Cần tầm nhìn xa

Sự khởi sắc của thể thao TPHCM trong thời gian gần đây ở các môn bóng đá, điền kinh, xe đạp hay bóng rổ, kiếm thuật... cho thấy chiến lược xã hội hóa triệt để, tập trung cho các môn Olympic cũng như mạnh dạn thay đổi những cách làm cũ, đã đi đúng hướng. Đơn cử như môn bóng đá, với những doanh nghiệp có thực lực đầu tư, đã thay đổi hình ảnh rất tích cực trong đó có cả những bước đi tiên phong ở khía cạnh khai thác doanh thu trực tiếp, dùng bóng đá nuôi bóng đá. Hoặc ở các môn cá nhân, những Lê Tú Chinh (điền kinh), Lê Thanh Tùng (thể dục), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… vẫn duy trì được vị thế cho thể thao thành phố, không chỉ ở tầm vóc quốc gia mà còn trên đấu trường quốc tế. 

Nhưng vấn đề đặt ra là một khi đã từng bước thực hiện đúng chiến lược thể thao đỉnh cao, phù hợp với thực tế của một đại đô thị, thành phố dẫn đầu thì câu hỏi kế tiếp là tầm nhìn bao xa. Ví dụ như yếu tố cơ sở vật chất phát triển đến đâu? Hoạt động khai thác thương mại, kinh doanh dịch vụ thể thao sẽ đóng góp vào ngân sách chung, hay thậm chí là GDP của thành phố trên nền tảng nào? Chuyển biến trực tiếp thông qua cơ sở hạ tầng cộng đồng, diện tích đất và tỷ lệ người chơi thể thao được cụ thể ra sao?

Đơn cử như bóng đá chuyên nghiệp. Hiện 2 đội TPHCM và Sài Gòn FC đang dùng chung sân Thống Nhất nằm ở vùng lõi dân cư. Nếu 2 đội bóng này có thành tích tốt, CĐV ngày một đông hơn cũng như truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào bóng đá đỉnh cao thì chắc chắn sân Thống Nhất bị quá tải, trong bối cảnh mà sức chứa của nó chỉ có thể giảm đi chứ không thể mở rộng do đã vượt ngưỡng quy định về an toàn, an ninh. Vậy thì khi nào thành phố mới có sân vận động mới, hiện đại, tầm vóc châu Á để có thể cùng lúc tổ chức những trận cầu của đội tuyển quốc gia?

Không thể mời gọi doanh nghiệp đầu tư, đề ra chiến lược thu hút người hâm mộ đến sân, kinh doanh từ tiền bán vé, nhưng bản thân các CLB thì lại không sân tập, sân thi đấu có quy mô lớn. Đây là vấn đề thuộc về tầm nhìn, bởi trong quy hoạch thì TPHCM sẽ có sân vận động trung tâm ở Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc, như vậy là sẽ khó có chuyện phê duyệt đầu tư một sân bóng nào khác có quy mô tương đương. Điều này cũng có nghĩa, các doanh nghiệp, CLB vẫn phải sử dụng sân Thống Nhất cho đến khi nào sân bóng ở Rạch Chiếc được xây. Quy trình ấy có thể mất đến 5-7 năm… Nếu chẳng may có sự cố gì khiến sân Thống Nhất không thể tổ chức thì các CLB của TPHCM chẳng biết sẽ thi đấu ở đâu. Đó là chưa nói, số lượng CLB của thành phố hiện đang ở mức tối thiểu, nhưng chưa thấy ngành thể thao đặt vấn đề về triển vọng nhiều hơn 5 đội bóng cùng lúc.

Với những nền thể thao hiện đại, theo nguyên tắc thì các cơ sở vật chất luôn xây thêm chứ không bớt đi. Một đại đô thị, đầu tàu kinh tế và dịch vụ như TPHCM, lẽ ra diện tích sân bãi và số lượng CLB, đội bóng phải tăng theo cấp số nhân chứ không nên giảm. Chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao theo hướng trọng tâm, nhiều môn Olympic, lại cần đến tầm nhìn xa về cơ sở vật chất. Ví dụ như để phát triển điền kinh, thì số lượng đường chạy tiêu chuẩn phải tăng lên, ở từng quận cũng như các trường học. Nhưng thực tế hiện nay thì ngay những môn thi đấu trong nhà, chiếm ít diện tích đất, vẫn đang thiếu nhà thi đấu đẳng cấp quốc tế.

Từ sau khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng hạ giải chờ xây mới, TPHCM hiện chỉ còn Nhà thi đấu thể thao Phú Thọ, nên số lượng giải thể thao quốc tế ngày một ít dần. Khu vực Trường đua Phú Thọ nay trở thành nơi tập trung của phần lớn các môn đỉnh cao, cũng như đào tạo VĐV. Điều này cũng có nghĩa, thành phố “mất” đi một trường đua và cũng chưa có một khu liên hợp thi đấu cũng như đào tạo đúng nghĩa nào cả. Mọi thứ chỉ là tạm bợ, vẫn phải cần một tầm nhìn xa hơn, tránh dẫn đến việc lệch pha trong chiến lược phát triển và thời gian thực hiện.

Ở một góc độ khác, đó là ước mơ dùng thể thao nuôi thể thao, thậm chí là đóng góp tỷ trọng của ngành dịch vụ cho ngân sách thành phố. Chúng ta vẫn hay lo lắng về những bài toán “hậu sự kiện”, làm sao khai thác tốt các cơ sở vật chất. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu chưa có những quy hoạch chi tiết về đất đai, chưa có sự hình thành của những công trình, thì cũng khó mà tính toán nguồn doanh thu cũng như hoạt động dịch vụ thể thao phục vụ cho cư dân lân cận.

Tin cùng chuyên mục