụ công, có tính chất ủy quyền của Nhà nước. Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, dù có quy hoạch hay không có quy hoạch thì Nhà nước đều quản lý rất chặt chẽ đối với hoạt động và sự hình thành các tổ chức hành nghề công chứng.
“Do đó, phải bảo đảm các tổ chức hành nghề công chứng phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững nhưng không kìm hãm sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng yêu cầu công chứng của xã hội”, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp nhấn mạnh. |
Bộ đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 127 công chứng viên và miễn nhiệm đối với 27 trường hợp. Hiện cả nước có 2.576 công chứng viên; các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 6.715.612 hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác (tăng tới 25% so với năm 2017), góp phần giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện về các hợp đồng, giao dịch; đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 350 tỷ đồng.