Thí điểm ở 2 tuyến đường
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL-ĐHVTHKCC) thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong lĩnh vực hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, bên cạnh yếu tố giá vé rẻ và luồng tuyến phủ khắp, thuận tiện thì việc đảm bảo thời gian hành trình cũng là thông số mang tính quyết định sự sinh tồn của xe buýt.
Việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt chính là một trong những biện pháp khắc phục điều này. Một khi bảo đảm được thời gian hành trình, ít nhất tốc độ vận hành của xe buýt trong giờ cao điểm không thấp hơn so với tốc độ của giờ thấp điểm, bấy giờ mới có thể xóa tan được tâm lý ngại sử dụng xe buýt của người dân, thu hút người dân đến với phương tiện VTHKCC.
Tác dụng tiếp theo của việc thu hút người dân từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân để đến với xe buýt nói riêng và phương tiện VTHKCC nói chung, sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và kể cả ô nhiễm môi trường.
Đó là lý do thời gian qua, việc nghiên cứu làn đường ưu tiên cho xe buýt được tiến hành và trước mắt, TTQL-ĐHVTHKCC đề xuất tổ chức thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu thuộc địa bàn quận 1 và quận 3.
Cũng theo ông Trần Chí Trung, sở dĩ chọn 2 trục đường này vì đường Điện Biên Phủ hiện có 7 tuyến xe buýt chạy qua với số lượng bình quân 51.000 lượt hành khách/ngày, còn đường Võ Thị Sáu có 6 tuyến xe buýt vận hành với bình quân khoảng 39.000 lượt hành khách/ngày. Phần lớn lượng hành khách đi xe buýt trên 2 cung đường này là sinh viên theo học tại các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Trên 2 đường này, xe buýt hoạt động với tần suất 5 - 15 phút/chuyến. Thế nhưng, hiện thời gian hành trình không bảo đảm, giống như hầu hết các tuyến xe buýt khác; từ đó, dẫn đến việc thu hút lượng sinh viên, học sinh đi xe buýt vẫn chưa cao.
Lắp đặt 18 nhà chờ xe buýt
Theo kế hoạch, việc tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, có điểm đầu tuyến tại giao lộ với vòng xoay Ngã Bảy và kết thúc tại giao lộ với đường Đinh Tiên Hoàng, chiều dài cự ly khoảng 3,56km. Trên đường Võ Thị Sáu, điểm đầu tuyến tại giao lộ với đường Đinh Tiên Hoàng và kết thúc tại giao lộ với vòng xoay Công trường Dân Chủ, dài khoảng 2,2km. Trên 2 làn đường ưu tiên này sẽ được lắp đặt 18 nhà chờ xe buýt, gắn 18 camera quan sát, 12 tiểu đảo tạo điểm dừng đón - trả khách, mở rộng mặt đường tại các trạm dừng với tổng diện tích 400m². Ngoài ra còn lắp đặt 6 trụ giá long môn, hơn 4,5km dải phân cách thép, 38 biển báo phân làn đường…
Ông Trần Chí Trung nhận định: “Chúng tôi cho rằng, có thể gặp khó khăn bước đầu do diện tích mặt đường vẫn vậy nhưng lại phải dành một phần đường ưu tiên để xe buýt lưu thông. Một trong những phương cách giải quyết khó khăn ban đầu là cần sự phối hợp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố… cũng như sự thông cảm, hưởng ứng từ người dân tham gia giao thông trên đường. Chúng tôi nghĩ rằng, có những lúc và những chuyện chúng ta cũng cần hy sinh một chút lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của cả cộng đồng”.
Trên đường Điện Biên Phủ, tuyến làn ưu tiên sẽ có điểm đầu tại giao lộ với vòng xoay Lý Thái Tổ và kết thúc tại giao lộ với đường Đinh Tiên Hoàng, chiều dài cự ly khoảng 3,56km. Trên đường Võ Thị Sáu, điểm đầu tuyến là tại giao lộ với đường Đinh Tiên Hoàng và kết thúc tại giao lộ với vòng xoay Công trường Dân chủ, chiều dài khoảng 2,2km.
Trên hai làn đường ưu tiên cho xe buýt này sẽ được lắp đặt 18 nhà chờ xe buýt trên hành lang làn ưu tiên, 18 camera quan sát, 12 tiểu đảo tạo điểm dừng đón trả khách, mở rộng mặt đường tại các điểm dừng đón trả khách với tổng diện tích 400m2. Ngoài ra còn lắp đặt 6 trụ giá long môn, hơn 4,5 km dải phân cách thép, 38 biển báo phân làn…