Cần trực diện và hiệu quả hơn

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2023 sẽ tiếp tục đình trệ nếu các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp không khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc đã được nhận diện của năm trước. Đó là những vướng mắc về thủ tục pháp lý, nguyên nhân chính khiến cho nhiều dự án bị đóng băng, dẫn đến nguồn cung giảm.

Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết, riêng về vấn đề định giá đất, mỗi địa phương làm một cách. Có địa phương thực hiện định giá theo thị trường, có địa phương thực hiện các phương thức xác định doanh thu tương lai… Hiện có khoảng 70%-80% doanh nghiệp gặp khó liên quan đến định giá đất chậm, nhiều dự án không nộp tiền sử dụng đất nên không triển khai được.

Liên quan đến quy hoạch, hiện nhiều dự án có quy hoạch chi tiết, đang triển khai nhưng chưa đủ căn cứ pháp lý hoặc pháp lý hết hiệu lực. Bên cạnh đó, những vướng mắc liên quan đến pháp luật về đầu tư, về đấu thầu dự án có đất công xen kẽ, về hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… cũng đang làm khó thị trường BĐS.

Để giải quyết những vấn đề của thị trường BĐS, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, Chính phủ đã rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đơn cử như việc thành lập tổ công tác đi làm việc với các địa phương. Tuy nhiên, tổ công tác cần hoạt động có hiệu quả hơn, trực diện hơn với những khó khăn của doanh nghiệp và cùng địa phương giải quyết.

Trước mắt, tổ công tác cần tập hợp danh mục dự án khó khăn của địa phương, phân loại khó khăn mà dự án đang đối mặt như dự án vướng giải phóng mặt bằng, dự án vướng do định giá đất, dự án đang triển khai nhưng bị “tắc vốn”… để từ đó có giải pháp cụ thể. Các bộ ngành liên quan trong tổ công tác nên có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cụ thể cho doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của mình, tuyệt đối tránh các hướng dẫn chung chung.

Cùng với việc giải quyết khó khăn từ phía cơ chế chính sách, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cũng cần có sự nỗ lực vận động. Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều, việc đầu cơ còn nặng về tâm lý đám đông.

Để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần tiến hành tái cấu trúc, phấn đấu trả hết các khoản nợ đến hạn phải trả; không trả được phải đàm phán khất nợ; đồng thời chấp nhận cắt lỗ, bán đi một số tài sản, dự án để có tiền trả nợ.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng, sắp tới, các doanh nghiệp BĐS phải nỗ lực tự cứu mình, giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực của xã hội.

Tin cùng chuyên mục