Cảng biển Việt Nam lần đầu tiên đón tàu 160.000 tấn

Cảng biển Việt Nam lần đầu tiên đón tàu 160.000 tấn

(SGGPO).- Ngày 29-10-2015, trước sự chứng kiến của đại diện Chính phủ Đan Mạnh và Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, tàu container CSCL Star có trọng tải 160.000 tấn với sức chở 14.000TEU đã cập thành công bến cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) của khu cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải nằm trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tàu container CSCL Star có trọng tải 160.000 tấn với sức chở 14.000TEU cập thành công bến cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT). Ảnh: QUANG KHOA

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của hệ thống cảng biển Việt Nam bởi không những tiếp nhận an toàn tàu siêu lớn mà trong số hàng ngàn containar tàu đang chuyên chở có hơn 130 container xuất phát từ Thái Lan trung chuyển qua cảng Quốc tế Cái Mép để đi tới châu Âu.

Sự kiện này được xem là mốc khởi đầu trong chặng đường phấn đấu đưa khu cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành điểm trung chuyển quốc tế trong hải trình của các tuyến vận tải viễn dương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công (thứ 2 từ phải sang) đến chúc mừng sự kiện. Ảnh: QUANG KHOA

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng nước sâu, cửa ngõ quốc tế của Việt Nam, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải trên 100.000 tấn. 9 tháng đầu năm 2015, cụm cảng đón gần 1.000 tàu, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt trong đó có gần 300 tàu có trọng tải trên 80.000 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2014. Nằm trong cụm cảng này, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) là cảng container chuyên dụng, do liên doanh APM Terminal (Maersk Line’s, Đan Mạch) - Cảng Sài Gòn và Vinalines đầu tư. Mặc dù điều kiện luồng lạch mới chỉ cho cỡ tàu đến 80.000 tấn ra vào các cảng, tuy nhiên đón trước được xu hướng phát triển tàu lớn và khả năng cải tạo tuyến luồng, trong quá trình thực hiện đầu tư, cảng CMIT và tư vấn thiết kế kỹ thuật biển của Việt Nam (Portcoast) đã nghiên cứu thiết kế xây dựng bến cảng để cập và làm hàng cho tàu có trọng tải gần 160.000 tấn, sức chở đến 14.000 TEU.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Portcoast cho biết, để đảm bảo an toàn hàng hải, đơn vị đã thực hiện mô phỏng trên mô hình toán với gần 200 kịch bản tàu hành hải trên luồng, rời và vào bến cảng trong các điều kiện khí tượng, thủy văn khác nhau. Hiện, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Portcoast đang nghiên cứu cho tàu trọng tải trên 100.000 tấn ra vào thường xuyên cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Động thái này, theo ông Nguyễn Văn Công, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, đưa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế.

Từ trước đến nay, để xuất khẩu đi châu Âu và châu Mỹ, hàng hóa của Việt Nam thường phải trung chuyển qua các cảng trung chuyển trong khu vực như Hongkong, Singapore, Malaysia… Để giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, từ nhiều năm nay, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt mục tiêu phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Từ tháng 6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung đầu tư các bến cảng chuyên dùng container, bến cảng bách hóa, tổng hợp tại khu vực Cái Mép, Cái Mép hạ, Bến Đình - Sao Mai, để thực hiện vai trò khu cảng trọng yếu, cửa ngõ quốc tế phía Nam, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa xuất, nhập khẩu đi các tuyến biển xa của Việt Nam.

Cảng biển Việt Nam lần đầu tiên đón tàu 160.000 tấn ảnh 3

Nguyễn Khoa
Video: Nguyễn Khoa - Quang Khoa
Giọng đọc: Hải Yến

Tin cùng chuyên mục